Bị cúm khi mang thai có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho cả mẹ và con. Ngay cả khi bạn hoàn toàn khỏe mạnh, sự thay đổi về đáp ứng miễn dịch, chức năng của tim, phổi trong thai kỳ cũng dễ làm bạn có nguy cơ bị biến chứng từ cúm hơn so với những người khác.
Bị cúm khi mang thai có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng
Bệnh cúm là gì?
Cúm là bệnh do virus gây ra, thường gặp nhất là virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh thường khởi phát với những triệu chứng sốt, đau họng, ngạt mũi và chảy nước mũi. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, đặc biệt nếu bạn nhiễm bệnh trong thai kỳ hoặc sau khi sinh.
Bệnh cúm lây truyền như thế nào?
Cúm có thể dễ dàng lây từ người sang người. Virus cúm sẽ phát tán ra ngoài qua các giọt bắn của người bệnh khi họ hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Bạn có thể nhiễm virus nếu hít phải những giọt li ti ấy hoặc chạm tay vào những nơi có chứa virus như nắm cửa, điện thoại… và chạm tay lên niêm mạc mắt, mũi, miệng.
Những người mắc cúm có thể lây nhiễm cho người khác từ 1 ngày trước khi khởi phát triệu chứng đầu tiên, cho tới 5 – 7 ngày sau khi mắc bệnh.
Bệnh cúm lây lan từ các giọt bắn của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi
Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị cúm và nguy cơ biến chứng cao hơn người không mang thai?
Cúm có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai bởi khi mang bầu, hệ miễn dịch suy giảm, không đáp ứng nhanh với sự xâm nhập của virus như trước khi mang thai. Bởi mang thai vốn là sự phát triển của một yếu tố “lạ” đối với cơ thể người mẹ, nhưng hệ miễn dịch của bạn biết rằng sự phát triển đó là bình thường. Vì vậy hệ miễn dịch luôn trong tình trạng ít hoạt động và giảm nhạy cảm. Đây cũng là lý do bạn dễ bị ốm hơn so với những người không mang thai.
Một lý do khác mà cúm gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai đó là phổi của bạn cần nhiều oxy hơn, đặc biệt trong 6 tháng sau của thai kỳ. Thai tăng kích thước càng làm tăng áp lực cho phổi, khiến chúng phải làm việc nhiều hơn trong một diện tích nhỏ hơn. Bên cạnh đó, tim cũng phải hoạt động nhiều hơn để cấp máu cho cả bạn và thai nhi. Do đó, cơ thể bạn đã ở trong trạng thái mệt mỏi hơn bình thường, đây cũng là lý do khiến bạn dễ mắc cúm hơn và thời gian phục hồi sau cúm dài hơn so với những người không mang thai.
Bà bầu bị cúm lâu hồi phục hơn so với người khác
Bị cúm khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến mẹ và con?
Bệnh cúm có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, biến chứng của cúm có thể nguy hiểm, thường gặp là viêm phổi hoặc thậm chí gây tử vong đặc biệt nếu bạn đang mang thai.
– Ảnh hưởng đến bà bầu: Phụ nữ mang thai bị cúm có nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn, tỉ lệ nhập viện cao hơn so với người không mang thai, đặc biệt khi mẹ có các bệnh lý mắc kèm như bệnh tim mạch, bệnh phổi, đái tháo đường thai kỳ, bệnh thận mạn hoặc suy giảm miễn dịch.
– Ảnh hưởng đến thai nhi: Ảnh hưởng của virus cúm trên thai nhi chưa được nghiên cứu một cách toàn diện. Việc truyền virus qua nhau thai là rất hiếm nhưng cũng được ghi nhận trong 1 trường hợp nhiễm H5N1. Tuy nhiên, bà bầu bị nhiễm virus cúm có thể gây ra một số dị tật bẩm sinh ở trẻ, mặc dù không có sự lây truyền qua nhau thai.
Bà bầu bị cúm trong những tháng cuối thai kỳ có nguy cơ dọa đẻ non (chuyển dạ trước 37 tuần thai) hoặc đẻ non (sinh trước 37 tuần thai) cao hơn so với những thai phụ không bị cúm.
Trường hợp bà bầu bị nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ, tình trạng sốt do cúm có thể liên quan tới một số dị tật ở trẻ bao gồm: khuyết tật ống thần kinh, não úng thủy, bệnh tim bẩm sinh, sứt môi và một số khuyết tật khác. Nguy cơ này có vẻ thấp hơn nếu mẹ được sử dụng thuốc hạ sốt.
Trong đại dịch H1N1 năm 2009, chỉ những thai phụ mắc bệnh với mức độ nặng (điều trị tại khoa điều trị tích cực) mới tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.
DS Hảo Phạm
Tài liệu tham khảo
- “Uptodate: Seasonal influenza and pregnancy”, last updated: Nov 15, 2019
- “Influenza (flu) and pregnancy”, March with us, accessed date: 20 February 2020
- Luteijn JM, Brown MJ, Dolk H. Influenza and congenital anomalies: a systematic review and meta-analysis. Hum Reprod 2014; 29:809.
- “Flushot_pregnant_factsheet”, Centers for Disease Control and Prevention (CDC), Last Updated 12/27/2017