Estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú không?

Lượng estrogen cao hoặc bổ sung estrogen kéo dài trong suốt cuộc đời có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nhưng có nhiều cách giúp giảm rủi ro mắc phải căn bệnh này.

nguy cơ ung thư vú
Lượng estrogen cao trong cơ thể có liên quan đến ung thư vú

Estrogen đóng vai trò gì trong cơ thể con người?

Estrogen không phải lúc nào cũng gây nguy hiểm, trên thực tế nó là một thành phần cần thiết trong quá trình phát triển của con người.

Estrogen là một loại hormone sinh sản chủ yếu được sản xuất bởi buồng trứng, da và các mô mỡ. Nó cũng chịu trách nhiệm giúp cơ thể con người phát triển các đặc tính sinh dục nữ. Đặc biệt, estrogen có vai trò:

  • Phát triển các mô vú, âm hộ và âm đạo
  • Hỗ trợ mang thai và tránh thai
  • Tăng mật độ xương
  • Điều hòa cholesterol
nguy cơ ung thư vú
Estrogen có nhiều vai trò với tâm sinh lý nữ

Estrogen làm tăng nguy cơ ung thư vú như thế nào?

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn estrogen để hỗ trợ hoặc điều trị một số vấn đề như:

Tuy nhiên, nếu bổ sung với hàm lượng cao trong thời gian dài thì có thể gây hại. Estrogen góp phần vào sự phát triển của các loại ung thư vú nhạy cảm với hormone. Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen giai đoạn đầu, điều này có nghĩa là có các tế bào ung thư chứa một số protein có thể kích hoạt khi estrogen liên kết với chúng.

Liệu pháp thay thế hormone (HRT)

liệu pháp thay thế hormone (HRT) thường được kê đơn để giúp giảm bớt các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng và đổ mồ hôi ban đêm. Tuy nhiên, những ưu và nhược điểm của HRT phải được cân nhắc cẩn thận vì có thể làm tăng khả năng ung thư vú.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, HRT chỉ chứa estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và nguy cơ này không giảm nếu ngừng dùng thuốc. Mặt khác, HRT kết hợp cả estrogen và progestin cũng làm tăng nguy cơ, nhưng nguy cơ này có thể giảm nhẹ sau khi ngừng bổ sung.

Việc có nên dùng HRT hay không phụ thuộc vào nguy cơ mắc ung thư vú của cá nhân mỗi người. Bác sĩ có thể giúp bạn đánh giá lợi ích và rủi ro của việc dùng hormone để giảm triệu chứng mãn kinh.

nguy cơ ung thư vú
Liệu pháp thay thế hormone (HRT) thường được chỉ định cho phụ nữ mãn kinh

Các yếu tố liên quan đến estrogen khác

Mặc dù HRT có thể làm tăng khả năng bị ung thư vú, nhưng có những yếu tố khác cũng có thể làm tăng nồng độ estrogen và nguy cơ ung thư sau này, bao gồm:

  • Uống thuốc tránh thai
  • Sử dụng diethylstilbestrol khi mang thai
  • Có kinh nguyệt sớm
  • Bắt đầu mãn kinh muộn
  • Chưa sinh con
  • Sinh con đầu lòng khi đã lớn tuổi

Bao nhiêu estrogen làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Estrogen có thể được kê đơn ở các liều lượng khác nhau dựa trên mục đích sử dụng. Không có con số chính xác liên quan đến sự phát triển bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, tiếp xúc với estrogen kéo dài đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú không liên quan đến estrogen

Ngoài estrogen, có nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là sau mãn kinh. Điều này là do các mô mỡ lưu trữ và giải phóng estrogen làm tăng mức estrogen tổng thể.

Ngoài ra, lượng mỡ dư thừa trong cơ thể cũng làm tăng nồng độ insulin, do đó có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Ít vận động

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh mà còn làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể tác động đến mức độ hormone cũng như chế ngự chứng viêm.

nguy cơ ung thư vú
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú

Bỏ rượu bia

Càng uống nhiều bia rượu, nguy cơ mắc ung thư vú càng cao. Uống 1 ly mỗi ngày làm tăng 7 đến 10% nguy cơ, uống 2 đến 3 ly mỗi ngày có thể làm tăng 20% nguy cơ mắc ung thư vú.

Không sinh con hoặc không cho con bú

Những người sinh con – đặc biệt là trước 35 tuổi được cho là khó mắc ung thư vú hơn so với những người không sinh con hoặc sinh con sau độ tuổi 35. Cho con bú cũng có thể làm giảm rủi ro vì số lượng chu kỳ kinh nguyệt trong suốt cuộc đời ít hơn, điều này làm giảm sự tiếp xúc với estrogen.

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này như:

  • Chế độ ăn nhiều chất béo
  • Tiếp xúc với hóa chất môi trường như nhựa và thuốc trừ sâu
  • Thay đổi melatonin và các kích thích tố khác do làm việc ca đêm
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên
  • Tiếp xúc với bức xạ, chẳng hạn như chụp X-quang ngực (đặc biệt là trước 20 tuổi), vì nó có thể làm tăng tỷ lệ bị ung thư vú đối với phụ nữ có những thay đổi di truyền trong gen BRCA1 và BRCA2.

Có thể làm gì để ngăn ngừa ung thư vú?

Mặc dù không có phương pháp duy nhất nào giúp phòng tránh ung thư, nhưng theo khuyến cáo của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, bạn có thể thực hiện nhiều cách để giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú:

  • Giữ cân nặng ở mức vừa phải
  • Bỏ hoặc hạn chế bia rượu
  • Tập thể dục ở mức vừa phải, ít nhất 150 – 300 phút mỗi tuần
  • Nếu người thân trong gia đình bị ung thư vú, bạn nên đi tầm soát ung thư vú từ sớm
  • Cân nhắc phẫu thuật phòng ngừa (chẳng hạn như cắt bỏ vú hoặc buồng trứng) hoặc dùng thuốc ức chế estrogen theo khuyến cáo của bác sĩ nếu bạn được cho là có nguy cơ cao.

Vân Anh