Nhiễm khuẩn âm đạo hay còn gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn là bệnh phụ khoa rất dễ mắc phải. Nếu không được điều trị, nhiễm khuẩn âm đạo có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản.
Nhiễm khuẩn âm đạo là gì?
Cũng giống như ruột, âm đạo là nơi cư trú của hàng tỷ vi khuẩn và các vi sinh vật khác, trong đó có vi khuẩn có lợi (Lactobacilli) chiếm phần lớn và một phần nhỏ là vi khuẩn có hại (vi khuẩn kị khí). Hệ vi sinh âm đạo cân bằng, khỏe mạnh là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe vùng kín.
Nhiễm khuẩn âm đạo là tình trang viêm do sự phát triển quá mức của một số vi khuẩn sinh sống tự nhiên trong âm đạo gây ra mất cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn âm đạo là gì?
Nguyên nhân chính xác của viêm âm đạo do vi khuẩn vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của vi khuẩn kị khí sống tự nhiên trong âm đạo, làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của vi sinh vật trong âm đạo thường làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo.
Nhiễm khuẩn âm đạo dễ xảy ra hơn nếu:
- Có nhiều bạn tình hoặc một bạn tình mới: Tình trạng viêm âm đạo xảy ra thường xuyên hơn ở những phụ nữ có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình mới. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở phụ nữ có quan hệ tình dục đồng giới.
- Thụt rửa âm đạo: Việc thụt rửa âm đạo bằng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ không phù hợp sẽ làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của âm đạo. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn kị khí và gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn. Vì âm đạo có khả năng tự làm sạch nên không cần thiết phải thụt rửa.
- Thiếu hụt vi khuẩn lactobacilli: Lactobacilli chiếm khoảng 80% số lượng vi sinh vật trong âm đạo, có vai trò tạo ra axit lactic. Chức năng này giúp duy trì độ pH của âm đạo ở mức hơi axit và ngăn chặn sự phát triển của nấm men, vi khuẩn xấu và các sinh vật gây bệnh khác vốn thích môi trường kiềm hơn. Lactobacilli cũng sản xuất hydrogen peroxide và các chất khác ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn và nấm men gây bệnh.
Dấu hiệu, triệu chứng của nhiễm khuẩn âm đạo
Khoảng một nửa số trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn không có triệu chứng đáng chú ý, vì thế rất dễ bị bỏ qua và không điều trị. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Dịch tiết âm đạo bất thường: có màu trắng hoặc xám hoặc vàng
- Vùng kín có mùi hôi hoặc tanh
- Ngứa và kích ứng nhẹ xung quanh âm đạo
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
Đôi khi những triệu chứng này đến và đi, hoặc dễ nhận thấy hơn trong thời kỳ kinh nguyệt.
Hậu quả của nhiễm khuẩn âm đạo
Nhiễm khuẩn âm đạo nếu không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng bao gồm:
- Sinh non: Ở phụ nữ mang thai, viêm âm đạo do vi khuẩn có liên quan đến sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Bị viêm âm đạo do vi khuẩn khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như HIV, virus herpes simplex, chlamydia hoặc bệnh lậu. Nếu người phụ nữ bị nhiễm HIV, viêm âm đạo do vi khuẩn làm tăng khả năng truyền virus cho chồng/người yêu.
- Nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật phụ khoa: Bị nhiễm khuẩn âm đạo có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng sau phẫu thuật sau các thủ thuật như cắt tử cung hoặc nong và nạo.
- Bệnh viêm vùng chậu: Viêm âm đạo do vi khuẩn đôi khi có thể gây ra viêm vùng chậu, nhiễm trùng tử cung và ống dẫn trứng và có thể làm tăng nguy cơ vô sinh.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn âm đạo như thế nào?
Để giúp ngăn ngừa viêm âm đạo do vi khuẩn cũng như các bệnh phụ khoa khác cần chú ý một số điều sau đây:
- Tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm dễ gây kích ứng như băng vệ sinh có mùi thơm, nước hoa vùng kín, dung dịch vệ sinh có chứa nhiều hóa chất tạo mùi.
- Không thụt rửa vùng kín. Thụt rửa thường xuyên sẽ phá vỡ sự cân bằng vi sinh trong âm đạo và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.
- Khi đi vệ sinh cần chú ý lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
- Đảm bảo an toàn khi quan hệ tình dục, nên sử dụng bao cao su cho nam, hạn chế số lượng bạn tình.
- Tắm rửa, thay đồ lót hàng ngày, mặc đồ lót có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
DS Phan Hiền