Viêm âm đạo do nấm là bệnh lý phổ biến ở nữ giới, gây ngứa ngáy, đau rát, rất khó chịu. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tình dục và chức năng sinh sản.
Viêm âm đạo do nấm là bệnh gì?
Viêm âm đạo nói chung là một bệnh lý phổ biến do nhiều nguyên nhân gồm vi khuẩn, vi nấm, các loài ký sinh trùng Trichomonas, do lậu hoặc do kích ứng các chất tẩy rửa vệ sinh. Trong đó vi khuẩn, vi nấm là hai nguyên nhân phổ biến nhất.
Với từng nguyên nhân, tình trạng viêm âm đạo có thể xuất hiện các triệu chứng đặc trưng khác nhau và cần điều trị theo các phương pháp, các thuốc đặc hiệu.
Viêm âm đạo do nấm hay còn được gọi là nấm âm đạo do tác nhân chính là nấm Candida albicans chiếm tỷ lệ trên 90%. Loại nấm này sinh sống thường trực ở da, âm đạo, âm hộ người phụ nữ nhưng không gây bệnh. Nhưng khi có điều kiện thuận lợi, Candida albicans phát triển nhanh chóng gây kích ứng, tiết dịch, ngứa dữ dội ở âm đạo và âm hộ khiến người bệnh rất khó chịu.
Các yếu tố thuận lợi gây bệnh
Thông thường, Candida albicans sống ký sinh trên da, niêm mạc âm hộ, âm đạo nhưng chỉ với số lượng rất nhỏ và bị các vi khuẩn có lợi khác áp chế. Sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi nấm giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi cơ thể người phụ nữ chịu tác động của một số yếu tố sau, nấm sẽ phát triển thành bệnh:
- Bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV hoặc điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng corticoid kéo dài.
- Sử dụng kháng sinh phổ rộng làm rối loạn hệ vi sinh vật của âm đạo.
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách: thụt rửa âm đạo sai cách làm nhiễm nấm âm đạo, tổn thương vùng kín tạo điều kiện cho nấm phát triển, không thay băng vệ sinh thường xuyên.
- Các vấn đề làm thay đổi pH âm đạo như sử dụng các dung dịch vệ sinh có tính axit, các thuốc tránh thai.
- Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với người mắc bệnh.
- Các vấn đề khác: thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ tuổi mãn kinh, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều đường trong dịch tiết âm đạo…
Phân biệt triệu chứng viêm âm đạo do nấm với các nguyên nhân khác
Có thể phân biệt viêm âm đạo do nấm với các tác nhân khác qua một số điểm đặc trưng như sau:
- Viêm âm đạo do nấm: ngứa cả ở vùng âm đạo và âm hộ. Khí hư có màu trắng, đặc giống như phô mai hoặc khí hư có dạng lỏng như nước, mủ, khí hư màu trắng đục, lợn cợn thành từng mảng. Khí hư ít có mùi hôi. Đau rát xung quanh âm hộ, đau khi đi tiểu và quan hệ tình dục.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: khí hư có màu trắng xám, có mùi hôi, tanh, xuất hiện nhiều hơn sau khi quan hệ tình dục hoặc trong những ngày có kinh.
- Viêm âm đạo do Trichomonas: khí hư có màu vàng xanh, đôi khi có bọt khí loãng, mùi hôi khó chịu. Vùng kín ngứa ngáy, khó chịu như có cảm giác con gì đó đang bò trong âm đạo. Đau đớn khi giao hợp, nóng rát mỗi lần tiểu tiện.
Viêm âm đạo do nấm có thể được chẩn đoán chính xác và phân biệt với các tác nhân gây viêm âm đạo khác thông qua xét nghiệm vi sinh bằng các kỹ thuật soi tươi dịch âm đạo, nhuộm gram hoặc nuôi cấy.
Viêm âm đạo do nấm có nguy hiểm không?
Viêm âm đạo do nấm không gây nguy hiểm tức thời. Nhưng nếu mắc bệnh mà không được điều trị đúng cách có thể khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt cá nhân, quan hệ tình dục.
Nhiễm nấm âm đạo lâu ngày sẽ lây lan viêm nhiễm đến các cơ quan khác. Từ âm đạo, nấm lan lên cổ tử cung, tử cung và nghiêm trọng hơn là buồng trứng, ống dẫn trứng. Những bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa đến khả năng sinh sản.
Điều trị viêm âm đạo như thế nào cho hiệu quả?
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ nhiễm nấm âm đạo, bạn nên đi khám để phát hiện sớm và xử lý triệt để đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tránh tái phát và phòng kháng thuốc.
Lưu ý, điều trị cho người nhiễm nấm âm đạo cần kết hợp điều trị cả chồng/người yêu. Nên tránh quan hệ trong thời gian điều trị bệnh.
Các thuốc điều trị
Nấm là loại vi sinh vật dai dẳng nên việc điều trị thường cần kết hợp nhiều loại thuốc với dạng sử dụng khác nhau để đảm bảo hiệu quả, gồm thuốc đường uống, thuốc đặt, kem bôi, các thuốc rửa vệ sinh.
Các thuốc điều trị thường được sử dụng bao gồm:
- Các thuốc uống trị nấm có hoạt chất itraconazole, fluconazole. Các thuốc này có thể được chỉ định uống trong 3 ngày hoặc 1 liều duy nhất.
- Các thuốc đặt phụ khoa thường có hoạt chất chống nấm clotrimazole, miconazole, terconazole,… Hoặc các dạng viên đặt phối hợp hoạt chất chống nấm với các thuốc kháng sinh nhằm bổ sung tác dụng diệt các loài vi khuẩn gây bệnh thường gặp.
- Kem bôi chứa các hoạt chất chống nấm, chống viêm như clotrimazole, betamethasone cũng giúp diệt nấm tại chỗ, giảm viêm, ngứa tức thời, giảm nhanh cảm giác khó chịu cho người bệnh.
- Vệ sinh vùng kín khi bị nấm: Người bệnh cần tạm ngưng các sản phẩm dung dịch vệ sinh thông thường có có độ pH thấp (tính axit cao) do Candida albicans phát triển rất tốt trong môi trường axit. Thay vào đó, vệ sinh bằng Natri bicarbonate thường ở dạng bột pha với nước dùng để rửa tạo môi trường kiềm nhẹ thường được khuyến cáo.
Lưu ý khi điều trị viêm âm đạo do nấm, cần tuân thủ chế độ dùng thuốc đúng như hướng dẫn, tránh điều trị nửa chừng sẽ khiến bệnh tái lại đồng thời dẫn đến tình trạng kháng thuốc rất khó điều trị nếu gặp ở lần tiếp theo.
Phòng bệnh viêm âm đạo bằng cách nào?
Để phòng bệnh viêm âm đạo nói chung và nhiễm nấm âm đạo nói riêng, bạn nên thực hiện các biện pháp sau đây:
- Vệ sinh bộ phận sinh dục hàng ngày sạch sẽ, đúng cách sau khi đi vệ sinh, sau quan hệ tình dục. Không thụt rửa quá sâu vào âm đạo.
- Tuân thủ đúng nguyên tắc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Kiêng quan hệ tình dục và điều trị cho cả chồng nếu bạn đang điều trị bệnh để tránh lây nhiễm lại.
- Lựa chọn các dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp, ít gây kích ứng.
DS. Thanh Loan