Do ảnh hưởng cơ học của quá trình chuyển dạ, rặn đẻ khiến chị em dễ bị lộ tuyến tử cung sau sinh, tăng nguy cơ viêm lộ tuyến. Viêm lộ tuyến sau sinh nếu không được điều trị có thể gây nguy hại lớn.
Tại sao phụ nữ thường mắc viêm lộ tuyến sau sinh?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh viêm nhiễm phụ khoa phổ biến ở tất cả chị em phụ nữ, cứ 10 người thì có tới 9 người mắc phải bệnh phụ khoa này. Lý do bệnh lý này phổ biến như vậy là vì:
Do sự tổn thương tầng sinh môn khi sinh
Tầng sinh môn là một hệ thống sinh lý trong cơ thể của phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc giao hợp, tiếp nhận tinh trùng và nuôi dưỡng thai nhi. Khi sinh nở, phụ nữ phải rạch tầng sinh môn để dễ dàng đưa em bé ra và tránh việc sản phụ rặn quá mức làm rách tầng sinh môn. Tầng sinh môn khi bị rạch cần thời gian để hồi phục. Trong thời gian này nếu vệ sinh tầng sinh môn không cẩn thận thì vi khuẩn càng sinh sôi phát triển mạnh mẽ.
Do quan hệ tình dục quá sớm sau sinh
Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm lộ tuyến sau sinh. Sau khi sinh, sản dịch tiết ra và tử cung người phụ nữ cần thời gian để hồi phục. Nếu quan hệ tình dục sớm sẽ gia tăng nguy cơ bị tổn thương và tạo điều kiện dễ dàng cho vi khuẩn xâm nhập.
Do suy giảm sức đề kháng sau sinh
Sau sinh, cơ thể người mẹ rất yếu cả về thể chất và tinh thần, sức đề kháng cũng bị suy giảm. Do đó, rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus…
>> Xem thêm Viêm phụ khoa chữa mãi không khỏi là do đâu?
Do vệ sinh vùng kín không cẩn thận
Sau khi sinh, sản dịch tiết ra cùng với vết rạch tầng sinh môn khiến vùng kín của phụ nữ rất dễ bị viêm nhiễm nếu không được vệ sinh cẩn thận. Ngoài ra, việc sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH không phù hợp, thói quen thụt rửa vùng kín rất dễ làm mất cân bằng pH âm đạo, tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển dẫn đến viêm nhiễm.
Các triệu chứng viêm lộ tuyến sau sinh
- Khí hư ra nhiều, màu trắng, xanh, vàng hoặc có lẫn máu và mủ, kèm theo mùi hôi tanh khó chịu
- Rong kinh kéo dài
- Ngứa rát, đau, khó chịu ở vùng kín khi quan hệ tình dục và có thể xuất huyết bất ngờ trong quá trình giao hợp.
- Rối loạn tiểu tiện: đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt, khó tiểu, đau bụng dưới khi tiểu, tiểu ra mủ,… vì những vết loét ở cổ tử cung có thể gây ra các kích thích tới bàng quang. Những triệu chứng này của bệnh viêm cổ tử cung thường rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường tiết niệu.
- Đau vùng bụng dưới và đau thắt lưng.
Cách phòng ngừa viêm lộ tuyến ở phụ nữ sau sinh
Viêm lộ tuyến sau sinh rất khó điều trị triệt để và có nguy cơ tái phát cao. Chính vì vậy, chị em phụ nữ nên chủ động phòng ngừa trước để tránh những hậu quả đáng tiếc. Sau đây là một số cách chị em có thể áp dụng để phòng ngừa viêm lộ tuyến sau sinh:
- Kiêng quan hệ tình dục ít nhất từ 8 – 10 tuần sau sinh: để tử cung được ổn định và vết thương mau lành. Phụ nữ sinh mổ dù không phải rạch tầng sinh môn nhưng lại phải chịu sự đau đớn từ vết mổ cùng với nhiều áp lực sau khi sinh, sức khỏe cũng có phần giảm sút sau cuộc phẫu thuật lấy thai. Không chỉ vậy, vết mổ sau khi hết thuốc gây tê sẽ rất đau đớn và dễ bị bục chỉ hoặc viêm nhiễm. Chính vì thế, họ cần có thời gian nghỉ ngơi và kiêng cữ cẩn thận để vết mổ lành sẹo. Phụ nữ sinh mổ nên kiêng quan hệ trong ít nhất 3 tháng sau sinh.
- Ngủ đủ giấc và giữ tâm lý thoải mái.
- Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và có sức nuôi con nhỏ.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách như sau: Dùng dung dịch vệ sinh phù hợp để vệ sinh vùng kín hàng ngày, chỉ rửa nhẹ nhàng, tránh thụt rửa vùng kín, lau vùng kín từ trước ra sau sau mỗi lần đi vệ sinh, thay quần lót mỗi ngày, tránh mặc quần lót quá bó hoặc ẩm ướt vì đây là môi trường kích thích sự phát triển của vi khuẩn.
- Nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc bất cứ khi nào có dấu hiệu bất thường.
>> Xem thêm Khám phụ khoa là khám những gì?
DS Phan Thu Hiền