Phân biệt triệu chứng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) với Covid-19

Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) có nhiều triệu chứng giống với Covid-19, do vậy dễ gây nhầm lẫn, dẫn đến điều trị sai. Nhận biết đúng bệnh sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn.

virus hợp bào hô hấp và Covid-19
Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp có nhiều triệu chứng giống với Covid-19

RSV là gì?

Virus RSV (Respiratory Syncytial Virus) hay còn gọi là virus hợp bào hô hấp là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng ở trẻ sơ sinh là nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân là vì hệ hô hấp của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên không thể ho ra chất nhầy như trẻ lớn hoặc người lớn. Ngoài ra, đường thở của trẻ nhỏ hơn, nên dễ bị tắc nghẽn, dẫn đến khó thở.

Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp có thể dẫn đến biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh có thể cần được điều trị tại bệnh viện.

Các triệu chứng nhiễm RSV ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ lớn, RSV có thể gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh. Nhưng ở trẻ sơ sinh, virus này gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Sốt
  • Sổ mũi
  • Hắt hơi
  • Ho
  • Thở gấp
  • Khó thở
  • Cơ ngực bị lõm xuống khi thở
  • Thở khò khè
  • Khó bú
  • Cáu gắt
  • Nằm li bì
virus hợp bào hô hấp và Covid-19
Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp thường bị sốt, sổ mũi, hắt hơi

Phân biệt triệu chứng trẻ nhiễm RSV với Covid-19

RSV và Covid-19 đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và có nhiều triệu chứng giống nhau. Cả hai căn bệnh này đều có thể gây sốt, ho, sổ mũi và hắt hơi.

Các triệu chứng phân biệt:

 RSVCovid-19
HoPhổ biếnPhổ biến
SốtPhổ biếnPhổ biến
Cáu gắtPhổ biếnPhổ biến
Thờ ơ, hành vi chậm chạpPhổ biếnPhổ biến
Sổ mũiPhổ biếnCó thể
Hắt hơiPhổ biếnCó thể
Thở khò khèPhổ biếnÍt phổ biến
Khó thởCó thểCó thể
Thở nhanh và gấpCó thểCó thể
Nôn trớÍt phổ biếnPhổ biến
Đau đầuÍt phổ biếnPhổ biến
Đau họngÍt phổ biếnPhổ biến

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bệnh?

Nếu nghi ngờ trẻ mắc Covid-19, cần test và cách ly trẻ trong phòng riêng, tránh lây nhiễm bệnh. Trẻ mắc Covid với các triệu chứng nhẹ thường tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở, thở khò khè thì nên đưa trẻ đi khám để được điều trị.

Nếu trẻ có các triệu chứng nghi ngờ mắc RSV, tốt nhất là nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Các triệu chứng cần đặc biệt chú ý gồm:

  • Mất nước: thóp trũng (mềm), tã khô, không chảy nước mắt khi trẻ khóc
  • Khó thở: các đường xương sườn lộ qua da (co rút) khi thở
  • Móng tay hoặc môi màu xanh, tím tái: dấu hiệu thiếu oxy và đang trong tình trạng nguy kịch
  • Sốt cao hơn 38°C ở trẻ dưới 3 tháng tuổi
  • Sốt trên 39°C ở trẻ em ở mọi lứa tuổi
virus hợp bào hô hấp và Covid-19
Nếu trẻ bị sốt cao, khó thở, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bệnh

Điều trị RSV và Covid-19 cho trẻ sơ sinh

Với những trường hợp có triệu chứng nặng, trẻ có thể được thở máy tại bệnh viện.

Bác sĩ cũng thường chỉ định thuốc giãn phế quản để điều trị tình trạng khó thở, đặc biệt là ở trẻ mắc bệnh hen suyễn để giúp mở rộng đường thở, giảm triệu chứng thở khò khè. Nếu trẻ bị mất nước thì sẽ được truyền nước.

Cần lưu ý, thuốc kháng sinh không điều trị được bệnh do nhiễm virus, do vậy không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ.

Các biện pháp chăm sóc trẻ bị nhiễm RSV và Covid-19

Cha mẹ có thể thực hiện nhiều biện pháp giúp giảm các triệu chứng cho trẻ.

Xịt mũi, rửa mũi

Xịt mũi, rửa mũi với nước muối sinh lý giúp làm sạch dịch nhầy đặc trong mũi, để trẻ dễ thở hơn.

Nên sử dụng dung dịch vệ sinh mũi và dụng cụ hút mũi, rửa mũi chuyên dụng, tránh sử dụng xi lanh vì gây áp lực mạnh, làm đau mũi trẻ và tăng nguy cơ viêm tai giữa.

virus hợp bào hô hấp và Covid-19
Rửa mũi giúp đào thải dịch nhầy trong mũi, giúp trẻ dễ thở hơn

Dùng máy tạo ẩm, máy phun sương

Máy tạo độ ẩm có thể đưa hơi ẩm vào không khí, giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi, nhờ vậy sẽ giúp trẻ dễ thở hơn.

Khi dùng máy tạo ẩm, cần làm sạch máy thường xuyên, tránh để bụi bẩn và vi khuẩn sinh sôi.

Nâng cao đầu trẻ khi ngủ

Dịch mũi đặc khiến trẻ khó thở và quấy khóc. Bế trẻ hoặc nâng cao đầu trẻ khi ngủ sẽ giúp trẻ dễ thở hơn.

Giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá

Hít ngửi khói thuốc lá có thể khiến các triệu chứng của trẻ nặng hơn. Do đó, người lớn trong gia đình không nên hút thuốc trong nhà, không nên hút thuốc khi đứng gần trẻ.

Cách ly trẻ với những trẻ khác

Virus có thể lây nhiễm từ người sang người. Do vậy, nên cho trẻ vào phòng riêng, tách biệt với các trẻ khác để ngăn ngừa lây bệnh.

Người lớn khi chăm sóc trẻ cũng nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây. Giấy lau nước mũi, nôn trớ của trẻ cũng nên vứt vào sọt rác ngay.

Virus cũng có thể sống trên các bề mặt cứng, chẳng hạn như giường cũi hoặc đồ chơi trong vài giờ. Do đó, cha mẹ nên thường xuyên lau chùi, vệ sinh đồ chơi và các bề mặt nơi bé chơi và ăn để giúp giảm sự lây lan của vi trùng.

Vân Anh