Bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu có nhiều triệu chứng tương đồng, nên dễ gây nhầm lẫn. Nhận biết những điểm khác biệt giúp phân biệt và điều trị đúng bệnh.
Sau Covid thì sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ đã khiến không ít người hoảng loạn, đặc biệt là sau khi Mạng lưới Y tế Thế giới (WHN) tuyên bố đậu mùa khỉ là đại dịch toàn cầu. Đậu mùa khỉ có nhiều triệu chứng giống với bệnh thủy đậu, đều do virus gây ra, đều gây mụn nước (bọng nước), tổn thương trên da. Tuy nhiên, đây là 2 căn bệnh hoàn toàn khác biệt. Dựa vào một số điều khác biệt sau để nhận biết đúng bệnh.
1. Hai loại virus khác nhau
Bệnh thủy đậu do Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Virus này không cùng họ với virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ là một thành viên của họ Herpesviruses, hoàn toàn không liên quan đến Varicella Zoster Virus.
2. Sưng hạch bạch huyết
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu là: bệnh đậu mùa khỉ gây sưng hạch bạch huyết (còn gọi là nổi hạch) còn bệnh thủy đậu thì không hoặc rất hiếm.
3. Nhóm người dễ mắc
Theo Giáo sư Thomas Russo – Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo (Mỹ), bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu có xu hướng xuất hiện ở các nhóm người khác nhau. Theo các số liệu báo cáo hiện tại thì bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện phổ biến ở nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng tính, trong khi bệnh thủy đậu thì phổ biến hơn ở trẻ em.
Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể mắc bệnh thủy đậu nếu không tiêm phòng và bệnh đậu mùa khỉ cũng đã xuất hiện ở trẻ nhỏ (không riêng gì nam giới có quan hệ đồng tính).
4. Vị trí xuất hiện mụn nước
Mặc dù cả hai bệnh đều gây ra các mụn nước trên da nhưng loại mụn nước và vị trí xuất hiện không giống nhau.
Ở bệnh đậu mùa khỉ, các mụn nước xuất hiện trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân, sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Ở bệnh thủy đậu, các mụn nước xuất hiện đầu tiên ở ngực, lưng, sau đó xuất hiện ở mặt và các bộ phận khác trên cơ thể.
5. Đặc điểm mụn nước
Với bệnh thủy đậu, các nốt mụn nước có thành rất mỏng, dễ vỡ, chứa đầy chất lỏng trong suốt và rất ngứa.
Với bệnh đậu mùa khỉ, các nốt mụn có tổn thương sâu hơn, bề mặt da dày hơn và không dễ vỡ như thủy đậu, không ngứa nhưng đau và có mủ. Những nốt mụn này cũng thay đổi theo thời gian và thường lõm xuống, tạo thành vết sẹo.
6. Thời gian các nốt mụn nước biến mất
Các nốt mụn nước của bệnh đậu mùa khỉ có thể mất từ 2-4 tuần mới biến mất hoàn toàn. Còn những nốt mụn nước do bệnh thủy đậu thì nhanh hơn, khoảng 4-7 ngày.
7. Các triệu chứng khác
Ngoài phát ban, nổi mụn, cả hai căn bệnh này đều có những triệu chứng điển hình khác. Dựa vào những triệu chứng kèm theo này để phân biệt cho rõ.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ:
- Sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên)
- Đau đầu dữ dội
- Đau mỏi lưng và các cơ
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Nổi hạch
- Viêm họng, ho, nghẹt mũi
- Phát ban (sau khi sốt 1-3 ngày thì sẽ nổi phát ban) ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân, miệng, cơ quan sinh dục… sau đó chuyển thành mụn nước có mủ.
Triệu chứng bệnh thủy đậu:
- Sốt nhẹ
- Nhức đầu
- Cơ thể mệt mỏi
- Viêm họng
- Mụn nước
- Mụn nước tự vỡ, khô lại và bong vảy rồi dần hồi phục.
Nên làm gì nếu thấy xuất hiện các vết phát ban, mụn nước?
Nếu nghi ngờ bị thủy đậu hoặc đậu mùa khỉ, tốt nhất là nên tới bệnh viện để làm xét nghiệm. Cả hai căn bệnh này đều có thể lây lan, do đó, nên đeo khẩu trang và mặc quần áo dài để che các vết phát ban.
Với bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc và các biện pháp hỗ trợ điều trị. Tuy vậy, thủy đậu là bệnh lành tính, có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các trường hợp biến chứng cần điều trị nội trú tại bệnh viện.
Lưu ý khi điều trị bệnh thủy đậu tại nhà:
- Tự cách ly, ở trong phòng riêng để tránh lây nhiễm cho gia đình
- Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước
- Không gãi các nốt mụn nước, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn
- Dùng dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng
- Có thể dùng thuốc tím để bôi lên nốt mụn nước. Khi mụn nước bị vỡ, có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ Tetaxilin và mỡ Penixilin hay thuốc đỏ.
- Tuyệt đối không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
Với bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ có thể gây biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm mô não, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực, các vết thương trên da có thể bong ra thành từng mảng, tỷ lệ tử vong khoảng 11%.
Bệnh đậu mùa khỉ tuy không lây lan nhanh như Covid, các triệu chứng cũng không quá nghiêm trọng nhưng vẫn là bệnh nguy hiểm, cần có biện pháp điều trị và phòng ngừa.
Bệnh thủy đậu có thể tự điều trị tại nhà, nhưng ở bệnh đậu mùa khỉ, chất lỏng bên trong có thể chảy ra, khiến virus lây lan nhanh, làm giảm cơ chế bảo vệ của cơ thể, do đó dễ phát sinh các biến chứng. Do vậy, nếu nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân sẽ được nhập viện để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị, vì vậy, người bệnh sẽ được dùng các thuốc kháng virus, thuốc chống viêm và một số biện pháp hỗ trợ điều trị khác kèm theo.
Vân Anh