Thời gian gần đây, ở các quốc gia châu Phi xuất hiện một số ca mắc mới của bệnh đậu mùa khỉ. Hiện nay WHO và các nước trên thế giới đang nghiên cứu trình tự gen và đưa ra các phương pháp ngăn chặn bệnh dịch có thể lây lan
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Virut gây ra bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây nhiễm nhanh, gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa nhưng ít nghiêm trọng hơn. Trong khi dịch bệnh đậu mùa hầu như đã được xóa sổ ở nhiều quốc gia từ năm 1980, thì bệnh đậu mùa khỉ vẫn được bắt gặp ở một vài trường hợp ở các quốc gia tại Trung và Tây Phi.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người sang người sau khi bị lây từ động vật sang người.
Những trường hợp mắc bệnh thường cư trú ở gần các khu rừng mưa nhiệt đới, nơi thường có nhiều loại vật mang vi rút. Nhiều bằng chứng cho thấy có sự lây nhiễm vi rút ở một số loại động vật như sóc, chuột, các loại khỉ, chuột lang…
Tuy mới được cảnh báo nhưng đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới. Trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh đã được xác nhận từ năm 1970 khi vi rút được phân lập từ một đứa trẻ mắc bệnh đậu mùa ở Công Gô. Bệnh đậu mùa khỉ tuy không có khả năng gây ra một đại dịch khác (tương tự Covid-19) tuy nhiên vẫn có trường hợp bệnh nặng. Khi đại dịch Covid-19 dần qua đi, nhu cầu đi lại tăng lên nên nhiều người lo ngại bệnh đậu mùa khỉ có nhiều nguy cơ lây lan mạnh hơn.
Khả năng lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người nhưng sẽ có giới hạn. Chuỗi lây truyền bệnh dài nhất được ghi nhận là 6 thế hệ, nghĩa là người cuối cùng bị nhiễm bệnh trong chuỗi này cách người bệnh đầu tiên 6 mắt xích.
Bệnh có thể lây truyền khi tiếp xúc với dịch cơ thể, tổn thương trên da hoặc bề mặt niêm mạc bên trong, như trong miệng hoặc cổ họng, các giọt đường hô hấp và các vật nhiễm bệnh.
Theo dõi chuỗi DNA của vi rút bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR) là xét nghiệm được ưu tiên để xác định có bị nhiễm đậu mùa khỉ hay không. Các mẫu chẩn đoán tốt nhất là lấy trực tiếp ở nốt phát ban trên da, lớp dịch và lớp vảy hoặc sinh thiết nếu có thể. Các phương pháp test nhanh phát hiện kháng nguyên và kháng thể có thể không hữu ích vì chúng khó có thể phân biệt được các loại vi khuẩn thủy đậu orthopoxvirus.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ có một số triệu chứng:
- Sốt cao
- Phát ban đặc trưng lan rộng
- Sưng hạch bạch huyết
Quan trọng nhất là cần phân biệt đậu mùa khỉ với các bệnh khác như thủy đậu, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, ghẻ, giang mai và dị ứng do thuốc.
Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 5 tới 21 ngày. Bao gồm các giai đoạn:
- Giai đoạn sốt thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày với các triệu chứng: sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng, đau cơ và suy nhược cơ thể dữ dội.
- Giai đoạn sốt tiếp theo: phát ban đỏ trên da, kéo dài từ 2 – 4 tuần. Tổn thương tiến triển từ vết đỏ chỉm trên da (tổn thương trên nền phẳng) thành sẩn (tổn thương nổi lên da gây đau) đến mụn nước (chứa đầy dịch trong) đến mụn mủ (chứa đầy mủ), sau đó là vảy tiết hoặc đóng vảy.
Khác với đậu mùa nếu mắc sẽ hiếm có trường hợp nào tử vong, tỷ lệ bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tử vong giao động từ 0 đến 11% trong các trường hợp được ghi nhận và thường sẽ cao hơn ở trẻ nhỏ.
Điều trị và cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Điều trị hỗ trợ bệnh nhân đậu mùa khỉ tùy thuộc vào các triệu chứng. Các loại thuốc khác nhau có thể đem lại hiệu quả chống lại sự lây nhiễm vi rút đậu mùa khỉ đang được phát triển và thử nghiệm.
Phòng chống và kiểm soát đậu mùa ở người dựa vào nâng cao nhận thức phòng bệnh trong cộng đồng và giáo dục nhân viên y tế để ngừa lây nhiễm và truyền bệnh.
Hầu hết các ca nhiễm bệnh ở người là do lây truyền chính từ động vật sang người. Vì thế, chúng ta cần tránh tiếp xúc với động vật có dấu hiệu bị ốm hoặc chết, nếu ăn thịt từ động vật thì chú ý phải nấu chín kỹ trước khi ăn.
Cần tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc các vật liệu ô nhiễm. Nên đeo găng tay và sử dụng các trang thiết bị, quần áo bảo hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh dù ở cơ sở y tế hay tại nhà.
Đối với trẻ nhỏ nhạy cảm với bệnh đậu mùa khỉ hơn thì nên tiêm phòng thủy đậu cho trẻ theo đúng lịch để có phương pháp bảo vệ chéo cho bé. Trước đây, nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tiêm chủng thủy đậu được chứng minh có hiệu quả tới 85% trong ngừa bệnh đậu mùa ở khỉ.
Đào Tâm