Các nguyên nhân dẫn tới bệnh đau mắt đỏ và cách điều trị

Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng nhiều người gặp phải, nhất là trẻ nhỏ. Tìm hiểu các nguyên nhân dẫn tới đau mắt đỏ và phương pháp điều trị phù hợp.

Viêm kết mạc đau mắt đỏ
Viêm kết mạc hay đau mắt đỏ dễ xảy ra ở trẻ nhỏ hơn

Đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là tình trạng lớp màng trong suốt (kết mạc) của mắt bị viêm hoặc nhiễm trùng tạo nếp mí và che phủ lòng trắng của mắt. Khi các mạch máu nhỏ ở trong mắt bị viêm, chúng sẽ biểu hiện rõ hơn – đây là nguyên nhân khiến cho lòng trắng của mắt có màu hơi đỏ hoặc hồng.

Đau mắt đỏ thường do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, đôi khi do phản ứng dị ứng hoặc do tắc tuyến lệ (đối với trẻ sơ sinh).

Dù đau mắt đỏ khá khó chịu nhưng bệnh thường không ảnh hưởng tới thị lực. Áp dụng sớm các biện pháp điều trị sẽ giúp giảm cảm giác khó chịu do đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ là một bệnh truyền nhiễm nên việc được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ hạn chế lây bệnh.

Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đỏ ở một hoặc cả hai mắt
  • Ngứa ở một hoặc cả hai mắt
  • Cảm giác có sạn ở một hoặc cả hai mắt
  • Chảy dịch ở một hoặc cả hai mắt tạo ra nhiều rỉ mắt trong đêm gây khó mở mắt vào buổi sáng

Một số tình trạng nghiêm trọng về mắt có thể gây đỏ mắt, đau mắt, cảm giác như có vật bị kẹt trong mắt, mờ mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Nếu bạn gặp các triệu chứng này, hãy đi khám bác sĩ sớm.

Đối với những ai đeo kính áp tròng thì khi bị đau mắt đỏ hãy ngừng đeo kính áp tròng ngay khi xuất hiện các triệu chứng. Nếu như triệu chứng bệnh không thuyên giảm sau 12 – 24 giờ, hãy hẹn bác sĩ để đảm bảo mắt không bị nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân dẫn tới đau mắt đỏ

Viêm kết mạc đau mắt đỏ
Tùy từng nguyên nhân gây đau mắt đỏ sẽ có triệu chứng khác nhau

Nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ thường gồm:

  • Virus
  • Vi khuẩn
  • Phản ứng dị ứng
  • Hóa chất bắn vào mắt
  • Có vật thể lạ trong mắt
  • Bị tắc tuyến lệ – đối với trẻ sơ sinh

Viêm kết mạc do vi rút và vi khuẩn

Viêm kết mạc đau mắt đỏ
Hầu hết đau mắt đỏ là do adenovirus gây ra

Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ là do adenovirus gây ra, nhưng cũng có thể bị nhiễm virus herpes simplex, virus varicella-zoster và nhiều loại virus khác, bao gồm cả Covid-19.

Viêm kết mạc do virus hay vi khuẩn đều có thể xảy ra cùng lúc với triệu chứng cảm lạnh hoặc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Đeo kính áp tròng không được vệ sinh đúng cách hoặc dùng chung với người khác có thể tiềm ẩn tình trạng viêm kết mạc do vi khuẩn.

Bị đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus đều dễ lây lan. Chúng có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất dịch chảy ra từ mắt người nhiễm bệnh.

Viêm kết mạc do dị ứng

Viêm kết mạc do dị ứng sẽ ảnh hưởng tới cả hai mắt và là phản ứng với chất gây dị ứng. Khi tiếp xúc với các chất này, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại kháng thể là IgE. Kháng thể kích hoạt các tế bào đặc biệt gọi là tế bào mast trong niêm mạc mắt và đường hô hấp để giải phóng các chất gây viêm, bao gồm cả histamine. Cơ thể giải phóng histamine có thể tạo ra một số dấu hiệu và triệu chứng dị ứng bao gồm đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ do dị ứng sẽ gây ra phản ứng ngứa mắt dữ dội, chảy nước mắt và viêm mắt kèm theo hắt hơi và chảy nước mũi. Hầu hết tình trạng viêm kết mạc dị ứng có thể được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt dị ứng.

Viêm kết mạc do kích ứng

Hóa chất hoặc vật thể lạ xâm nhập vào mắt cũng có thể gây viêm kết mạc. Đôi khi quá trình rửa và loại bỏ các chất này có thể gây đỏ mắt. Các dấu hiệu viêm kết mạc do kích ứng thường gồm chảy nước mắt và tiết dịch nhầy. Các triệu chứng này sẽ tự hết trong khoảng 1 ngày.

Nếu việc xả nước sạch vào mắt không có khả năng lấy được dị vật trong mắt hoặc bị dây hóa chất ăn da vào mắt thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bởi hóa chất bắn vào mắt có thể tiềm ẩn nguy cơ tổn thương mắt vĩnh viễn.

Cách điều trị bệnh đau mắt đỏ

Viêm kết mạc đau mắt đỏ
Điều trị đau mắt đỏ phần lớn tập trung vào trị triệu chứng

Trong hầu hết trường hợp, đau mắt đỏ không cần phải đi khám bác sĩ. Điều trị bệnh thường tập trung vào giảm triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng nước mắt nhân tạo, lau mí mắt bằng khăn ướt và chườm lạnh kết hợp chườm ấm nhiều lần trong ngày.

Nếu bạn đeo kính áp tròng, bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng đeo cho tới khi khỏi bệnh. Bạn nên vứt bỏ nếu như kính áp tròng bạn đang dùng là loại dùng 1 lần.

Đau mắt đỏ do nhiễm virus

Trong hầu hết trường hợp đau mắt đỏ, bạn không cần sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh. Vì thường viêm kết mạc là do virus nên sử dụng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng, thậm chí còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Thay vào đó, cơ thể cần thời gian để loại bỏ virus, có thể kéo dài từ 2 – 3 tuần.

Viêm kết mạc do virus thường bắt đầu ở một mắt và sau đó lan sang mắt còn lại sau vài ngày. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh sẽ dần dần tự khỏi.

Sử dụng thuốc kháng virus có thể cần thiết nếu bạn bị nhiễm virus herpes.

Đau mắt đỏ do dị ứng

Nếu nguyên nhân đau mắt đỏ là do dị ứng thì bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt phù hợp. Bạn có thể phải dùng một số loại thuốc giúp kiểm soát các phản ứng dị ứng như thuốc kháng histamine và chất ổn định tế bào mast hoặc thuốc giúp kiểm soát tình trạng viêm như thuốc thông mũi, steroid và thuốc nhỏ chống viêm.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt không kê đơn có chứa thành phần kháng histamine và thuốc chống viêm cũng có hiệu quả.

Giải pháp tại nhà giúp giảm triệu chứng đau mắt đỏ

Viêm kết mạc đau mắt đỏ
Bị đau mắt đỏ nên tránh dụi mắt

Nên chú ý giữ gìn vệ sinh để giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm đau mắt đỏ. Cụ thể:

  • Rửa tay thường xuyên: bằng xà phòng và nước ấm, đặc biệt trước khi ăn.
  • Giữ cho mắt luôn sạch sẽ: Rửa sạch dịch tiết ra khỏi mắt nhiều lần mỗi ngày bằng bông gòn hoặc khăn giấy sạch. Sau đó, vứt bỏ miếng bông hoặc khăn giấy và rửa tay lại với xà phòng và nước ấm.
  • Giặt hoặc thay vỏ gối mỗi ngày: cho tới khi khỏi bệnh hẳn. Khi giặt, hãy giặt sạch bằng nước nóng và các chất tẩy rửa. Giữ khăn tắm, khăn mặt và gối của người bệnh tách riêng với người khác.
  • Không chạm tay hoặc dụi mắt bị nhiễm trùng: nên dùng khăn giấy để lau.
  • Không dùng chung: thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm mắt, kính áp tròng. Tốt nhất là nên tránh đeo kính áp tròng khi đang bị đau mắt đỏ.
  • Chườm mắt bằng miếng gạc ấm: dùng khăn ngâm nước ấm và đặt lên mắt trong vài phút, thực hiện 3 – 4 lần mỗi ngày. Đây là cách giúp giảm đau và phá vỡ một số lớp vảy hình thành trên lông mi.
  • Bảo vệ mắt: tránh bị bụi bẩn hoặc vật thể khác xâm nhập gây kích ứng mắt.

Biến chứng của bệnh đau mắt đỏ là gì?

Thông thường, bệnh đau mắt đỏ sẽ tự khỏi hoặc khỏi sau khi dùng thuốc bác sĩ kê đơn mà không có vấn đề gì khác kéo dài. Đau mắt đỏ thể nhẹ hầu như vô hại và sẽ thuyên giảm mà không cần điều trị.

Nhưng một số loại viêm kết mạc có thể trở nên nghiêm trọng và suy giảm thị lực vì gây ra sẹo giác mạc. Chúng bao gồm viêm kết mạc do bệnh lậu, chlamydia hoặc một số chủng adenovirus gây ra.

Nếu là do virus gây ra thì bệnh đau mắt đỏ sẽ thuyên giảm sau 2 – 3 tuần. Nếu bệnh do vi khuẩn thì thuốc kháng sinh sẽ giúp đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh.

Đào Tâm