Cách xử trí 5 bệnh truyền nhiễm trẻ nhỏ dễ mắc khi chớm đông

Tháng 10, 11 ở cả ba miền Bắc Trung Nam đều là thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ… Tìm hiểu kỹ về các bệnh truyền nhiễm trẻ nhỏ dễ bị mắc cùng cách xử trí sẽ giúp cha mẹ chủ động trong việc chăm sóc con.

bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ
Cách xử trí 5 bệnh truyền nhiễm trẻ nhỏ dễ mắc khi chớm đông

Tháng 10, 11 – thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh

Ở miền Bắc và bắc miền Trung, tháng 10, tháng 11 là thời điểm giao mùa. Thời tiết thay đổi thất thường, buổi sáng, chiều tối và đêm trời lạnh, nhưng ban ngày và giữa trưa lại nắng nóng, hanh khô nên tạo điều kiện để các loại virut, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi gây bệnh.

Ở nam miền Trung và miền Nam lại là mùa mưa bão, ẩm ướt nên cũng tạo điều kiện để nhiều loại dịch bệnh bùng phát mạnh.

Dưới đây là 5 căn bệnh truyền nhiễm trẻ nhỏ dễ mắc trong tháng 10, tháng 11:

1. Cảm cúm

Cả cảm lạnh và cúm đều là bệnh viêm đường hô hấp trên do virut gây ra. Nguyên nhân gây bệnh có thể là cơ thể con người không thích nghi kịp với những biển đổi của thời tiết, môi trường, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy giảm nên virut ngoài môi trường dễ xâm nhập gây bệnh.

Những triệu chứng cảm cúm điển hình: Hắt xì, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, chóng mặt, sốt… Thông thường, các triệu chứng cúm sẽ nặng hơn là cảm lạnh.

bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ
Trẻ bị cảm cúm sẽ bị hắt hơi, nghẹt mũi, ho

Cách xử trí:

  • Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 38,5 độ C
  • Xịt mũi, rửa mũi cho trẻ đúng cách để làm thông thoáng đường thở, tránh biến chứng viêm họng, viêm phế quản… Có thể sử dụng dung dịch vệ sinh xịt mũi Chekat hoặc Zenko dạng phun sương để vệ sinh mũi cho trẻ.
  • Cho trẻ ăn uống đủ chất với những món mềm, loãng, dễ nuốt để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể nhanh hồi phục.
  • Không dùng thuốc kháng sinh nếu không bị bội nhiễm. Vì cảm cúm là do virut gây ra, thuốc kháng sinh không có tác dụng với virut.

2. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm do siêu virut Dengue gây ra. Vật trung gian lây nhiễm chính là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) lây bệnh bằng cách đốt người bệnh truyền sang người lành.

Triệu chứng sốt xuất huyết điển hình: Sốt cao và xuất huyết (chảy máu). Sự nguy hiểm của sốt xuất huyết là bệnh gây giảm lượng tiểu cầu trong máu, gây chảy máu không cầm được. Nếu bệnh nhân bị chảy máu nội tạng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ
Sốt cao và nổi ban (xuất huyết) là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết

Cách xử trí:

  • Sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vacxin dự phòng. Việc điều trị hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng.
  • Nếu bị sốt cao không hạ kèm theo các dấu hiệu bất thường khác (như nổi ban, mệt mỏi), cần đi khám ngay để được bác sĩ điều trị kịp thời, phù hợp.

3. Bệnh sởi

Sởi cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát vào thời điểm tháng 9, 10, 11. Bệnh do virut sởi gây ra, lây qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc qua tiếp xúc.

Triệu chứng bệnh sởi điển hình: Sốt, phát ban, ho, mắt đỏ, chảy nước mũi. Bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi, loét giác mạc mắt, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ
Trẻ bị bệnh sởi thường sốt cao, ho, mắt đỏ, chảy nước mũi, phát ban

Cách xử trí:

  • Cách ly trẻ tại nhà để tránh lây lan dịch bệnh
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ để tăng cường khả năng miễn dịch
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C
  • Thay quần áo và vệ sinh thân thể cho trẻ, tránh để trẻ ngứa ngáy, gãi mạnh gây xước da, nhiễm trùng.

4. Đau mắt đỏ

Bệnh do virut gây ra và lây truyền từ người bệnh sang người lành nếu dùng chung khăn mặt, dính phải dịch tiết (như nước mắt, nước mũi, nước bọt…), chứ không lây khi nhìn vào mắt nên không cần phải đeo kính đen/kính râm.

Triệu chứng đau mắt đỏ điển hình: Khó chịu vùng mắt, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt, sưng mắt…

bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ
Đau mắt đỏ có thể lây lan qua nước mắt, nước mũi, giọt bắn khi ho

Cách xử trí:

  • Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt với mọi người
  • Người bệnh nên tránh dụi mắt kẻo làm rách giác mạc
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để tránh lây nhiễm bệnh
  • Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới ánh nắng
  • Nếu mắt đỏ và sưng đau khó chịu, nên đi khám để được điều trị bằng thuốc.

5. Bệnh tay chân miệng

Thời tiết biến đổi phức tạp trong giai đoạn giao mùa dễ khiến bệnh tay chân miệng bùng phát và lây lan. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Triệu chứng bệnh tay chân miệng điển hình: Sốt, nổi nốt ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, ăn ít hoặc bỏ ăn.

Cách xử trí:

  • Ngay khi nhận thấy trẻ bị sốt kèm theo các nốt đỏ ở miệng, bàn tay, bàn chân, cần đưa đi khám ngay
  • Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng virut hoặc thuốc kháng sinh (nếu có bội nhiễm)
  • Thuốc bôi giúp sát trùng, làm săn se nốt đỏ, loét.
bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ
Nổi nốt đỏ ở miệng, bàn tay, bàn chân là dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng

Cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa và mùa mưa bão:

  • Đối với những bệnh có vacxin như sởi, rubella, cần tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
  • Giữ vệ sinh nhà cửa và môi trường sống sạch sẽ. Phun thuốc muỗi, đổ các dụng cụ chứa nước đọng, khi ngủ cần mắc màn để phòng tránh muỗi đốt. Điều này sẽ giúp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm.
  • Hướng dẫn trẻ cách rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi.
  • Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu.
  • Khuyến khích trẻ vận động nhiều, để tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, đặc biệt là cần giữ ấm cổ, ngực, lưng và gan bàn chân.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

Vân Anh