Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng chủ yếu tới phổi. Vi khuẩn gây bệnh lao có thể lây từ người này sang người khác thông qua những giọt nhỏ được phát tán vào không khí khi ho và hắt hơi.
Bệnh lao là gì?
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm thường tấn công phổi. Bệnh rất dễ lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể như não và xương sống. Vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis gây ra bệnh lao.
Bệnh lao phổi có chữa khỏi được không?
Vào thế kỷ XX, lao phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh lao phổi đều được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Thời gian dùng thuốc kháng sinh kéo dài ít nhất là 6 đến 9 tháng.
Các loại bệnh lao
Nhiễm trùng lao không có nghĩa là người bệnh sẽ phát bệnh. Có hai dạng bệnh:
- Bệnh lao dạng tiềm ẩn: Khi người bệnh đã có vi trùng lao trong cơ thể nhưng hệ miễn dịch ngăn chặn vi trùng lây lan. Người bệnh sẽ không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào và cũng không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, vì trong cơ thể vẫn còn vi trùng lao nên một ngày nào đó chúng có thể kích hoạt trở lại.
Một số điều kiện dễ gây kích hoạt vi trùng lao như: nhiễm HIV, nhiễm trùng, chụp X-quang phổi thấy không khỏe hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu. Do đó người bị bệnh lao dạng tiềm ẩn cũng cần dùng thuốc để ngừa bùng phát bệnh lao.
- Bệnh lao: Khi vi trùng lao sinh sôi và gây bệnh. Người bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác. 90% trường hợp lao hoạt động ở người lớn là do bệnh lao dạng tiềm ẩn gây ra.
Dù nhiễm bệnh lao tiềm ẩn hay đang hoạt động cũng có thể kháng thuốc, nghĩa là một số loại thuốc không có tác dụng chống lại vi khuẩn.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao
Bệnh lao tiềm ẩn không có triệu chứng. Nếu muốn biết có bệnh thì có thể nhìn màu da hoặc thử máu để xác định có bệnh lao không.
Các dấu hiệu của bệnh lao đang hoạt động bao gồm:
- Ho kéo dài hơn 3 tuần
- Tức ngực
- Ho ra máu
- Luôn cảm thấy mệt mỏi
- Đổ mồ hôi đêm
- Sốt cao
- Ớn lạnh
- Ăn mất ngon
- Sụt cân
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bệnh nào trong số trên thì hãy gặp bác sĩ để được kiểm tra. Hãy điều trị ngay lập tức ngay khi bạn có dấu hiệu đau ngực.
Nguyên nhân gây ra bệnh lao
Bệnh lao là do vi khuẩn lây lan trong không khí cũng tương tự như cách lây lan của virus cảm lạnh hoặc cảm cúm.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lao
Bạn có nguy cơ mắc bệnh lao hơn nếu:
- Người thân, đồng nghiệp hoặc bạn bè của bạn mắc bệnh lao
- Bạn đang sống hoặc làm việc tại bệnh viện hoặc viện dưỡng lão
- Bạn có nguy cơ mắc bệnh lao cao nếu: bị nhiễm HIV, hút thuốc lá
Người có hệ miễn dịch khỏe mạnh có khả năng chống lại vi khuẩn lao. Nhưng bạn có thể không thể chống chịu lại bệnh lao nếu bạn mắc phải:
- Bệnh HIV/AIDS
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh thận nặng
- Ung thư đầu và cổ
- Phương pháp điều trị ung thư như hóa trị liệu
- Gầy yếu và dinh dưỡng kém
- Dùng thuốc dành cho người ghép tạng
- Một số loại thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn và bệnh vẩy nến.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Khả năng lây truyền bệnh lao
Khi người bị bệnh lao hắt hơi, nói chuyện, cười hoặc hát, họ sẽ làm bắn ra những hạt nhỏ có chứa vi trùng. Nếu bạn hít phải các loại vi trùng này có thể bạn sẽ nhiễm bệnh lao.
Bệnh lao không dễ bị nhiễm phải. Nếu bạn thường phải ở cạnh người có nhiều vi khuẩn trong phổi của họ trong một thời gian dài, bạn sẽ có khả năng lây bệnh.
Vi trùng lao không phát triển được trên các bề mặt. Bạn không thể mắc bệnh khi bắt tay với người bệnh hoặc ăn đồ ăn chung với họ.
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh lao
Có hai loại xét nghiệm phổ biến để phát hiện bệnh lao:
- Kiểm tra da: Đây được gọi là xét nghiệm lao tố trên da Mantoux. Kỹ thuật viên sẽ tiêm một lượng nhỏ chất lỏng vào vùng da dưới cánh tay của bạn. Sau 2 tới 3 ngày họ sẽ kiểm tra tình trạng sưng tấy dưới cánh tay. Nếu kết quả dương tính rất có thể bạn đã nhiễm vi trùng lao. Nhưng bạn cũng có thể nhận được một kết quả dương tính giả. Nếu bạn đã bị chủng ngừa bệnh lao có thể là bacillus Calmette – Guerin (BCG), xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính dù bạn thực sự không mắc bệnh. Kết quả cũng có thể âm tính giả, cho rằng bạn không mắc lao nhưng thực sự bạn đã mắc bệnh nếu bạn mới bị nhiễm. Do đó cần thực hiện bài test này nhiều lần để đưa ra kết quả chính xác.
- Xét nghiệm máu: Đây là các xét nghiệm giải phóng interferon gamma (IGRAs), đo lường phản ứng khi protein TB được trộn với một lượng nhỏ máu của bạn.
Tuy các xét nghiệm này không biết được tình trạng bệnh lao của bạn là tiềm ẩn hay đang hoạt động. Nên sau khi nhận được kết quả xét nghiệm da hoặc máu dương tính, bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm một số kiểm tra sau:
- Chụp X-quang phổi hoặc chụp CT cắt lớp để xem phổi có gặp vấn đề gì không.
- Xét nghiệm vi khuẩn lao trong đờm của bạn hoặc chất nhầy xuất ra khi ho.
Phương pháp điều trị bệnh lao
Các phương pháp điều trị bệnh lao cần phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân:
- Nếu bạn bị bệnh lao dạng tiềm ẩn: Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn để tình trạng nhiễm trùng không hoạt động. Bạn có thể cần dùng isoniazid, rifapentine hoặc rifampin, một loại hoặc phối hợp. Người bệnh phải dùng thuốc tối đa 9 tháng. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh lao hoạt động cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức.
- Nếu người bệnh bị lao dạng hoạt động: Cần kết hợp nhiều loại thuốc điều trị bệnh, phổ biến nhất là ethambutol, isoniazid, pyrazinamide và rifampin. Người bệnh cần sử dụng thuốc từ 6 đến 12 tháng.
- Người bệnh bị lao kháng thuốc: Bác sĩ sẽ kê cho người bệnh một hoặc nhiều loại thuốc khác nhau. Người bệnh cần phải dùng thuốc lâu dài có thể lên đến 30 tháng và chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.
Dù cho bạn bị nhiễm trùng loại nào thì quan trọng nhất vẫn là phải dùng hết thuốc, ngay cả khi bạn đang cảm thấy bệnh có tiến triển. Bởi nếu bỏ thuốc quá sớm, vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc và khó điều trị hơn rất nhiều.
Biến chứng của bệnh lao
Nhiễm trùng lao cũng có thể gây ra các biến chứng sau:
- Tổn thương khớp
- Tổn thương phổi
- Nhiễm trùng hoặc tổn thương xương, tủy sống, não hoặc các hạch bạch huyết
- Các vấn đề về gan hoặc thận
- Viêm các mô xung quanh tim
>> Xem thêm Bệnh lao xương khớp và nguy cơ tàn phế
Phương pháp phòng chống bệnh lao
Để giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao:
- Nếu bạn bị nhiễm bệnh lao dạng tiềm ẩn, hãy đảm bảo uống hết thuốc theo thời gian quy định để bệnh không bị kích hoạt và lây lan.
- Nếu bạn đang mắc bệnh lao đang hoạt động hãy hạn chế tiếp xúc với người khác. Che miệng khi ho, cười hoặc hắt hơi. Đeo khẩu trang y tế khi bạn ở gần những người khác trong các tuần đầu điều trị.
- Tiêm chủng vắc xin ngừa bệnh lao:
Trẻ em ở các nước thường được tiêm chủng mở rộng mũi vắc xin phòng lao BCG. Tuy nhiên mũi tiêm này hiện không được dùng phổ biến ở Hoa kỳ bởi khả năng bảo vệ thấp. Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên tiêm vắc xin này cho trẻ sống chung với người bệnh lao đang hoạt động với chủng vi khuẩn kháng thuốc mạnh hoặc không thể dùng thuốc kháng sinh.
Đào Tâm