Dị ứng không chỉ gây ngứa da, sổ mũi, chảy nước mắt mà còn có thể gây sốc phản vệ, ảnh hưởng đến tính mạng. Bởi vậy, việc nhận biết chính xác các triệu chứng dị ứng cùng các nguyên nhân cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị.
Các triệu chứng dị ứng
Các triệu chứng dị ứng tùy thuộc vào tác nhân gây dị ứng, có thể ảnh hưởng đến da, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Các phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng.
Viêm mũi dị ứng có thể gây ra:
- Hắt hơi
- Ngứa mũi, mắt hoặc vòm miệng
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Chảy nước mắt, đỏ hoặc sưng mắt (viêm kết mạc)
Dị ứng thực phẩm có thể gây ra:
- Ngứa ran trong miệng
- Sưng môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng
- Nổi mề đay
- Sốc phản vệ
Dị ứng do côn trùng đốt có thể gây ra:
- Một vùng sưng lớn (phù nề) tại vị trí đốt
- Ngứa hoặc nổi mề đay khắp cơ thể
- Ho, tức ngực, thở khò khè hoặc khó thở
- Sốc phản vệ
Dị ứng thuốc có thể gây ra:
- Nổi mề đay
- Da ngứa
- Phát ban
- Sưng mặt
- Thở khò khè
- Sốc phản vệ
Viêm da dị ứng có thể gây ra:
- Ngứa da, ửng đỏ
- Da đóng vẩy hoặc bong tróc
- Sốc phản vệ
Một số loại dị ứng có thể gây ra một phản ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ – tình trạng cấp cứu y tế đe dọa tính mạng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Mất ý thức
- Giảm huyết áp
- Khó thở
- Phát ban da
- Lâng lâng
- Mạch nhanh, yếu
- Buồn nôn và ói mửa
Các nguyên nhân gây dị ứng
Dị ứng bắt đầu khi hệ thống miễn dịch nhầm một chất bình thường vô hại thành có hại. Sau đó, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể luôn trong tình trạng cảnh giác đối với chất gây dị ứng. Khi bạn tiếp xúc lại với chất gây dị ứng, các kháng thể này có thể giải phóng một số hóa chất chẳng hạn như histamine, gây ra các triệu chứng dị ứng.
Các tác nhân gây dị ứng phổ biến gồm:
- Các chất gây dị ứng trong không khí: Phấn hoa, lông động vật, mạt bụi và nấm mốc
- Một số loại thực phẩm: Đậu phộng (lạc), hạt cây, lúa mì, đậu nành, cá, động vật có vỏ, trứng và sữa.
- Côn trùng đốt: Chẳng hạn như ong.
- Thuốc: Đặc biệt là penicillin hoặc kháng sinh dựa trên penicillin
- Cao su hoặc các chất khác: Có thể gây dị ứng da.
Nguy cơ bị dị ứng cao hơn nếu:
- Có người thân ruột thịt trong gia đình bị hen suyễn hoặc dị ứng, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng, phát ban hoặc chàm
- Bị hen suyễn hoặc một tình trạng dị ứng khác.
Các biến chứng của dị ứng
Bị dị ứng làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề y tế khác, bao gồm:
- Sốc phản vệ: Nếu bị dị ứng nghiêm trọng, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị sốc phản vệ. Thực phẩm, thuốc và côn trùng đốt là những tác nhân phổ biến nhất gây sốc phản vệ.
- Bệnh hen suyễn: Nếu bị dị ứng, bạn có nhiều khả năng bị hen suyễn – một phản ứng của hệ thống miễn dịch ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Trong nhiều trường hợp, hen suyễn khởi phát do tiếp xúc với chất gây dị ứng trong môi trường (hen suyễn do dị ứng).
- Viêm xoang và nhiễm trùng tai hoặc phổi: Nguy cơ mắc các tình trạng này cao hơn nếu bạn bị viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn.
>> Xem thêm Các giải pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị dị ứng:
>> Nhanh chóng nhận biết trẻ bị viêm mũi dị ứng để điều trị sớm
>> Viêm mũi xoang dị ứng: Dấu hiệu, chẩn đoán và dự phòng
>> “Chặn đứng” viêm mũi dị ứng không khó như bạn nghĩ!
>> Cách để phòng ngừa và điều trị viêm mũi tại nhà hiệu quả
DS Phan Thu Hiền