Viêm phổi ở người cao tuổi là căn bệnh phổ biến, nhất là thời điểm giao mùa. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không tích cực chăm sóc và điều trị. Do vậy, phòng ngừa và điều trị sớm là điều rất quan trọng.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng ở phổi khiến các túi khí trong phổi bị viêm và đôi khi chứa đầy dịch. Các túi khí có nhiệm vụ di chuyển oxy từ phổi đến máu, do đó, bệnh viêm phổi dẫn đến các vấn đề về hô hấp và làm giảm nồng độ oxy trong máu.
Hơn 30 sinh vật khác nhau là nguyên nhân gây ra nhiều loại viêm phổi, được phân loại theo loại vi trùng gây bệnh và bối cảnh mà con người mắc phải chúng.
Vi khuẩn và vi rút thường gây ra bệnh viêm phổi có thể lây lan qua không khí, hoặc thông qua tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc với các vật dụng mà người bệnh đã chạm vào.
Viêm phổi có thể từ nhẹ đến nặng, đe dọa tính mạng. Trong đó, viêm phổi do vi rút thường ít nghiêm trọng hơn viêm phổi do vi khuẩn. Viêm phổi do phế cầu khuẩn, cũng có thể gây viêm màng não, đây là loại viêm phổi do vi khuẩn phổ biến nhất, và có thể rất nguy hiểm ở người cao tuổi.
Triệu chứng viêm phổi ở người cao tuổi
Vì các triệu chứng ở người lớn tuổi thường khó nhận biết hơn và có thể khác với các triệu chứng viêm phổi bình thường, nên ở nhóm đối tượng này có thể khó để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.
Ở người cao tuổi, các triệu chứng viêm phổi có thể khác với các nhóm tuổi khác, bao gồm:
- Suy nhược và mệt mỏi
- Đau ở ngực hoặc xương sườn
- Sốt và ớn lạnh
- Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường
- Ho, đặc biệt là ho có đờm
- Khó thở
- Lú lẫn hoặc mất phương hướng
Rất dễ nhầm lẫn các triệu chứng này của bệnh viêm phổi ở người lớn từ 65 tuổi trở lên với các triệu chứng cảm lạnh, cúm hoặc các ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Vì vậy cần hết sức thật trọng khi nhận thấy các triệu chứng trên và sớm đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi
Viêm phổi là do tiếp xúc với vi trùng, thường là vi khuẩn hoặc vi rút. Tất cả mọi người đều có thể tiếp xúc với các sinh vật gây viêm phổi, nhưng những ảnh hưởng gây ra có thể nghiêm trọng hơn và bệnh có thể tái phát thường xuyên ở người cao tuổi. Điều này là do:
- Ở người cao tuổi, hệ thống miễn dịch hoạt động kém hơn, làm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng.
- Bệnh tim, tiểu đường và các bệnh nghiêm trọng khác thường gặp ở người cao tuổi làm tăng nguy cơ viêm phổi.
- Người cao tuổi dễ bị cúm và các tình trạng khác liên quan đến phổi, đôi khi tiến triển thành viêm phổi.
Người cao tuổi ít có khả năng ho mạnh do suy nhược cơ thể. Trong khi ho có thể giúp cơ thể tống khứ những thứ có thể gây hại cho đường thở, trong đó có các vi sinh vật gây viêm phổi.
Điều trị viêm phổi ở người cao tuổi bằng cách nào?
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh viêm phổi, các xét nghiệm máu, chụp CT hoặc chụp X-quang phổi có thể được thực hiện để chẩn đoán.
Cho dù bệnh do vi rút hay vi khuẩn, thì điều quan trọng trong điều trị bệnh là bệnh nhân cần nghỉ ngơi, ăn uống bổ dưỡng và uống nhiều chất lỏng kết hợp với dùng thuốc để điều trị các triệu chứng khó chịu như sốt hoặc đau.
Viêm phổi do vi rút có thể được điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Viêm phổi do vi khuẩn luôn được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bệnh nhân cần uống đầy đủ thuốc kháng sinh theo chỉ định để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc.
Hầu hết người cao tuổi được điều trị viêm phổi tại nhà, nhưng có đến 1/5 số người cao tuổi sống một mình và hơn 1/4 người cao tuổi sống trong cơ sở chăm sóc sức khỏe mắc bệnh viêm phổi được điều trị tại bệnh viện để được điều trị tích cực, giảm các triệu chứng nặng.
Các biện pháp phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi
Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, người cao tuổi nên:
- Rửa tay thường xuyên: Để làm giảm đáng kể nguy cơ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
- Tiêm vắc xin: Tiêm vắc xin viêm phổi do phế cầu khuẩn làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn ở người cao tuổi. Mọi người nên tiêm liều đầu tiên ở độ tuổi 50, liều thứ hai ở tuổi 65 và một liều bổ sung sau mỗi 5 năm. Tiêm vắc xin ngừa cúm hàng năm cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, vì viêm phổi đôi khi là biến chứng của bệnh cúm.
- Tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc cúm: Hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc hoặc đeo khẩu trang y tế để bảo vệ bản thân khi tiếp xúc.
- Giữ vệ sinh răng miệng: Vi khuẩn gây viêm lợi, sâu răng có thể là tác nhân gây viêm phổi. Do đó người cao tuổi cần giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt và đi khám sức khỏe thường xuyên để điều trị bệnh lý răng miệng nếu có.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ: Bụi, nấm mốc có thể gây bệnh đường hô hấp và tăng nguy cơ viêm phổi.
- Xây dựng lối sống lành mạnh: Nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh và uống đủ nước sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, phòng ngừa viêm phổi và các bệnh lý khác.
Hiểu rõ về các triệu chứng viêm phổi, các tác động của bệnh và những biện pháp phòng tránh, người cao tuổi và những người chăm sóc có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi hoặc điều trị sớm, cải thiện khả năng phục hồi nhanh chóng.
DS Phan Thu Hiền