Nếu bạn bị đau ngực trái khi thở, dù thở bình thường hay hít thở sâu cũng đừng nên chủ quan bởi tình trạng này cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, đau ngực trái khi hít thở có thể liên quan đến phổi, tim và cơ xương vùng ngực trái.
Nguyên nhân liên quan đến phổi
Phổi không có các cơ quan tiếp nhận cảm giác đau, các tình trạng bệnh lý liên quan đến phổi có thể gây đau theo một số cách, bao gồm cả những nguyên nhân gây kích ứng màng phổi. Một số trong số này bao gồm:
Viêm phổi
Đây là một bệnh nhiễm trùng ở phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nhiễm virus thường có thể gây đau màng phổi. Một số loại virus có thể mắc phải gồm: virus Coxsackie, virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm, parainfluenza, SARS-CoV-2, quai bị, adenovirus, cytomegalovirus (CMV) và virus Epstein Barr (EBV).
Ung thư phổi
Phổ biến nhất là ung thư biểu mô tuyến phổi, có xu hướng phát triển ở ngoại vi phổi gần màng phổi và thường gặp nhất ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Bệnh ung thư này gây ra các triệu chứng đau ở màng phổi.
Tràn dịch màng phổi
Đây là sự tích tụ chất lỏng giữa các lớp của màng phổi do bất kỳ bệnh lý nào gây ra, bao gồm bệnh phổi, bệnh tim và các rối loạn tự miễn dịch (như viêm khớp dạng thấp).
Tràn dịch màng phổi ác tính là tràn dịch màng phổi có chứa các tế bào ung thư có liên quan đến ung thư phổi, ung thư vú và ung thư di căn đã di căn đến phổi.
Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi là tình trạng xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi, có thể gây đau ngực dữ dội và khó thở. Tràn khí màng phổi là một biến chứng phổ biến của khí phế thũng và các bệnh phổi khác.
Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng, trong đó cục máu đông trong tĩnh mạch sẽ vỡ ra và di chuyển đến phổi. Các yếu tố nguy cơ gây thuyên tắc phổi bao gồm: mới phẫu thuật, bệnh tim và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
Nhồi máu phổi
Bệnh xảy ra khi một phần của mô phổi bị chết vì nguồn cung cấp máu của nó bị tắc nghẽn.
U trung biểu mô
Đây là một loại ung thư phát sinh trong màng phổi và thường gặp nhất ở những người đã tiếp xúc với amiăng.
Bệnh lao (TB)
Đây là một nguyên nhân tương đối phổ biến gây đau màng phổi.
Các nghiên cứu về đau ngực khi hít thở cho thấy, thuyên tắc phổi là nguyên nhân phổ biến nhất đe dọa tính mạng và là nguyên nhân phổ biến gây đau ngực trái khi hít thở (chiếm 5-21% các trường hợp).
Tăng áp động mạch phổi
Tăng áp động mạch phổi là một tình trạng nghiêm trọng trong đó huyết áp trong động mạch phổi tăng cao. Tăng áp động mạch phổi có nguyên nhân từ bệnh tim, bệnh phổi, rối loạn mô liên kết và thậm chí một số loại thuốc.
Nguyên nhân liên quan đến tim
Vì tim nằm gần phổi (và màng phổi) và di chuyển theo nhịp thở nên các vấn đề ở tim có thể gây đau ngực trái khi hít thở.
Một số tình trạng liên quan đến tim gây đau ngực là:
Viêm ngoài màng tim
Viêm màng ngoài tim có nhiều nguyên nhân bao gồm nhiễm trùng, ung thư (phổ biến nhất là ung thư phổi và ung thư vú), các tình trạng tự miễn dịch như lupus và bệnh thận.
Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là do dòng máu đến một phần cơ tim bị tắc nghẽn.
Bóc tách động mạch
Đây là một tình trạng cần cấp cứu vì động mạch chủ suy yếu khiến máu tràn vào màng trong của động mạch chủ. Bóc tách động mạch thường gây đau ngực và lưng dữ dội, đau chảy nước mắt.
Nguyên nhân cơ xương vùng ngực trái
Ngoài các vấn đề về phổi và tim, các tình trạng liên quan đến bất kỳ cấu trúc xương hoặc mô mềm nào ở ngực cũng đều có thể gây đau ngực trái khi hít thở.
Các nguyên nhân phổ biến gồm:
- Gãy xương sườn
- Viêm sụn chêm là tình trạng viêm phần tiếp giáp của xương sườn, thường có biểu hiện là đau khi thở và sưng quanh xương ức
- Tích tụ máu trong khoang màng phổi, thường là do chấn thương
- Bệnh zona (herpes zoster) là sự tái hoạt của virus thủy đậu có thể gây đau màng phổi nếu nó xảy ra ở một trong các vùng da (nhóm thần kinh) của ngực
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây ra trào ngược axit nghiêm trọng, thường xảy ra vào lúc nửa đêm, bị nhầm với một cơn đau tim.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh
Tùy thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một số xét nghiệm khác nhau như:
- Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang phổi có thể cho thấy vấn đề ở phổi, nhưng 25% trường hợp ung thư phổi không có gì bất thường trên ảnh chụp X-quang.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Đây là một loại tia X trong đó nhiều hình ảnh tạo ra các “lát cắt” của các cơ quan nội tạng hoặc các bộ phận cơ thể.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cho thấy hình ảnh trong mô mềm rõ hơn.
- Chụp mạch CT: Để kiểm tra các rối loạn về tim.
- Điện tâm đồ (EKG): Để kiểm tra các bất thường về nhịp tim.
- Siêu âm tim: Xét nghiệm kiểm tra các bất thường ở tim.
- Chọc hút dịch: Để hút chất lỏng từ khoang màng phổi.
- Nội soi phế quản: Dùng ống mềm đưa qua miệng và luồn xuống các đường dẫn khí lớn của phổi (phế quản).
- Nội soi lồng ngực: Thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư phổi.
- Sinh thiết mô phổi: Bác sĩ lấy một mẫu phôi để kiểm tra.
- Oximetry: Đo nồng độ oxy trong máu.
- Xét nghiệm máu: Bao gồm tốc độ lắng hồng cầu (ESR) và protein phản ứng C (CRP), cả hai đều phát hiện tình trạng viêm toàn thân.
- Các xét nghiệm chức năng phổi: Đo dung tích và hiệu suất của phổi.
- Xét nghiệm D-dimer: Để phát hiện cục máu đông (thuyên tắc phổi).
Đau ngực trái khi hít thở có cần đi khám?
- Đau dữ dội hoặc kéo dài hơn một vài ngày
- Các triệu chứng xuất hiện đột ngột
- Cơn đau gây khó thở
- Cảm thấy choáng váng, chóng mặt hoặc muốn ngất xỉu
- Ho ra máu
- Sốt trên 38 độ C và/hoặc cơ thể ớn lạnh
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
Đau ngực trái khi hít thở điều trị thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Kết quả điều trị cũng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do vậy, đi khám sớm và được điều trị sớm sẽ giúp người bệnh sớm lấy lại sức khỏe và giảm chi phí y tế.
Vân Anh