Tính đến tháng 11/2020 thì Việt Nam đã có hơn 2 tháng không có ca lây nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới dịch bệnh vẫn đang hoành hành và làm hàng nghìn người chết mỗi ngày. Cùng tìm hiểu ngay thông tin tổng quan về dịch Covid-19 và virus Corona để bảo vệ cho mình và người thân.
Dịch COVID-19 là gì?
Virus Corona là một loại virus gây ra nhiễm trùng trong mũi, xoang hoặc trên cổ họng. Hầu hết các loại virus corona không nguy hiểm.
Vào đầu năm 2020, sau đợt bùng phát vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xác định SARS-CoV-2 là một loại virus corona mới. Dịch bùng phát nhanh chóng và lan rộng ra khắp thế giới.
COVID-19 là dịch bệnh do SARS-CoV-2 gây ra, gây nhiễm trùng đường hô hấp. Dịch bệnh làm ảnh hưởng tới đường hô hấp trên (xoang, mũi và họng) hoặc đường hô hấp dưới (phế quản và phổi).
Dịch bệnh lây lan như các loại corona virus khác, chủ yếu qua tiếp xúc từ người sang người. Tình trạng nhiễm trùng từ nhẹ cho tới tử vong.
SARS-CoV-2 là 1 trong 7 loại corona virus, bao gồm các loại gây bệnh nghiêm trọng như hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và hội chứng viêm hô hấp cấp tính (SARS). Các loại virus corona khác có khả năng gây bệnh nhưng không đe dọa tính mạng với người khỏe mạnh.
Liệu có nhiều hơn 1 chủng virus SARS-CoV-2 không?
Virus biến đổi hoặc đột biến là hết sức bình thường trong quá trình lây nhiễm từ người sang người. Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, loại virus này đã có đột biến. Họ tìm ra 2 chủng virus đặt tên là L và S. Trong khi loại S là loại cũ hơn còn loại L phổ biến trong giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát tại Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đang đặt ra khả năng một chủng sẽ có khả năng lây lan mạnh hơn chủng kia.
Virus Corona tồn tại bao lâu?
Theo các chuyên gia, hiện chưa thể khẳng định đại dịch sẽ tiếp tục trong bao lâu. Việc dập tan dịch COVID-19 trên toàn thế giới phụ thuộc vào quá trình nghiên cứu để tìm hiểu về loại virus, nêu phương án điều trị bệnh và chế tạo vắc xin ngừa lây lan bệnh.
Trong khi đó, chế tạo vắc xin thường phải mất nhiều năm. Các nghiên cứu vắc xin đang được tăng tốc hết mức, một số loại vắc xin đang ở giai đoạn cuối. Trong khi Nga công bố đã sản xuất được vắc xin thì nhiều chuyên gia cho rằng phải mất nhiều thời gian hơn để tìm được loại vắc xin có hiệu quả thực sự, an toàn với phần lớn người dân và phân phối rộng rãi.
Triệu chứng của COVID-19
Các triệu chứng chính khi nhiễm bệnh COVID-19 gồm:
- Sốt cao
- Ho khan
- Khó thở, thở hụt hơi
- Mệt mỏi
- Ớn lạnh, đôi khi có biểu hiện run
- Đau đầu
- Nhức mỏi cơ thể
- Đau họng
- Nghẹt mũi/chảy nước mũi
- Không cảm nhận được mùi vị
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy
Virus corona có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, các vấn đề về tim gan, sốc nhiễm trùng và tử vong. Nhiều biến chứng của COVID-19 là do tình trạng gọi là hội chứng cytokine hoặc cơn bão cytokine. Đây là khi nhiễm trùng kích hoạt hệ miễn dịch làm việc quá mức, tràn vào máu các protein gây viêm được gọi là cytokine. Chúng làm chết các mô và làm hỏng nội tạng.
Nếu nhận thấy các triệu chứng nguy hiểm sau bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức:
- Khó thở hoặc thở gấp
- Đau ngực hoặc cảm thấy khó thở
- Môi hoặc mặt hơi xanh
- Khó ngồi dậy.
Đột quỵ cũng được nhận thấy ở một số người nhiễm COVID-19. Vì thế hãy nhớ tới từ viết tắt FAST (Nhanh)
- Face (Khuôn mặt): Xem 1 bên mặt của người bệnh có xệ xuống, nụ cười có bị méo lệch không?
- Arm (Cánh tay): Một cánh tay có bị yếu hoặc tê không. Nếu họ cố nâng cao cả 2 tay liệu 1 cánh tay có bị chùng xuống không?
- Speech (Nói): Yêu cầu lặp lại một câu xem người bệnh có nói rõ được không.
- Time (Thời gian): Mỗi phút đều có giá trị với người bệnh đột quỵ. Gọi cấp cứu 115 ngay.
Nếu đã bị nhiễm virus, các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện sau vài ngày hoặc sau 14 ngày tùy thuộc vào từng người.
Phân biệt triệu chứng của COVID-19 và cảm cúm, cảm lạnh và dị ứng thời tiết
Các triệu chứng | Cảm lạnh | Cảm cúm | Dị ứng | COVID-19 |
---|---|---|---|---|
Sốt | Hiếm gặp | Sốt cao trên 38d5 kéo dài 3 – 4 ngày | Không xảy ra | Có gặp |
Đau đầu | Hiếm gặp | Rất đau đầu | Không phổ biến | Có thể gặp |
Đau nhức toàn thân | Ít gặp | Đau nghiêm trọng | Không xảy ra | Có thể gặp |
Mệt mỏi | Nhẹ | Dữ dội, bắt đầu sớm | Đôi khi | Có gặp |
Kiệt sức | Không gặp | Biến mất sau 2 – 3 tuần | Không gặp | Có thể gặp |
Ngạt mũi/Sổ mũi | Có gặp | Đôi khi gặp | Có gặp | Có gặp |
Hắt xì hơi | Thường gặp | Đôi khi gặp | Thường gặp | Có gặp |
Ho | Nhẹ đến vừa | Ho có thể trở nên nghiêm trọng | Đôi khi gặp | Có gặp |
Mất mùi vị | Đôi khi gặp | Đôi khi gặp | Không gặp | Có gặp |
Phát ban toàn thân | Đôi khi gặp | Đôi khi gặp | Không gặp | Có gặp |
Đỏ mắt | Có thể xảy ra | Có thể xảy ra | Có thể xảy ra | Có thể xảy ra |
Tiêu chảy | Không gặp | Có gặp ở trẻ em | Không gặp | Có gặp |
Hụt hơi | Hiếm gặp | Hiếm gặp | Hiếm, trừ người bị hen suyễn dị ứng | Nhiễm trùng nghiêm trọng |
Đau ngực | Hiếm gặp | Nhiễm trùng nghiêm trọng | Hiếm gặp | Nhiễm trùng nghiêm trọng |
Không như cúm, nhiều người không có miễn dịch với virus Corona vì nó còn quá mới. Nếu bạn mắc phải thì virus sẽ kích hoạt cơ thể bạn tự tạo ra kháng thế. Các nhà nghiên cứu đang xem xét các biện pháp bảo vệ bạn khỏi virus Corona.
Corona virus cũng gây ra tỷ lệ bệnh nặng và tử vong cao hơn so với bệnh cúm. Nhưng bản thân các triệu chứng bệnh lại khác nhau ở mỗi người.
>> Xem thêm Phương pháp phân biệt giữa bị nhiễm Corona virus, cảm lạnh và cảm cúm
Ai có nguy cơ nhiễm Corona virus?
Bất kỳ ai cũng đều có thể bị nhiễm COVID-19 và hầu hết những trường hợp nhiễm trùng đều nhẹ nhưng tuổi càng cao thì nguy cơ bệnh nặng càng cao.
Bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn nếu như bị các bệnh lý nền:
- Bệnh thận mạn tính
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Hệ miễn dịch yếu do cấy ghép nội tạng
- Béo phì
- Bệnh tim nghiêm trọng như suy tim hoặc bệnh mạch vành
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Tiểu đường loại 2
Một số bệnh khiến COVID-19 trở nên nghiêm trọng là:
- Hen suyễn từ vừa tới nặng
- Các bệnh ảnh hưởng tới mạch máu và lưu lượng máu lên não
- Bệnh xơ nang
- Huyết áp cao
- Hệ miễn dịch yếu do cấy ghép máu hoặc tủy xương, HIV, dùng nhiều các loại thuốc corticosteroid
- Trí tuệ suy giảm
- Bệnh gan
- Phụ nữ mang thai
- Mô phổi bị tổn thương hoặc xơ phổi
- Người hút thuốc lá
- Bệnh máu hình liềm (Thalassemia)
- Bệnh tiểu đường tuýp 1
>> Xem thêm Mối liên quan giữa bệnh suy thận và nhiễm virus Corona
Con đường lây nhiễm virus Corona
Corona virus có tốc độ lây truyền tương đối cao. Nghiên cứu ban đầu cho thấy một người mắc bệnh có thể lây cho từ 2 – 2,5 người khác. Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ này cao hơn, một người bệnh có thể lây cho tới 4,7 – 6,6 người khác. Trong khi, cúm mùa chỉ truyền bệnh cho 1,1 – 2,3 người khác.
Nếu tiếp xúc với người bệnh trong vòng 2m trong vòng 15 phút, bạn rất dễ bị truyền bệnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm tỷ lệ lây bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên, thường xuyên giữ các bề mặt chung sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với người khác và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người ở dưới khoảng cách 2m.
>> Xem thêm Phương pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid trong cộng đồng
Phòng ngừa virus Corona như thế nào?
Để phòng lây nhiễm COVID-19, bạn nên thực hiện các bước sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc làm sạch bằng chất tẩy rửa có cồn: Giúp giết chết virus trên tay của bạn.
- Hạn chế tới nơi đông người: Bởi bạn rất dễ mắc và lây lan virus khi tới nơi đông người nên tốt nhất là nên ở nhà trong thời kỳ này. Nếu có đi ra ngoài, cố gắng cách xa người khác ít nhất 2m.
- Sử dụng khẩu trang nơi công cộng: Nếu bạn nhiễm phải COVID-19, bạn rất dễ lây bệnh ngay cả khi không có triệu chứng. Nên đeo khẩu trang để bảo vệ cho mình và người khác.
- Không chạm tay vào mặt: Corona virus có thể sống trên bề mặt da trong vài giờ. Nếu chúng dính vào tay và bạn lại chạm vào mắt, mũi, miệng thì chúng có thể xâm nhập vào cơ thể bạn.
- Làm sạch và khử trùng: Hãy rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên. Còn đối với các bề mặt bạn thường xuyên chạm vào như bàn, tay nắm cửa, công tắc đèn, bồn cầu, vòi nước và bồn rửa thì nên lau rửa thường xuyên. Có thể dùng thuốc tẩy gia dụng pha với nước để làm sạch bề mặt. Nên đeo găng tay khi làm vệ sinh và vứt đi sau khi dùng.
Đào Tâm