Giải thích lý do viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi

Viêm phế quản là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Điều nguy hiểm là bệnh dễ tiến triển thành viêm phổi. Do đó, cha mẹ nên nhận biết sớm để điều trị kịp thời cho trẻ.

viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi
Viêm phế quản có thể tiến triển thành viêm phổi gây khó điều trị

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản (đường thở dẫn đến phổi). Nếu viêm phế quản không được điều trị, nhiễm trùng có thể đi từ đường thở vào phổi, dẫn đến viêm phổi.

Nguyên nhân gây viêm phế quản

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản (90-99% các trường hợp) là do nhiễm virus. Chủ yếu là các loại virus: Rhinovirus, Enterovirus, Cúm A và B, Parainfluenza, Virus corona, Virus hợp bào hô hấp (RSV)… Chỉ 1-10% trường hợp viêm phế quản là do vi khuẩn.

Ngoài virus, vi khuẩn, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh viêm phế quản gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Ô nhiễm không khí hoặc chất hóa học
  • Ức chế miễn dịch
  • Thai kỳ
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi
Hình ảnh phế quản bình thường và phế quản bị viêm

Triệu chứng bệnh viêm phế quản

Các triệu chứng ban đầu của viêm phế quản tương tự như cảm lạnh hoặc cúm, gồm:

  • Sổ mũi, hắt hơi
  • Đau họng
  • Thở khò khè
  • Sốt 100 ° F đến 100,4 ° F (37,7 – 38 độ C)
  • Mệt mỏi
  • Đau lưng, đau cơ
  • Ho khan (chuyển thành ho có đờm sau vài ngày)
  • Đờm màu vàng hoặc xanh
  • Hơi đau ngực do ho

Nếu không được điều trị, hoặc điều trị không đúng cách, viêm phế quản có thể tiến triển thành viêm phổi.

Tại sao viêm phế quản có thể tiến triển thành viêm phổi?

Viêm phế quản và viêm phổi có thể là hai bệnh riêng biệt, xảy ra cùng lúc, do những nguyên nhân khác biệt. Trong một số trường hợp, viêm phế quản có thể tiến triển thành viêm phổi do nhiễm trùng lan từ các ống phế quản đến phổi hoặc nhiễm trùng thứ phát.

Nghiên cứu cho thấy, khi bị nhiễm trùng sẽ làm suy yếu khả năng bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm vi khuẩn. Các biểu mô của đường thở đóng vai trò là hàng rào chống lại virus và vi khuẩn bị tổn thương sau khi nhiễm virus, khiến vi khuẩn dễ tấn công hơn, dẫn đến viêm phổi.

Những ai dễ bị biến chứng viêm phổi từ viêm phế quản?

Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm phổi sau khi bị viêm phế quản, nhưng một số nhóm người có có hệ thống miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ cao hơn. Một số đối tượng gồm:

  • Người mắc bệnh mạn tính, như bệnh tim, thận, gan
  • Người mắc một bệnh phổi nào đó
  • Trẻ dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi
  • Người đã từng bị đột quỵ
  • Người đang dùng thuốc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch
  • Người đang điều trị ung thư
  • Người hút thuốc lá hoặc dùng chất kích thích khác
  • Người uống nhiều rượu bia
viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi
Một số triệu chứng của viêm phế quản và viêm phổi

Phân biệt triệu chứng viêm phế quản và viêm phổi

Khi viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi, người bệnh vẫn thấy có những triệu chứng tương tự như viêm phế quản (nhưng thường nặng hơn), kèm theo một số dấu hiệu sau:

  • Sốt cao hơn 38 độ C, kéo dài vài ngày
  • Ớn lạnh
  • Đau ngực (đau ngột ngột ở một bên)
  • Ho kéo dài hơn ba tuần
  • Có máu trong đờm
  • Khó thở, ngay cả khi chỉ hoạt động nhẹ hoặc đang nghỉ ngơi
  • Thở nhanh để cố gắng lấy không khí
  • Buồn ngủ hoặc mệt mỏi nhiều

Dưới đây là bảng phân biệt một số triệu chứng điển hình của viêm phế quản và viêm phổi.

 Viêm phế quảnViêm phổi
Biểu hiệnBệnh nhẹ đến vừaBệnh vừa đến nặng
SốtThường dưới 38 độ CThường cao hơn 38 độ C, kèm ớn lạnh
Ho và đờmHo đờm trong, vàng hoặc xanhHo đờm vàng, xanh, có lẫn máu, có mùi hôi
Nhịp thởBình thườngBình thường hoặc hơn 24 nhịp thở mỗi phút
Nhịp timBình thườngBình thường hoặc hơn 100 nhịp mỗi phút
Các triệu chứng kèm theoNghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, ho, nhức đầu, mệt mỏi ítNghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, ho, mệt mỏi nhiều, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy
Tức ngựcCó thể đau tức ngực do hoĐau nhói hoặc đau toàn bộ vùng ngực

Phân biệt viêm phế quản và viêm phổi

Khi nào cần đi khám?

Nếu nghi ngờ bị viêm phế quản, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị, ngăn ngừa biến chứng viêm phổi. Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe ngực và phổi, xác định xem nhiễm trùng có di chuyển lên phổi của bệnh nhân hay không. Họ có thể yêu cầu người bệnh quay trở lại trong một khoảng thời gian nhất định nếu các triệu chứng vẫn chưa hết hoặc nếu các triệu chứng trầm trọng hơn.

Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng dưới đây, người bệnh nên đi khám ngay.

  • Các triệu chứng như ho hoặc thở khò khè kéo dài 2 – 3 tuần
  • Các triệu chứng đã giảm nhưng sau đó lại nặng hơn
  • Ho ra đờm có mùi hôi hoặc có lẫn máu
  • Sốt cao trên 38 độ C
  • Cảm thấy khó thở kể cả khi đang nghỉ ngơi
  • Bị đè nặng ở ngực (khác với cảm giác khó chịu ở ngực do ho)
  • Bị buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
  • Ngón tay hoặc môi có màu hơi xanh (tím tái)
  • Nhịp thở và nhịp tim tăng cao
viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi
Nên đưa trẻ đi khám để điều trị viêm phế quản, ngăn ngừa tiến triển viêm phổi

Có thể làm gì để ngăn ngừa viêm phế quản chuyển thành viêm phổi?

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cúm và viêm phế quản không dẫn đến viêm phổi. Nhưng đối với những người có nguy cơ cao bị viêm phổi sau viêm phế quản, thì bệnh viêm phổi có thể rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa là giảm nguy cơ nhiễm virus hoặc vi khuẩn ngay từ đầu:

  • Rửa tay thường xuyên
  • Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng
  • Hạn chế dùng chung đồ dùng cá nhân
  • Vệ sinh, làm sạch các bề mặt thường xuyên
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa cúm và phế cầu

Ngăn ngừa viêm phế quản tiến triển thành viêm phổi bằng cách:

  • Điều trị các triệu chứng viêm phế quản: dùng thuốc hạ sốt, xịt mũi, xịt họng, súc họng, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch…
  • Ngủ và nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Không hút thuốc lá, tránh dùng các sản phẩm hóa chất để dọn dẹp nhà cửa.
  • Tránh tập thể dục cường độ mạnh trong vài ngày.

Điều trị bệnh viêm phổi bằng cách nào?

Điều trị viêm phổi tiến triển sau viêm phế quản tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tiền sử bệnh.

Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, có thể người bệnh cần phải nhập viện để được tiêm, truyền tĩnh mạch và theo dõi.

Nếu người bệnh không cảm thấy khó thở, các triệu chứng không quá nặng, nguyên nhân được xác định là do vi khuẩn, thì sẽ được kê thuốc kháng sinh dạng uống. Thuốc kháng virus sẽ được kê nếu nguyên nhân là do virus.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị và chăm sóc tại nhà:

  • Uống nhiều nước giúp làm long đờm và đào thải đờm ra ngoài dễ hơn.
  • Dùng ibuprofen hoặc acetaminophen để hạ sốt và giảm đau ngực.
  • Ngủ và nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Bổ sung dinh dưỡng và tăng cường đề kháng để cơ thể nhanh chóng phục hồi.

Vân Anh