Theo các chuyên gia, tỷ lệ phụ nữ bị viêm bàng quang cao hơn so với nam giới. Viêm bàng quang nếu không được điều trị triệt để có thể dẫn tới biến chứng viêm đài bể thận và suy thận.
Viêm bàng quang là gì?
Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu do thận tiết ra trước khi ra ngoài cơ thể qua niệu đạo. Viêm bàng quang là tình trạng viêm xảy ra ở bàng quang.
Viêm bàng quang do vi khuẩn chiếm đa số các trường hợp, tuy nhiên vẫn còn nhiều nguyên nhân gây viêm ở bộ phận này, điển hình như:
- Viêm bàng quang do thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị cyclophosphamide và ifosfamide, có thể gây viêm bàng quang khi các thành phần bị phân hủy của thuốc đào thải ra khỏi cơ thể.
- Viêm bàng quang do bức xạ: Xạ trị vùng chậu có thể gây ra viêm trong mô bàng quang.
- Viêm bàng quang do dị vật: Sử dụng ống thông lâu dài có thể gây nhiễm trùng do vi khuẩn và tổn thương mô bàng quang.
- Viêm bàng quang do hóa chất: Một số người có cơ địa quá nhạy cảm với các hóa chất có trong một số sản phẩm nhất định, chẳng hạn như sữa tắm bong bóng, thuốc xịt vệ sinh phụ nữ, thuốc diệt tinh trùng và có thể xuất hiện phản ứng dị ứng trong bàng quang, gây viêm.
- Viêm bàng quang do biến chứng của các bệnh lý khác: Viêm bàng quang đôi khi có thể xảy ra như một biến chứng của các rối loạn khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, sỏi thận, tuyến tiền liệt phì đại hoặc chấn thương tủy sống.
- Viêm bàng quang kẽ: Nguyên nhân của chứng viêm bàng quang mạn tính này chưa được xác định rõ. Một số yếu tố khác có thể góp phần gây nên tình trạng này nhưng chưa được nghiên cứu rõ ràng, chẳng hạn như phản ứng tự miễn dịch, di truyền, nhiễm trùng hoặc dị ứng.
Triệu chứng của viêm bàng quang
Nhận biết sớm các triệu chứng sẽ giúp người bệnh sớm đi khám và điều trị, tránh để kéo dài.
Các dấu hiệu viêm bàng quang thường bao gồm:
- Luôn luôn có cảm giác muốn đi tiểu gấp
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên, số lượng ít
- Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu)
- Nước tiểu đục hoặc có mùi tanh nồng
- Khó chịu vùng chậu
- Cảm giác tức bụng dưới
- Sốt nhẹ
Tại sao viêm bàng quang phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới?
Phụ nữ có nguy cơ bị viêm bàng quang cao hơn nam giới do:
Cấu tạo phức tạp của cơ quan sinh dục nữ
Ở phụ nữ, hậu môn gần với cửa âm đạo hơn, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo. Hơn nữa, niệu đạo ở phụ nữ ngắn hơn nhiều so với nam giới, do đó vi khuẩn ở vùng hậu môn có thể dễ dàng di chuyển đến bàng quang.
Vệ sinh kém
Vệ sinh kém cũng khiến các vi khuẩn sản sinh nhanh, đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt, nếu không thay băng vệ sinh thường xuyên có thể dễ dàng làm lây lan vi khuẩn. Các sản phẩm vệ sinh vùng kín nếu không sử dụng một cách phù hợp có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo và dễ dẫn đến nhiễm trùng. Sữa tắm, xà phòng thơm cũng có khả năng gây kích ứng dẫn đến viêm nhiễm bàng quang.
Việc sử dụng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn cũng là nguồn gốc gây bệnh.
Một số biện pháp tránh thai
Một số biện pháp tránh thai như màng ngăn hoặc chất diệt tinh trùng cũng có thể gây kích ứng niệu đạo và góp phần lây lan vi khuẩn. Sau khi quan hệ tình dục nên đi tiểu ngay để ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh từ khu vực này sang khu vực khác.
Mang thai
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai có nguy cơ bị viêm bàng quang cao hơn do sự phát triển của bào thai chèn ép lên bàng quang, khiến bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn, gây ứ đọng nước tiểu.
Thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh
Phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh có nguy cơ bị viêm bàng quang cao hơn do sự suy giảm estrogen. Khi estrogen giảm, niêm mạc niệu đạo có thể co lại và mỏng hơn, điều này có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng và lây lan vi khuẩn đến bàng quang. Âm đạo cũng có xu hướng mỏng và sản xuất ít chất nhờn hơn trong thời kỳ mãn kinh. Điều này có thể làm tăng khả năng bị nhiễm trùng vì chất nhờn thường bảo vệ chống lại vi khuẩn.
DS Phan Thu Hiền