Tổng hợp các triệu chứng, nguyên nhân và điều trị bệnh thận mãn tính

Bệnh thận mãn tính (hay mạn tính) là tình trạng mất chức năng thận chậm và tiến triển trong thời gian dài. Hệ quả của bệnh thận mãn tính chính là suy thận.

Bệnh thận mãn tính
Bệnh thận tiến triển có khả năng gây suy thận

Khi bệnh thận tiến triển, có quá nhiều chất độc tích tụ vào trong cơ thể có thể gây nguy hiểm. Điều trị bệnh sớm sẽ giúp kiểm soát rối loạn chức năng thận bằng cách kiểm soát nguyên nhân cơ bản. Tìm hiểu đâu là nguyên nhân bệnh.

Bệnh thận mãn tính (CKD) là gì?

Bệnh thận mãn tính là một tình trạng bệnh diễn biến chậm và dần dần gây ra rối loạn chức năng thận. Tuy nhiên nếu một bên thận ngừng hoạt động thì quả thận bên kia vẫn có thể thực hiện các chức năng như bình thường.

Thận có thể hoạt động kém đi tới một mức độ rối loạn chức năng nhất định và không trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài rất dễ tiến triển thành suy thận.

Hầu hết những người mắc bệnh mạn tính không biết rằng mình bị mắc bệnh bởi các triệu chứng bệnh thận thường không phát triển trong giai đoạn đầu. Hầu hết nếu đã xuất hiện triệu chứng bệnh thận thì có thể đã tới giai đoạn nặng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh thận mãn tính:

Một số triệu chứng người bệnh thận mãn tính thường gặp phải gồm:

  • Tăng huyết áp hoặc huyết áp cao.
  • Thiếu máu
  • Phù hoặc sưng bàn chân, bàn tay và mắt cá chân.
  • Mệt mỏi
  • Giảm lượng nước tiểu.
  • Nước tiểu có máu
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Không tỉnh táo
  • Chán ăn
  • Ngừa da kéo dài
  • Đi tiểu thường xuyên, vào ban đêm.

Tìm hiểu các giai đoạn bệnh thận mãn tính

Bệnh thận mãn tính
Tốc độ lọc cầu thận được sử dụng để xác định giai đoạn bệnh thận mãn tính

Các bác sĩ sử dụng tốc độ lọc cầu thận (GFR) để xác định mức độ phát triển bệnh thận mãn tính của mỗi người bệnh. GFR cho thấy thận của một người lọc chất thải tốt như thế nào.

Bác sĩ sẽ xác định độ lọc cầu thận của một người bằng cách kiểm tra nồng độ creatinine trong máu. Creatinine là sản phẩm thải ra của creatine – một loại axit giúp cung cấp năng lượng cho tế bào cơ.

Khi thận hoạt động khỏe mạnh, chúng lọc một lượng creatinine tương đối ốn định từ máu. Sự thay đổi nồng độ creatinin trong máu có thể cho thấy bạn gặp vấn đề về thận – tiết niệu.

Sự thay đổi độ lọc cầu thận của một người cho phép phân loại các giai đoạn bệnh thận:

Giai đoạn 1

Bệnh thận mãn tính giai đoạn 1 nghĩa là độ lọc cầu thận của một người ít nhất là 90ml/ phút trên 1,73m2. Đây là chỉ số chức năng thận bình thường nhưng có bằng chứng về tổn thương thận.

Một số dấu hiệu của tổn thương thận trong giai đoạn 1 có thể tìm thấy protein trong nước tiểu của một người hoặc tổn thương thể chất.

Giai đoạn 2

Một người bị bệnh thận mãn tính giai đoạn 2 thì chỉ số GFR của họ là 60 – 89ml/ phút trên 1,73m2. GFR trong phạm vi này tức là thận của bạn vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên với chỉ số GFR này và người bệnh có thểm dấu hiệu tổn thương thận: có protein trong nước tiểu, thận có tổn thương thực thể.

Một số người mắc phải bệnh thận mãn tính giai đoạn 1 và 2 có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc giúp bảo vệ thận của họ.

Giai đoạn 3

Người bệnh thận mãn tính giai đoạn 3 là khi độ lọc cầu thận GFR ở mức 30 – 59ml/ phút trên 1,73m2. Phạm vi này cho thấy người bệnh có một số tổn thương ở thận. Thận ở giai đoạn 3 đã không hoạt động được bình thường được.

Trong giai đoạn 3 người bệnh được tách thành 2 loại:

  • Giai đoạn 3a: Người bệnh có chỉ số GFR từ 45 – 59 ml/ phút trên 1,73m2.
  • Giai đoạn 3b: Người bệnh có chỉ số GFR từ 30 – 44 ml/phút trên 1,73m2.

Dù cho hầu hết người bệnh thận mãn tính giai đoạn 3 không có triệu chứng, tuy nhiên một số người vẫn gặp phải các biểu hiện sau:

  • Sưng ở bàn tay và bàn chân (phù).
  • Đau lưng
  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Thiếu máu
  • Huyết áp cao
  • Bệnh về xương

Người bị bệnh thận giai đoạn 1 – 3 có thể làm chậm quá trình tổn thương thận bằng các phương pháp sau:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu đang bị tiểu đường.
  • Kiểm soát huyết áp
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh
  • Không hút thuốc lá
  • Tập thể dục mỗi lần 30 phút và 5 ngày mỗi tuần.
  • Duy trì mức cân nặng khỏe mạnh
  • Khám định kỳ

Người bệnh thận giai đoạn 3 nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn phù hợp.

Giai đoạn 4

Ở giai đoạn 4 bệnh thận mạn thì độ lọc cầu thận ở mức 15 – 29 ml/phút trên 1,73m2. Ở giai đoạn này, thận của một người bị tổn thương từ mức độ trung bình tới nặng. Bệnh thận giai đoạn 4 là một tình trạng nghiêm trọng và là giai đoạn cuối cùng trước khi tiến triển thành suy thận.

Người bệnh thận mạn tính giai đoạn 4 có nhiều khả năng gặp các triệu chứng như phù tay và chân, đau lưng và đi tiểu thường xuyên hơn. Các biến chứng như thiếu máu hoặc bệnh xương cũng dễ xảy ra.

Giai đoạn 5

Bệnh thận mãn tính
Người bệnh thận giai đoạn 5 dễ bị phù chân tay

Một người bệnh thận giai đoạn 5 khi độ lọc cầu thận ở dưới mức 15ml/phút trên 1,73m2. Ở giai đoạn bệnh này, thận đã bị hỏng hoặc sắp hỏng.

Một số triệu chứng của bệnh suy thận gồm:

  • Ngứa ngáy
  • Đau cơ bắp
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Sưng phù ở bàn chân và bàn tay
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Khó thở
  • Khó ngủ

Nguyên nhân gây ra bệnh thận mãn tính

Thận thực hiện hệ thống lọc phức tạp trong cơ thể chúng ta. Cơ chế là loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa khỏi máu và bài tiết ra khỏi cơ thể.

Thận lọc chất độc từ máu của một người. Tuy nhiên, thận gặp vấn đề ở thận xảy ra khi:

  • Dòng máu tới thận không đúng cách.
  • Thận không hoạt động bình thường do bị hư hại hoặc bệnh tật.
  • Có vật cản ngăn nước tiểu ra ngoài.

Bệnh thận mãn tính thường xảy ra do bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp.

Người mắc tiểu đường không kiểm soát khiến cho đường glucose tích tụ trong máu và làm hỏng thận.
Trong khi đó huyết áp cao có thể làm hỏng các cầu thận. Đây là những bộ phận của thận có chức năng lọc các chất cặn bã.

Một số nguyên nhân khác của bệnh thận mãn tính gồm:

  • Tắc nghẽn nước tiểu: Nước tiểu bị tắc nghẽn có thể làm tăng áp lực tới thận và làm suy giảm chức năng thận. Các nguyên nhân khác có thể gồm phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và khối u.
  • Các bệnh về thận: mắc một số loại bệnh thận như – bệnh thận đa nang, viêm thận bể thận và viêm cầu thận.
  • Hẹp động mạch thận: do động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn trước khi vào thận.
  • Ngộ độc kim loại nặng: phổ biến nhất là ngộ độc chì.
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Sốt rét và bệnh sốt vàng da
  • Lạm dụng sử dụng thuốc: lạm dụng sử dụng một số loại thuốc bao gồm cả NSAID có thể gây suy thận.

Cách điều trị các triệu chứng bệnh thận mãn tính

Bệnh thận mãn tính
Người bệnh thận thường sẽ cần sử dụng thuốc trị triệu chứng

Bệnh thận mãn tính thường sẽ gây ra những tổn thương vĩnh viễn tới chức năng thận. Tuy nhiên, áp dụng sớm các phương pháp điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng và làm chậm sự phát triển của bệnh.

Một số tình trạng mà người bệnh thận mãn tính gây ra cần được điều trị bao gồm:

Huyết áp cao

Huyết áp cao có thể là nguyên nhân hoặc một triệu chứng của bệnh suy thận. Điều chỉnh huyết áp là điều quan trọng để bảo vệ thận và sau đó làm chậm sự phát triển bệnh suy thận.

Một người bị huyết áp cao có thể cần dùng một số loại thuốc. Ngoài ra, cần thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để hạ huyết áp cho một người.

Thiếu máu

Hemoglobin là chất trong tế bào hồng cầu mang oxy quan trọng đi khắp cơ thể. Nếu nồng độ hemoglobin thấp có thể dẫn tới thiếu máu.

Người bệnh thận mãn tính có thể cần tiêm các chất kích thích tạo hồng cầu để điều trị triệu chứng.

Cân bằng photphat

Cơ thể của người bị bệnh thận mãn tính có thể không loại bỏ được phosphate một cách chuẩn xác. Chính vì thế cần giảm lượng photphat tiêu thụ vào cơ thể, cụ thể là giảm ăn các loại thực phẩm từ sữa, thịt đỏ, trứng và cá.

Giữ nước (phù)

Người bị bệnh thận mãn tính cần cẩn thận với lượng chất lỏng và hạn chế lượng muối tiêu thụ. Nếu thận hoạt động không bình thường thì người bệnh rất dễ bị tích nước.

Ăn quá nhiều muối cũng có thể khiến cơ thể giữ lại nhiều nước hơn. Giữ nước do natri có thể dẫn đến tăng huyết áp, bệnh thận tiến triến và các vấn đề bệnh tim.

Thay đổi thói quen để kiểm soát bệnh thận mãn tính

Mọi người có thể cần dùng nhiều loại thuốc để điều trị các triệu chứng và tình trạng do bệnh thận mạn tính gây ra.

Ngoài ra, một người có thể cần thử một trong các phương pháp điều trị hoặc thay đổi lối sống sau:

Thay đổi chế độ ăn

Bệnh thận mãn tính
Người bệnh thận nên tuân thủ chế độ ăn lành mạnh

Tuân theo chế độ dinh dưỡng phù hợp là một phần quan trọng trong điều trị suy thận. Hạn chế tiêu thụ protein trong chế độ ăn uống có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh. Do tiêu thụ quá nhiều protein có thể khiến thận của người bệnh hoạt động quá mức.

Tuy nhiên, lượng protein cụ thể một người cần phụ thuộc vào cân nặng, sức khỏe tổng thể và chế độ tập luyện của họ. Người bệnh nên nói với bác sĩ để tìm ra nguồn protein tốt nhất và mức tiêu thụ.

Thay đổi chế độ ăn uống cũng giúp giảm bớt triệu chứng bệnh thận. Bạn nên điều chỉnh lượng muối ăn một cách cẩn thận để kiểm soát tăng huyết áp. Một người có thể cần hạn chế kali và phốt pho vì những chất này gây nguy hiểm cho người mắc bệnh.

Thuốc chống viêm không steroid

Người bệnh thận mạn nên tránh dùng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, một số loại kháng sinh và sử dụng thuốc nhuộm khi chụp CT. Do các thuốc này có nguy cơ gây tác dụng phụ lên thận khi chuyển hóa các loại thuốc vào cơ thể.

Điều trị bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối

Điều trị bệnh thận giai đoạn cuối khi người bệnh đang ở giai đoạn 5 và thận chỉ làm việc ở 15% công suất bình thường. Đây là khi thận không theo kịp quá trình đào thải chất độc và chất lỏng dù người bệnh đã thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn và dùng thuốc.

Ở giai đoạn này, người bệnh cần chạy thận hoặc ghép thận để có thể sống tiếp. Tuy nhiên, hầu hết bác sĩ đều cố gắng trì hoãn việc lọc máu hoặc ghép thận càng lâu càng tốt, vì chúng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Lọc thận

Bệnh thận mãn tính
Người bệnh thận giai đoạn nặng cần lọc máu định kỳ

Lọc máu là loại bỏ cơ học các chất thải và chất lỏng quá dư thừa ra khỏi máu khi thận không thực hiện được chức năng này. Lọc máu có tiềm ẩn một số rủi ro nguy hiểm tới tính mạng, bao gồm cả nhiễm trùng.

Có hai loại lọc thận chính gồm:

  • Lọc máu: Sử dụng máy lọc máu, thận nhân tại, máy bơm máu ra khỏi cơ thể. Máy lọc chất thải và máu đi vào cơ thể qua các đường ống. Thủ tục này thường diễn ra trong viện hoặc tại các trung tâm lọc máu.
  • Thẩm phân khúc mạc: Quá trình này sẽ diễn ra trong khoang phúc mạc của người bệnh – là nơi chứa một mạng lưới rộng lớn của các mạch máu nhỏ. Bác sĩ sẽ cấy một ống thông vào ổ bụng và truyền dẫn lưu dung dịch lọc máu trong thời gian định kỳ để loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa.

Cấy ghép thận

Ghép thận là lựa chọn tối ưu hơn so với lọc máu đối với người không có bệnh lý nền khác ngoài suy thận. Tuy nhiên, người bệnh suy thận sẽ cần phải chạy thận cho tới khi có thể tìm được thận hiến phù hợp.

Người cho và nhận thận cần có nhóm máu giống nhau. Nếu nhận thận từ người có khác nhóm máu thì cơ thể có khả năng sẽ không tiếp nhận thận hiến.

Việc phòng ngừa bệnh thận mãn tính phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát các nguyên nhân gây bệnh. Những ai có nguy cơ mắc bệnh thận nên xét nghiệm để đánh giá chức năng thận sớm. Nên thực hiện lối sống lành mạnh thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa bệnh thận tiến triển.

Đào Tâm