Nhận biết các dấu hiệu bệnh tim mạch thường gặp để tránh tử vong sớm

Bệnh tim mạch được coi là “kẻ sát nhân thầm lặng” và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch ngày càng tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nắm được các thông tin quan trọng về các bệnh tim mạch sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh hoặc tìm kiếm các biện pháp điều trị kịp thời.

dấu hiệu của bệnh tim
Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh tim để phòng tránh kịp thời

Bệnh tim mạch là thuật ngữ chung cho một nhóm các tình trạng y tế ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu. Thông thường, nó có liên quan đến sự tích tụ các chất béo bên trong động mạch và làm tăng nguy cơ đông máu.

1. Bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành xảy ra khi có một hay nhiều nhánh của động mạch bị hẹp lại do hình thành những mảng xơ vữa là cholesterol và các chất khác bám lên thành mạch. Khi đó động mạch trở nên cứng hơn, giảm khả năng lưu thông máu, hạn chế việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các cơ quan trong cơ thể. Mảng xơ vữa phát triển lớn dần theo thời gian làm cho tim không thể nhận được đủ lượng máu và oxy cần thiết để duy trì sự sống và dẫn đến những cơn đau thắt ngực và tình trạng nhồi máu cơ tim.

Bên cạnh đó, bệnh mạch vành cũng khiến tim làm việc vất vả hơn, điều này sẽ làm cho tim nhanh chóng bị suy yếu và dẫn đến nguy cơ suy tim, loạn nhịp tim. Đây chính là những biến chứng rất nguy hiểm của các bệnh mạch vành.
Hình ảnh so sánh động mạch bình thường và động mạch bị hẹp trong bệnh mạch vành.

dấu hiệu của bệnh tim
Hình ảnh so sánh động mạch bình thường và động mạch bị hẹp trong bệnh mạch vành

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành:

  • Nam giới trên 50 tuổi, nữ giới trên 55 tuổi. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hơn nam giới.
  • Trong gia đình có người mắc bệnh.
  • Người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

2. Tai biến mạch máu não (đột quỵ)

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não).

Người bị tăng huyết áp và xơ vữa động mạch có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não. Tăng huyết áp làm tăng áp lực máu lên thành mạch, gây giãn, tổn thương thành mạch. Khi đó, tiểu cầu, các sợi fibrin sẽ được chuyển tới để làm lành vết thương, tạo ra cục máu đông. Cục máu đông di chuyển đến gần não gây tắc nghẽn mạch máu não. Các mảng xơ vữa trong động mạch khiến các mạch máu bị thu hẹp, gây khó khăn cho quá trình lưu thông máu. Khi các mảng xơ vữa bong ra sẽ tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông.

dấu hiệu của bệnh tim
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não

Đa số các trường hợp tai biến mạch máu não xảy ra đột ngột với các cơn đau đầu dữ dội, sốt, nôn, rối loạn ý thức, rối loạn hô hấp, trụy mạch, liệt nửa người, xuất huyết gây thay đổi về nhãn cầu, khiến mắt lệch lạc không đúng vị trí. Tai biến mạch máu não gây thiếu oxy, dinh dưỡng đến mô não, làm chết tế bào não dẫn đến các di chứng nặng nề cho bệnh nhân, thậm chí tử vong. Biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch để điều trị tốt.

3. Bệnh mạch máu ngoại vi (PAD)

Bệnh mạch máu ngoại vi hay còn gọi là bệnh mạch máu ngoại biên là tên gọi chung của các bệnh liên quan đến hệ động mạch nằm cách xa tim. Bệnh xảy ra khi mảng bám từ cholesterol, canxi, mô sợi và các chất khác tích tụ trong các động mạch mang máu đến các cơ quan và các chi gây xơ vữa động mạch. Qua thời gian mảng bám cứng lại, làm hẹp các động mạch. Bệnh mạch máu ngoại vi chủ yếu gây tổn thương động mạch vùng tiểu khung, ở chân và bàn chân.

Bệnh tuy không bao gồm các tổn thương ở động mạch tim và mạch máu não nhưng những người bị bệnh mạch máu ngoại vi lại có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Người bệnh không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, đến khi tình trạng bệnh nặng mới phát hiện.

Các triệu chứng nhận biết bệnh động mạch ngoại biên khá mơ hồ và không rõ ràng, thường chỉ xuất hiện các cơn đau nhói, chuột rút ở bắp chân, đùi, hông. Các triệu chứng này sẽ biến mất nhanh chóng hoặc giảm dần chỉ sau vài phút dừng hoạt động và nghỉ ngơi. Khi bệnh mạch máu ngoại vi nặng hơn, người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng đau, chuột rút do hoạt động nhưng khi nghỉ ngơi không đỡ, hoặc đau ngay cả khi nghỉ ngơi. Các vết thương ở bàn chân, ngón chân lâu lành, có thể bị hoại tử.

Bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách không hút thuốc lá, điều trị tốt tình trạng xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, béo phì nếu có.

4. Bệnh thấp tim

Thấp tim là một bệnh tự miễn, xảy ra sau khi bệnh nhân bị viêm họng do nhiễm khuẩn liên cầu gây tan huyết nhóm A (có tên Streptococcus). Khi nhiễm bệnh, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, kháng nguyên gây bệnh có cấu trúc gần giống với cấu trúc của mô khớp và van tim nên kháng thể cũng đồng thời tấn công làm tổn thương mô khớp và van tim, làm khớp bị sưng lên, van tim bị biến dạng gây ra hẹp hở van tim, suy tim.

dấu hiệu của bệnh tim
Thấp tim có thể khiến van tim bị biến dạng

Bệnh thường phát triển âm thầm với một số triệu chứng như: viêm đa khớp, viêm tim, nốt dưới da, hồng ban vòng, sốt… Bệnh thấp tim dù có thể chữa khỏi nhưng vẫn có khả năng tái phát. Sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm đường hô hấp do liên cầu khuẩn là yếu tố quyết định, tuy nhiên cần phải dựa vào tình trạng riêng của từng người, mức độ nặng nhẹ và thời gian chẩn đoán để đưa ra kết luận cuối cùng.

5. Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh (hay dị tật tim bẩm sinh) thường xảy ra trong thời kỳ bào thai. Do cấu trúc tim bị khiếm khuyết khiến chức năng và hoạt động của tim bị ảnh hưởng, tuần hoàn máu trong cơ thể hoạt động bất thường. Theo thống kê, có 1 – 2% em bé sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh như ống động mạch, hoán vị đại động mạch… Đây là nguyên nhân của nhiều ca tử vong ở trẻ sơ sinh. Hiện nay, nhờ kỹ thuật siêu âm, dị tật tim bẩm sinh có thể được phát hiện ở tuần thứ 18 của thai kỳ.

Biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh ở trẻ thường là hiện tượng khó thở, tím tái, suy dinh dưỡng nặng, viêm phổi. Một số trường hợp, trẻ không có biểu hiện gì do bệnh không nặng và chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ.
Cách phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ chủ yếu là trước khi mang thai, cha mẹ cần có sức khỏe tốt. Trong quá trình mang thai, người mẹ không tiếp xúc với các hóa chất độc hại, X-quang, nhiễm siêu vi, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì cần theo chỉ định của bác sĩ.

6. Phình tách động mạch chủ

Phình tách động mạch chủ là hiện tượng rách lớp áo trong của thành động mạch làm cho dòng máu đi vào thành động mạch tạo ra hiện tượng lòng giả. Dòng máu đi vào lòng giả có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng như vỡ thành động mạch chủ, thiếu máu tạng, tử vong.

dấu hiệu của bệnh tim
Hình ảnh mô phỏng phình tách động mạch chủ

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là giãn động mạch chủ hoặc tăng huyết áp gây rạn nứt nội mạc lòng mạch, sau đó máu sẽ thấm qua vết nứt. Dưới tác dụng của áp lực tuần hoàn theo nhịp đập, dòng máu thấm vào sẽ tách rời các lớp của thành động mạch chủ. Một số ít các trường hợp còn lại có liên quan với các yếu tố làm yếu thành mạch, dễ gây nên tách thành động mạch chủ như hội chứng Marfan (biến dị nhiễm sắc thể làm thay đổi tổng hợp polypeptide), tăng huyết áp, bệnh lý động mạch chủ như xơ vữa động mạch, tuổi cao hoặc chấn thương có nguy cơ phát triển phình động mạch chủ ngực.

Phình động mạch chủ bóc tách có nguy cơ tử vong cao, lên tới 95% dù ở giai đoạn đầu. Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách cai thuốc lá và kiểm soát huyết áp thông qua việc tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn giảm muối, nhiều rau xanh, ít mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật, dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.

7. Bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim là bệnh lý khi cấu trúc cơ tim thay đổi gây ảnh hưởng đến chức năng cơ tim. Khả năng bơm máu của tim cũng gặp vấn đề trầm trọng, do các cơ tim trở nên quá lớn, dày hoặc chai cứng khiến tim không thể co bóp liên tục để bơm máu.

Người mắc bệnh cơ tim có thể đối mặt với những biến chứng tim mạch hoặc đột tử nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh cơ tim là do di truyền, mắc bệnh cao huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim. Một số căn bệnh như hemochromatosis (bệnh tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể), sarcoidosis (bệnh xuất hiện các ổ viêm bất thường trong nhiều cơ quan của cơ thể), amyloidosis (bệnh tích tụ bất thường protein Amyloid), rối loạn chuyển hóa (như đái tháo đường, cường giáp hoặc béo phì)… đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim.

Những người bị bệnh cơ tim ở giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu và triệu chứng. Khi tình trạng tiến triển nặng, triệu chứng xuất hiện bao gồm: khó thở, ho, mệt mỏi, đau ngực, sưng chân, huyết áp cao, chóng mặt… Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, nâng cao sức đề kháng. Khi mệt, khó thở cần kiểm tra tim mạch ngay, không làm việc quá sức…