Nhiều trường hợp đột quỵ hậu Covid xảy ra gần đây đã lại một lần nữa dấy lên sự lo lắng của nhiều người. Hiểu rõ về tình trạng và nguy cơ đột quỵ sẽ giúp giảm những lo lắng không cần thiết.
Đột quỵ hậu Covid xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ
Mới đây, bệnh viện S.I.S Cần Thơ ((bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ – tim mạch khu vực đồng bằng sông Cửu Long) đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 4 tuổi bị đột quỵ hậu Covid.
Bệnh nhi này từng mắc Covid hồi tháng 1/2022. Cuối tháng 7/2022 bị sốt, nôn, tiêu chảy nên được gia đình đưa đi bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị huyết khối tĩnh mạch não cực nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi phục hồi tốt, gần như không để lại di chứng về nói hay yếu liệt.
Đây được đánh giá là trường hợp hy hữu, bởi đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị cho 5 trường hợp bị huyết khối gây đột quỵ, đều là người trung và cao tuổi.
Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp đột quỵ não liên quan đến Covid. Năm 2020, CNBC đưa tin, một bé trai 3 tuổi ở Missouri (Mỹ) bị đột quỵ não sau khi xét nghiệm dương tính với nCoV.
Sau vài giờ xét nghiệm dương tính với nCoV, mẹ của bé nhận thấy sự bất thường với khả năng cử động tay chân phải của bé. Bác sĩ cho biết, cơn đột quỵ đã cắt đứt nguồn cung cấp máu cho não trái của bé, nên làm giảm khả năng vận động của nửa thân phải. Gia đình và các bác sĩ hy vọng trường hợp hy hữu này sẽ nâng cao nhận thức của người dân về Covid-19.
Nguyên nhân gây đột quỵ hậu Covid
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn của bệnh viện S.I.S Cần Thơ, trước đây trung bình mỗi năm chỉ gặp 1-2 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não nặng. Gần đây, sau đại dịch Covid, theo y văn thế giới cũng như ghi nhận tại Việt Nam, bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nội sọ gia tăng đáng kể, ở mọi độ tuổi và giới tính.
Y văn kết luận bệnh nhân sau nhiễm Covid có sự kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch, tăng phản ứng viêm, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng huyết khối tĩnh mạch nội sọ cũng như các mạch máu khác trong cơ thể như phổi, tim.
Chẩn đoán và điều trị đột quỵ hậu Covid
Để chẩn đoán xác định bệnh, các bác sĩ thường chỉ định chụp CT có bơm cản quang, MRI tĩnh mạch sọ não. Khi cần thiết, bác sĩ có thể chụp DSA tĩnh mạch não để chẩn đoán cũng như can thiệp tái thông trong trường hợp điều trị bằng thuốc không có hiệu quả.
Phương pháp điều trị thông thường nhất là dùng thuốc kháng đông, thở máy, chống động kinh… Trường hợp nặng, bệnh nhân xuất huyết nhiều, tắc tĩnh mạch lớn nguy cơ tử vong cao, thì cần phải can thiệp lấy huyết khối và phẫu thuật.
Những triệu chứng bất thường cảnh báo đột quỵ
Không phải ai bị mắc Covid cũng có nguy cơ bị đột quỵ, tuy vậy, đột quỵ cũng có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi và giới tính nào. Do đó, luôn đề cao cảnh giác không bao giờ là thừa.
Qua một số trường hợp cụ thể, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh (và cả người nhà bệnh nhân) khi thấy có một số biểu hiện bất thường cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt:
- Đau đầu dữ dội
- Mờ mắt
- Buồn nôn, nôn
- Nói khó, nói ngọng
- Tê yếu, liệt tay chân hoặc liệt nửa người
- Không còn tỉnh táo
- Co giật, ngất xỉu, hôn mê
Bệnh nhân cần được chuyển đến cơ sở y tế có chuyên môn cao trong thời gian sớm nhất để có thể được can thiệp sớm trong “thời gian vàng”, giúp gia tăng cơ hội sống sót cũng như giảm thiểu các di chứng sau đột quỵ.
Có nên tầm soát đột quỵ sau khi nhiễm Covid?
Nếu mắc Covid với các triệu chứng nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ đột quỵ kèm theo thì nguy cơ đột quỵ sẽ rất thấp, không cần thiết phải tầm soát đột quỵ.
Nếu có yếu tố nguy cơ khác kèm theo, cần thăm khám để tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Không nên lạm dụng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh nếu không có triệu chứng và nguy cơ đột quỵ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm:
- Bị tăng huyết áp
- Cholesterol cao
- Đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều bia rượu
- Thừa cân, lười vận động
Phòng ngừa đột quỵ hậu Covid bằng cách nào?
Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể nói chung và phòng ngừa bệnh tật, trong đó có đột quỵ.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, với đủ 4 nhóm dưỡng chất: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất… Ăn nhiều rau củ quả tươi, hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thịt nhiều dầu mỡ…
- Uống đủ nước mỗi ngày (trung bình 1,5 – 2 lít nước). Có thể uống nước lọc, nước ép trái cây, nước canh rau…
- Cắt giảm bia rượu và các đồ uống chứa chất kích thích khác.
- Cần đảm bảo ngủ đủ giấc, trung bình 7-8 tiếng/ngày.
- Nên tập thể dục hàng ngày, khoảng 30 phút mỗi ngày, tập 5 ngày một tuần.
- Nếu bị thừa cân, béo phì thì nên tìm cách để giảm cân, giữ cân nặng ở mức bình thường, khỏe mạnh.
- Với người hút thuốc lá, cần bỏ thuốc ngay, vì nicotin trong thuốc lá có thể làm hỏng lớp niêm mạc mạch máu, dẫn tới hình thành cục máu đông.
- Điều trị và kiểm soát các bệnh và tình trạng sức khỏe sẵn có.
Vân Anh