Viêm là phản ứng của cơ thể trước nhiễm trùng, chấn thương hoặc bệnh tật. Hiểu đúng về tình trạng viêm giúp bạn biết cách bảo vệ và tăng cường sức khỏe của mình.
Phân loại viêm
Viêm được phân thành hai loại chính:
Viêm cấp tính
Viêm cấp tính thường xảy ra trong một thời gian ngắn dưới 2 tuần (nhưng nghiêm trọng). Các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng. Viêm cấp tính thực chất là phản ứng bảo vệ của cơ thể khi bị thương hoặc bệnh tật.
Viêm mãn tính
Viêm mãn tính hay mạn tính thường nhẹ hơn và ít nghiêm trọng hơn. Nó thường kéo dài hơn sáu tuần. Nó có thể xảy ra ngay cả khi không có thương tích và không phải lúc nào cũng kết thúc khi bệnh tật hoặc vết thương được chữa lành. Viêm mãn tính có liên quan đến rối loạn tự miễn dịch, căng thẳng kéo dài.
Các triệu chứng của viêm
Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào vị trí bị viêm và nguyên nhân gây ra nó. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể dẫn đến một số triệu chứng và ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách.
Các triệu chứng phổ biến của viêm mãn tính
- Đau nhức cơ thể
- Mệt mỏi và mất ngủ liên tục
- Trầm cảm, lo lắng và các rối loạn tâm trạng khác
- Các vấn đề về đường tiêu hóa, như táo bón, tiêu chảy và trào ngược axit
- Tăng cân
- Nhiễm trùng thường xuyên
Các triệu chứng của tình trạng viêm thông thường
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh gây viêm. Ví dụ, trong một số tình trạng tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch ảnh hưởng đến làn da, dẫn đến phát ban. Trong các loại khác, nó tấn công các tuyến cụ thể, ảnh hưởng đến mức độ hormone trong cơ thể.
Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch tấn công các khớp, dẫn đến các triệu chứng:
- Đau khớp, sưng, cứng hoặc mất chức năng khớp
- Tê và ngứa ran
- Phạm vi chuyển động hạn chế
Trong bệnh viêm ruột, tình trạng viêm xảy ra ở đường tiêu hóa, một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Tiêu chảy
- Đau bụng hoặc đầy hơi
- Giảm cân
- Thiếu máu
- Vết loét chảy máu
Trong bệnh đa xơ cứng, cơ thể tấn công vỏ myelin – là lớp vỏ bảo vệ của các tế bào thần kinh, gây ra các triệu chứng:
- Tê và ngứa ran ở cánh tay, chân hoặc một bên mặt
- Khó giữ thăng bằng
- Nhìn đôi, nhìn mờ hoặc mất thị lực một phần
- Mệt mỏi
- Các vấn đề về nhận thức, như lú lẫn, mất trí nhớ
Nguyên nhân nào gây viêm?
Nhiều yếu tố có thể dẫn đến viêm, chẳng hạn như:
- Bệnh lý mãn tính và cấp tính
- Một số loại thuốc
- Tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc tác nhân lạ mà cơ thể không thể loại bỏ
- Một số loại thực phẩm
Có một số loại thực phẩm có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở những người bị rối loạn tự miễn dịch. Những thực phẩm này bao gồm: đường, carbohydrate tinh chế, rượu, thịt chế biến sẵn, chất béo chuyển hóa…
Điều trị viêm bằng cách nào?
Thông thường, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để điều trị tình trạng viêm, gồm:
NSAID và aspirin
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường là tuyến phòng thủ đầu tiên trong điều trị đau và viêm ngắn hạn. Hầu hết có thể được mua tại nhà thuốc. NSAID có hiệu quả đối với chứng viêm, nhưng có một số tương tác và tác dụng phụ xảy ra, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài.
Corticosteroid
Corticosteroid là một loại steroid thường được sử dụng để điều trị sưng và viêm cũng như các phản ứng dị ứng. Corticosteroid thường có dạng xịt mũi hoặc viên uống. Sử dụng Corticosteroid cần có sự theo dõi với bác sĩ, bởi có thể gây ra tác dụng phụ và một số tương tác.
Thuốc giảm đau tại chỗ và các loại kem khác
Thuốc giảm đau tại chỗ thường được sử dụng cho các cơn đau cấp tính hoặc mãn tính.
Một số loại chỉ được kê đơn, vì vậy tốt nhất bạn nên có sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng, nhất là với tình trạng viêm mãn tính như viêm khớp.
Các biện pháp khắc phục tại nhà để giảm viêm
Đôi khi, tình trạng viêm có thể được khắc phục thành công bằng các biện pháp đơn giản như thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Thay đổi chế độ ăn uống
Cần tránh hoặc hạn chế các thực phẩm gây viêm, bao gồm: đường, chất béo chuyển hóa và thực phẩm chế biến sẵn.
Nên tăng cường các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm như: quả mọng, cá béo (cá hồi, cá trích, cá thu), bông cải xanh, bơ, trà xanh, nấm, các loại gia vị (như nghệ, gừng và đinh hương), cà chua…
Tập thể dục thường xuyên
Vận động vừa phải, nhẹ nhàng sẽ giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức khỏe tổng thể, đào thải độc tố qua mồ hôi, giảm viêm nhiễm.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng khiến tình trạng viêm ngày càng trầm trọng. Vì vậy, nên kiểm soát căng thẳng bằng các biện pháp như bài tập thở, ngồi thiền, tập yoga, đọc sách, nghe nhạc…
Bỏ thuốc lá
Hóa chất trong thuốc lá là nguyên nhân gây viêm nặng hơn. Do vậy, nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
Chườm nóng hoặc lạnh
Phản ứng viêm gây sưng đau nên việc chườm nóng hoặc lạnh (có thể chườm nóng lạnh xen kẽ) sẽ giúp giảm sưng đau, tăng cường lưu thông máu để chữa lành vùng tổn thương.
Biện pháp chườm đặc biệt hiệu quả với những người bị viêm khớp gây sưng đau các khớp.
DS Phan Hiền