Bệnh đa xơ cứng – Nguy hiểm nhưng ít người biết tới!

Bệnh đa xơ cứng là một bệnh tự miễn có nguy cơ gây tàn phế suốt đời. Nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm bệnh và cách điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng.

Đa xơ cứng là bệnh tự miễn khá nguy hiểm
Đa xơ cứng là bệnh tự miễn khá nguy hiểm

Bệnh đa xơ cứng là gì?

Đối với người bệnh đa xơ cứng, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công lớp vỏ bảo vệ (myelin) bao phủ các sợi thần kinh và gây ra các vấn đề liên lạc giữa não và phần còn lại của cơ thể. Hệ quả là bệnh có thể gây tổn thương vĩnh viễn hoặc suy thoái các dây thần kinh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đa xơ cứng rất khác nhau và phụ thuộc vào số lượng dây thần kinh bị tổn thương và dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Một số người bị đa xơ cứng có thể mất đi khả năng đi lại độc lập trong khi những người khác có thể chỉ bị giảm khả năng vận động trong khoảng thời gian dài mà không có triệu chứng.

Không có cách chữa khỏi được bệnh đa xơ cứng. Tuy nhiên, áp dụng các phương pháp điều trị có thể giúp tăng tốc độ phục hồi sau các cuộc tấn công, điều chỉnh tiến trình bệnh và quản lý các triệu chứng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đa xơ cứng

người bệnh đa xơ cứng
Người bệnh đa xơ cứng có thể cảm thấy ngứa ran hoặc đau ở một phần cơ thể

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh đa xơ cứng rất khác nhau ở mỗi người và khi bệnh tiến triển thì sẽ phụ thuộc sợi thần kinh bị ảnh hưởng. Các triệu chứng bệnh đa xơ cứng thường liên quan tới chuyển động bị ảnh hưởng, chẳng hạn như:

  • Tê hoặc yếu ở một hoặc nhiều chi, thường sẽ xảy ra ở một bên cơ thể của bạn tại một thời điểm hoặc chân và thân mình.
  • Cảm giác điện giật đối với một số cử động cổ, đặc biệt là cúi cổ về phía trước.
  • Run, thiếu phối hợp hoặc dáng đi không vững.

Các vấn đề về thị lực cũng rất phổ biến, bao gồm:

  • Mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn ở một bên mắt, thường bị đau khi cử động mắt.
  • Tầm nhìn đôi kéo dài.
  • Lóa mắt, mờ mắt.

Một số triệu chứng khác của bệnh đa xơ cứng gồm:

  • Nói lắp
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Ngứa ran hoặc đau ở các bộ phận trên cơ thể
  • Gặp vấn đề với chức năng tình dục, chức năng ruột và bàng quang.

Phân loại và các giai đoạn của bệnh đa xơ cứng

Có 4 loại đa xơ cứng:

  • Hội chứng cô lập về mặt lâm sàng (CIS): Đây là một đợt đơn lẻ, đầu tiên với các triệu chứng kéo dài ít nhất 24 giờ. Nếu có đợt bệnh khác xảy ra muộn hơn bác sĩ có thể chẩn đoán bị bệnh đa xơ cứng tái phát.
  • Bệnh đa xơ cứng tái phát nhiều lần (RRMS): Đây là hình thức phổ biến hơn. Khoảng 85% người bệnh đa xơ cứng chẩn đoán ban đầu là RRMS. Loại bệnh liên quan tới các đợt triệu chứng mới hoặc tăng nặng hơn, sau đó là thời gian thuyên giảm, trong đó các triệu chứng biến mất một phần hoặc toàn bộ.
  • Đa xơ cứng tiến triển nguyên phát (PPMS): Các triệu chứng nặng dần lên, không tái phát hoặc thuyên giảm sớm. Một số người có thể trải qua thời gian ổn định và giai đoạn khi các triệu chứng xấu đi và sau đó thuyên giảm. Khoảng 15% người bị đa xơ cứng có bị PPMS.
  • Đa xơ cứng tiến triển thứ phát (SPMS): Ban đầu người bệnh sẽ gặp phải các đợt tái phát và thuyên giảm, sau đó bệnh sẽ bắt đầu tiến triển ổn định.

Quá trình tiến triển của bệnh đa xơ cứng

người bệnh đa xơ cứng
Thường người bị đa xơ cứng sẽ có đợt bệnh tái phát và thuyên giảm

Hầu hết những người bị đa xơ cứng đều có một đợt bệnh tái phát và thuyên giảm. Họ trải qua giai đoạn các triệu chứng mới hoặc tái phát trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần và thường cải thiện một phần hoặc hoàn toàn. Những đợt tái phát này bởi các giai đoạn thuyên giảm bệnh yên tĩnh có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.

Gia tăng nhiệt độ cơ thể có thể tạm thời làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đa xơ cứng. Nhưng đây không gọi là bệnh tái phát thực sự.

Ít nhất 50% người bị bệnh đa xơ cứng thuyên giảm tái phát cuối cùng phát triển các triệu chứng tiến triển ổn định, có hoặc không có giai đoạn thuyên giảm. Trong vòng 10 – 20 năm kể từ khi bệnh khởi phát. Đây là giai đoạn bệnh đa xơ cứng thứ cấp.

Các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn bao gồm các vấn đề về khả năng vận động và dáng đi. Tỷ lệ tiến triển của bệnh rất khác nhau giữa những người bị bệnh đa xơ cứng tiến triển thứ phát.

Một số người bị bệnh đa xơ cứng trải qua giai đoạn khởi phát từ từ và tiến triển ổn định của các dấu hiệu và triệu chứng mà không bị tái phát triệu chứng nào, được gọi là bệnh đa xơ cứng tiến triển nguyên phát.

Nguyên nhân gây bệnh đa xơ cứng

người bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng do hệ miễn dịch tự tấn công mô bao bọc ngoài các sợi thần kinh

Nguyên nhân của bệnh đa xơ cứng chưa được xác định. Bệnh có thể là bệnh tự miễn, do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các mô của chính mình. Trong trường hợp người bệnh đa xơ cứng, sự trục trặc của hệ miễn dịch sẽ phá hủy chất béo bao bọc và bảo vệ các sợi thần kinh trong não và tủy sống (myelin).

Myelin có thể được so sánh với lớp phủ cách điện trên dây dẫn điện. Khi lớp myelin bảo vệ bị hư hỏng và sợi thần kinh bị lộ ra ngoài, các thông điệp truyền đi dọc theo sợi thần kinh đó có thể bị chậm lại hoặc bị chặn.

Tuy nhiên việc bệnh đa xơ cứng chỉ xuất hiện ở một số người chứ không phải người khác thì chưa được làm rõ nguyên nhân. Việc kết hợp các yếu tố di truyền và môi trường được coi như nguy cơ gây ra bệnh.

Các yếu tố rủi ro

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng:

  • Tuổi: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng khởi phát thường xảy ra vào độ tuổi 20 đến 40 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra ở lứa tuổi trẻ hơn hoặc lớn hơn.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc đa xơ cứng cao hơn nam giới từ 2 – 3 lần.
  • Gen di truyền: Nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em từng nhiễm đa xơ cứng thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Lượng vitamin D: Người có lượng vitamin D thấp và tiếp xúc ít với ánh nắng mặt trời dễ có nguy cơ mắc phải bệnh đa xơ cứng hơn.
  • Hút thuốc lá: Người bệnh hút thuốc có triệu chứng có thể có khả năng báo hiệu bị mắc đa xơ cứng cao hơn những người không hút thuốc.

Các biến chứng của bệnh đa xơ cứng

Người bệnh đa xơ cứng có thể bị:

  • Cứng hoặc co thắt cơ
  • Tê liệt thường ở chân
  • Gặp vấn đề với bàng quang, ruột hoặc chức năng tình dục
  • Thay đổi về tâm lý như hay quên hoặc thay đổi tâm trạng
  • Bị động kinh

Phương pháp điều trị bệnh đa xơ cứng

Chẩn đoán người bệnh đa xơ cứng

Hầu hết những người mắc bệnh đa xơ cứng thuyên giảm tái phát, việc chẩn đoán bệnh khá đơn giản cần dựa trên một mô hình triệu chứng phù hợp với bệnh và được xác nhận bằng cách chụp quét hình ảnh não, như MRI.

Chẩn đoán bệnh có thể khó khăn hơn ở những người có các triệu chứng bất thường hoặc bệnh đang tiến triển. Trường hợp này có thể cần kiểm tra phân tích dịch tủy sống,…

Hiện nay, chưa có cách nào chữa khỏi hoàn toàn được bệnh đa xơ cứng. Các phương pháp điều trị tập trung vào việc tăng tốc độ phục hồi của người bệnh sau các đợt tấn công, làm chậm sự tiến triển của bệnh và kiểm soát triệu chứng. Đối với những người có triệu chứng nhẹ có thể không cần điều trị.

Điều trị khi có các đợt tấn công của bệnh đa xơ cứng

  • Sử dụng thuốc corticosteroid: như thuốc prednisone dạng thuốc uống và metylprednisolone tiêm tĩnh mạch, được kê để giảm viêm dây thần kinh. Thuốc này có tác dụng phụ gồm: mất ngủ, tăng huyết áp, tăng đường huyết, thay đổi tâm trạng và trữ nước.
  • Trao đổi huyết tương: Phần chất lỏng của huyết tương người bệnh sẽ được loại bỏ và tách khỏi các tế bào máu của bạn. Sau đó, các tế bào máu được trộn chung với dung dịch protein (albumin) và đưa trở lại cơ thể bạn. Trao đổi huyết tương có thể được sử dụng nếu các triệu chứng của bạn mới, nghiêm trọng và chưa phản ứng với steroid.

Phương pháp điều trị để sửa đổi mức độ tiến triển bệnh

Đối với bệnh đa xơ cứng tiến triển nguyên phát, ocrelizumab (Ocrevus) là liệu pháp điều chỉnh bệnh duy nhất được chấp thuận. Những người được điều trị này có ít khả năng tiến triển hơn những người không được điều trị.

Đối với người bệnh đa xơ cứng thuyên giảm tái phát, một số liệu pháp điều chỉnh có sẵn.

Phần lớn phản ứng miễn dịch liên quan đến bệnh đa xơ cứng xảy ra trong giai đoạn đầu của bệnh. Điều trị tích cực bằng những loại thuốc này càng sớm càng tốt có thể giảm tỷ lệ tái phát, làm chậm sự hình thành các tổn thương mới và có khả năng giảm nguy cơ teo não và tích tụ tàn tật.

Nhiều liệu pháp điều chỉnh bệnh được sử dụng để điều trị bệnh đa xơ cứng mang lại những rủi ro sức khỏe đáng kể. Lựa chọn liệu pháp phù hợp cho bạn sẽ phụ thuộc vào việc cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, bao gồm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiệu quả của phương pháp điều trị bệnh đa xơ khớp trước đó.

Các lựa chọn điều trị cho bệnh đa xơ cứng thuyên giảm tái phát bao gồm thuốc tiêm và thuốc uống.

Tiên lượng bệnh đa xơ cứng và khả năng sống chung với bệnh

người bệnh đa xơ cứng
Người bệnh đa xơ cứng có thể cần xe lăn để hỗ trợ đi lại

Bệnh đa xơ cứng khiến cho người bệnh rất khó để sống chung tuy nhiên hiếm khi gây ra tử vong. Một số biến chứng nặng như nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng ngực, khó nuốt có thể dẫn đến tử vong.

Tiên lượng bệnh đa xơ cứng không phải lúc nào cũng dẫn đến liệt nặng. Hai phần ba số người bị đa xơ cứng có thể đi lại bình thường. Tuy nhiên, hầu hết những người trong số họ đều cần sự hỗ trợ như gậy, xe lăn, nạng hoặc xe tay ga.

Tuổi thọ trung bình của người bị bệnh đa xơ cứng thường thấp hơn người khác từ 5 – 10 năm.

Đào Tâm