Cảnh báo những ảnh hưởng của tăng huyết áp đối với cơ thể

Tăng huyết áp hay huyết áp cao là tình trạng khi máu di chuyển qua các mạch máu với áp lực cao hơn bình thường. Huyết áp cao có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị.

ảnh hưởng huyết áp cao
Tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Tăng huyết áp ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn

Huyết áp cao thường diễn biến thầm lặng. Những tổn thương do tăng huyết áp gây ra đến hệ thống tuần hoàn bắt đầu lặng lẽ và tiến triển dần theo thời gian. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Động mạch là những mạch máu có chức năng vận chuyển máu từ tim đến các mô. Khi áp lực máu tác động lên thành động mạch tăng cao, các mạch máu sẽ dần bị tổn hại theo thời gian. Ban đầu chỉ là vết xước nhỏ ở thành mạch, sau đó cholesterol tích tụ tạo thành những mảng xơ vữa làm cho lòng động mạch hẹp lại. Lưu lượng máu di chuyển qua động mạch bị tắc nghẽn, từ đó có thể dẫn đến những tổn thương cho các mô và cơ quan. Tim phải tăng công suất làm việc có thể dẫn đến đau ngực, nhịp tim nhanh, đau tim, cuối cùng có thể dẫn đến suy tim. Các dấu hiệu của suy tim bao gồm: khó thở, sưng ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc bụng, cảm thấy mệt mỏi.

Huyết áp cao cũng có thể gây ra những khối phồng trong động mạch bị tổn thương. Đây được gọi là chứng phình động mạch. Khối phồng ngày càng lớn hơn cho đến khi nó gây đau khi ấn vào vùng khác của cơ thể hoặc vỡ ra. Nếu động mạch bị phình vỡ là một trong những động mạch chính của cơ thể có thể dẫn đến tử vong.

ảnh hưởng huyết áp cao
Mạch máu bị tổn thương dễ hình thành các mảng xơ vữa

Tăng huyết áp ảnh hưởng lên hệ thần kinh

Huyết áp cao có thể đóng một vai trò trong việc sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức theo thời gian. Lưu lượng máu lên não giảm gây ra các vấn đề về trí nhớ và tư duy. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi nhớ hoặc hiểu mọi thứ, hoặc mất tập trung trong các cuộc trò chuyện.

Những tổn thương mà huyết áp cao gây ra cho các mạch máu và động mạch ở tim cũng có thể xảy ra đối với các động mạch trong não. Khi lượng máu đến não bị tắc nghẽn trầm trọng sẽ gây ra đột quỵ. Nếu các bộ phận của não không thể nhận được oxy từ máu, các tế bào sẽ bắt đầu chết. Tỷ lệ sống sót và nguy cơ bị tổn thương não vĩnh viễn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và tốc độ điều trị.

Các mạch máu trong mắt cũng có thể bị tổn thương. Nếu chúng vỡ ra hoặc chảy máu có thể gây ảnh hưởng đến thị lực, như mờ hoặc mù.

ảnh hưởng huyết áp cao
Giảm lưu lượng máu lên não có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và tư duy

Tăng huyết áp ảnh hưởng lên hệ thống xương

Huyết áp cao có thể gây mất xương, hay còn gọi là loãng xương, bằng cách tăng lượng canxi mà cơ thể thải ra qua nước tiểu, lượng canxi bổ sung cho xương ít đi. Loãng xương làm suy yếu xương, khiến xương giòn và dễ gãy.

Tăng huyết áp ảnh hưởng lên hệ hô hấp

Giống như não và tim, các động mạch trong phổi có thể bị tổn thương và tắc nghẽn do huyết áp cao. Khi động mạch đưa máu đến phổi bị tắc nghẽn dẫn đến thuyên tắc phổi. Thuyên tắc phổi cần được cấp cứu và điều trị ngay lập tức. Chứng phình động mạch cũng có thể xảy ra ở phổi.

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ gây ra tiếng ngáy lớn và gián đoạn nhịp thở trong khi ngủ vào ban đêm. Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ thường thấy mệt mỏi vào buổi sáng, cảm giác giống như không được nghỉ ngơi vậy. Một số nghiên cứu đã cho thấy có mốii liên hệ giữa tình trạng ngưng thở khi ngủ và tăng huyết áp.

ảnh hưởng huyết áp cao
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi

Tăng huyết áp ảnh hưởng đến hệ thống sinh dục

Huyết áp cao gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến dương vật hoặc âm đạo. Hậu quả là rối loạn chức năng tình dục có thể xảy ra.

Đàn ông có thể gặp khó khăn trong việc đạt được và duy trì sự cương cứng còn phụ nữ có thể bị giảm ham muốn, khô âm đạo, khó đạt được cực khoái.

Tăng huyết áp ảnh hưởng đến hệ thống thận – tiết niệu

Thận có vai trò loại bỏ chất thải ra khỏi máu, điều chỉnh lưu lượng và áp suất máu, đồng thời lọc chất thải ra ngoài qua nước tiểu. Huyết áp cao có thể làm tổn thương các mạch máu lớn dẫn đến thận và các mạch nhỏ hơn bên trong thận. Theo thời gian, tổn thương này cản trở hoạt động bình thường của thận dẫn đến các bệnh lý về thận. Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy thận. Những người bị suy thận không còn khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể và sẽ cần phải chạy thận hoặc cấy ghép thận.

Nếu không được điều trị và kiểm soát, tăng huyết áp dễ biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Do vậy, bệnh nhân tăng huyết áp cần dùng thuốc và thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, chế độ ăn uống để kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng.

DS Phan Hiền