Vì sao bệnh tim mạch có nguy cơ tăng cao trong mùa lạnh

Mùa đông năm nay được dự báo là lạnh nhất trong 10 năm trở lại đây với nền nhiệt giảm sâu, rét đậm, rét hại đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.  Điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến những biến chứng bệnh lý, đặc biệt là biến chứng đối với bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch…

bệnh về tim mạch
Trời lạnh dẫn tới biến chứng đối với bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch

Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do bệnh tim mạch tăng cao vào mùa lạnh

Theo thống kê của các Trung tâm tim mạch trong cả nước, vào mùa đông, đặc biệt là những ngày lạnh sâu ở miền Bắc, khi có nơi nhiệt độ xuống dưới 10 độ, số bệnh nhân phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch tăng đột biến. Mỗi ngày như thế, tại các trung tâm tim mạch lớn tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó.

Theo kết quả nghiên cứu của Hội tim mạch học Mỹ (ACC) và một khảo cứu khác được đăng trên tạp chí Circulation, hơn 50% những cơn đau tim xảy ra vào mùa đông và tỷ lệ tử vong về bệnh tim mạch cao nhất trong hai tháng 12 và tháng 1 là những tháng lạnh nhất trong năm.

>> Xem thêm 10 Điều bạn chưa biết về bệnh tim mạch

Vì sao thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch?

Một số nguyên nhân dẫn đến việc thời tiết lạnh ảnh hưởng đến việc tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, bao gồm:

1. Nguyên nhân khách quan

  • Huyết áp tăng lên: Về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
  • Co mạch máu ngoại biên: Thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Trong khi đó, đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình, theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.
  • Mạch máu bị co thắt: Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa… Nếu huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử tăng huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.
  • Nguy cơ đối với người tiểu đường: Đặc biệt những người bị bệnh đái tháo đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.
  • Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành: khi trời lạnh nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
huyết áp người cao tuổi
Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg

2. Nguyên nhân chủ quan

  • Việc tập luyện thể dục thể thao thường bị gián đoạn hoặc ngừng hẳn vào mùa đông: Trong khi điều này rất quan trọng đối với họ chứ không hề nguy hiểm như nhiều người nghĩ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tập thể dục đều đặn thì nguy cơ xuất hiện các biến chứng bệnh tim mạch nặng trong lúc tập đã giảm đến 50 lần so với những người lười vận động. Hơn nữa, có đến 90% các biến cố bệnh tim mạch thường xảy ra trong khi nghỉ ngơi, chứ không phải lúc đang vận động.
  • Mùa đông cũng là lúc không khí ô nhiễm nặng hơn: bởi gió mùa đông bắc tràn về, nhiệt độ thấp làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm khó phát tán lên cao. Dù chỉ tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn thì người bệnh tim mạch cũng có thể bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và suy tim.
  • Ăn uống quá độ mùa lễ hội: Ngoài ra, mùa Đông cũng là mùa lễ hội liên tiếp từ Giáng Sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán, là dịp đoàn tụ gia đình và là dịp người ta có thể tự cho phép mình ăn uống quá độ. Thêm vào đó, thời gian này cũng đem lại nhiều lo lắng, căng thẳng, chưa kể không khí ồn ào, náo nhiệt của những buổi gặp gỡ cũng góp phần làm cho tỷ lệ đau tim tăng nhanh vào mùa đông.
uống bia rượu
Quan điểm uống bia rượu giữ ấm trong mùa đông là sai lầm và cần phải loại bỏ

Cách phòng ngừa bệnh tim mạch trong mùa lạnh

Một số cách thức đơn giản để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch tăng cao vào mùa lạnh có thể rất đơn giản, bao gồm:

1. Giữ ấm đầy đủ

Vào mùa lạnh, mọi người cần giữ ấm đầy đủ, đặc biệt với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Việc giữ ấm đầy đủ có thể rất đơn giản nhưng lại thường xuyên bị bỏ qua, dẫn đến những nguy hiểm không đáng có:

  • Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy vì điều này dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Để sẵn mũ, khăn, áo ấm ở gần giường để khi tỉnh dậy có thể mặc đồ trên giường trước khi bước ra khỏi chăn để tiếp xúc với không khí lạnh.
  • Khi đi ra ngoài cần mặc đủ ấm nhất là phần đầu, chân và cổ, chú ý đeo khẩu trang để tránh hít thở không khí lạnh trực tiếp.Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước nóng, phòng tắm cần thoáng khí nhưng không được có gió lùa, không nên sử dụng phòng tắm tách biệt với bên ngoài vì nguy cơ bước ra từ phòng tắm đang ấm áp gặp gió lạnh cũng vô cùng nguy hiểm.
    giữ ấm mùa đông
    Khi đi ra ngoài cần mặc đủ ấm nhất là phần đầu, chân và cổ

2. Với các bệnh nhân đã bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch

  • Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người cao tuổi không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể sẽ không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
  • Những bệnh nhân bị tăng huyết áp, nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và có theo dõi của nhân viên y tế. Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
  • Đối với người cao tuổi sức đề kháng yếu và những người mắc các bệnh về tim mạch cần tiếp tục duy trì điều trị các bệnh tim mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Đối với các trẻ này, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.