Huyết áp cao thường được điều trị bằng thuốc, nhưng thay đổi lối sống và uống một số loại trà thảo mộc có thể giúp hạ huyết áp một cách tự nhiên.
Tìm hiểu các loại trà có tác dụng hạ huyết áp
Tác hại của cao huyết áp
Cao huyết áp hay còn gọi là tăng huyết áp, huyết áp cao là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch tăng cao hơn so với mức bình thường. Ở mức thông thường, hai chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là 120/80 mmHg. Khi chỉ số huyết áp tâm thu > 140mmHg và hoặc huyết áp tâm trương > 90mmHg thì người bệnh gặp phải tình trạng tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, đau tim và suy tim…
Cao huyết áp hay còn gọi là tăng huyết áp, huyết áp cao
Có nên uống trà để hạ huyết áp?
Uống các loại trà có lợi cho tim mạch đã được chứng minh là có thể giúp kiểm soát huyết áp một cách tự nhiên.
Nghiên cứu từ năm 2019 đã chỉ ra rằng các thành phần trong trà có thể làm giãn mạch máu, cải thiện chức năng của động mạch, giảm viêm và giúp điều chỉnh một số quá trình nhất định trong cơ thể ảnh hưởng đến huyết áp.
Các loại trà tốt nhất cho bệnh cao huyết áp
Có một số loại trà có thể giúp kiểm soát huyết áp. Lưu ý là tác dụng có thể khác nhau tùy theo từng người.
Trà bụp giấm (hibiscus)
Trà hibiscus, được làm từ phần đài hoa của cây hibiscus (còn có tên là bụp giấm, Atisô đỏ, hồng hoa), có màu đỏ sẫm, vị ngọt hơi chua.
Loại trà này có các hợp chất như anthocyanin và polyphenol có thể giúp giãn mạch máu, dẫn đến giảm huyết áp tâm thu và tâm trương.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy uống trà bụp giấm thường xuyên có tác dụng giảm huyết áp nên nó đã trở thành lựa chọn phổ biến như một phương thuốc tự nhiên của người bệnh tăng huyết áp.
Trà hibiscus có tác dụng hạ huyết áp
Trà xanh
Trà xanh là một loại đồ uống phổ biến có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học gọi là catechin, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCG), có nhiều lợi ích sức khỏe trong đó có giảm huyết áp.
Một nghiên cứu năm 2023 với hơn 76.000 người tham gia ở Trung Quốc cho thấy rằng uống trà xanh nói chung – bất kể uống bao nhiêu và trong bao lâu – đều có liên quan đến việc giảm huyết áp tâm thu.
Trà lá ô liu
Trà lá ô liu được làm từ lá của cây ô liu, có hương vị thảo dược nhẹ. Loại trà này có chứa các hợp chất như oleuropein và hydroxytyrosol, có khả năng hỗ trợ điều hòa huyết áp bằng cách giúp thư giãn mạch máu.
Trong một nghiên cứu năm 2017 với 31 người tham gia, uống trà lá ô liu trong 28 tuần – được pha bằng cách ngâm 5 gam lá khô và nghiền trong 250 ml nước ấm và uống hai lần mỗi ngày – đã giúp giảm đáng kể huyết áp tâm thu và tâm trương.
Trà lá ô liu được làm từ lá của cây ô liu, có hương vị thảo dược nhẹ
Trà hoa cúc (Chamomile)
Trà hoa cúc có đặc tính nhẹ, êm dịu và thường được sử dụng để thư giãn và giảm bớt căng thẳng, có thể gián tiếp có lợi cho huyết áp.
Nó chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe như flavonoid, terpenoid và coumarin.
Nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy trà hoa cúc có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan, chống ung thư và điều hòa huyết áp.
Trà táo gai
Trà táo gai được làm từ quả của cây táo gai, có vị hơi ngọt và chua. Theo truyền thống được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe tim mạch, trà táo gai có thể giúp làm giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu và góp phần hạ huyết áp.
Một đánh giá năm 2020 về bốn thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy chế phẩm táo gai (dạng viên hoặc dạng lỏng) làm giảm đáng kể huyết áp ở những người bị tăng huyết áp nhẹ (tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp giai đoạn 1) khi dùng trong ít nhất 12 tuần.
Mặc dù các thử nghiệm không liên quan cụ thể đến trà táo gai, nhưng điều đáng chú ý là nhiều hợp chất có lợi tương tự có trong trà có thể góp phần tạo ra những tác dụng này.
Trà táo gai được làm từ quả của cây táo gai có tác dụng hạ huyết áp
Nên uống bao nhiêu tách trà để giảm huyết áp?
Số lượng tách trà cần thiết để hạ huyết áp có thể khác nhau tùy theo từng cá nhân. Nó cũng có thể phụ thuộc vào loại trà, chế độ ăn uống tổng thể, lối sống và mức huyết áp hiện tại của bạn.
Một số bằng chứng cho thấy uống 2 tách trà bụp giấm hàng ngày có thể góp phần làm giảm huyết áp theo thời gian.
Mất bao lâu để trà có tác dụng hạ huyết áp?
Thời gian cần thiết để trà có tác dụng hạ huyết áp cũng phụ thuộc vào một số yếu tố, như loại trà, tần suất bạn uống và cách cơ thể bạn phản ứng với nó.
Nhìn chung, có thể mất vài tuần đến vài tháng nếu uống thường xuyên mới có thể giảm huyết áp ở mức độ vừa phải.
Tác dụng phụ của việc uống trà
Uống trà cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ tiềm ẩn như:
– Nhạy cảm với caffeine: Trà, đặc biệt là các loại trà đen và xanh, có chứa caffeine, có thể dẫn đến căng thẳng, rối loạn giấc ngủ hoặc tăng nhịp tim ở một số người.
– Khó chịu ở dạ dày: Uống quá nhiều trà khi bụng đói có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa hoặc trào ngược axit.
– Tương tác với thuốc: Một số loại trà, chẳng hạn như trà xanh, có thể tương tác với một số loại thuốc, ảnh hưởng đến sự hấp thụ hoặc hiệu quả của chúng.
– Vàng răng: Các loại trà sẫm màu như trà đen có thể làm ố răng khi uống thường xuyên.
Tóm lại, uống các loại trà có lợi cho tim mạch có thể là một cách kiểm soát huyết áp tự nhiên. Tuy nhiên, bạn không nên dùng trà để thay thế thuốc hoặc các thói quen lành mạnh khác. Nếu uống trà gây ra các triệu chứng khó chịu nào, tốt nhất nên dừng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.