Bạc hà với thành phần có chứa lượng lớn tinh dầu, được sử dụng rộng rãi trong việc sát trùng, chữa ngạt mũi, sổ mũi, đau bụng. Ngày này, Bạc hà được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Vị thuốc Bạc hà được dùng để chữa cảm sốt, ngạt mũi
Tổng quan
Tên gọi, danh pháp
Tên gọi khác: Băng hầu úy, liên tiền thảo, bạc hà ngạnh, tô bạc hà
Tên khoa học: Mentha arvensis Lin
Họ: Hoa Môi (Lamiaceae)
Đặc điểm thực vật
Bạc hà là một loại cây thân thảo sống lâu năm thuộc họ Hoa Môi, tên khoa học là Mentha arvensis Lin. Cây có thân và cành hình vuông, xốp, dáng thẳng đứng hoặc đôi khi bò lan trên mặt đất. Cây cao nhất có thể phát triển chiều dài từ 50 – 60 cm.
Lá bạc hà mọc đối từng lá đơn, hình bầu dục, đầu nhọn, xung quanh mép lá có hình răng cưa. Khi đưa lên mũi ngửi lá cây bạc hà thường có mùi thơm hắc, vị cay và tê nhẹ.
Cây thường ra hoa và quả từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Hoa bạc hà kích thước nhỏ và có thể có nhiều màu sắc khác nhau như màu trắng, hồng, tím hay màu tím hồng. Quả cho 4 hạt.
Đặc điểm thực vật của cây Bạc hà
Phân bố, thu hoạch và bào chế
Bạc hà tập trung chủ yếu ở các vùng Âu Á có khí hậu ôn đới. Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở một số địa phương như Lào Cai, Nghệ An, Lai Châu, Yên Bái…
Cây thường được thu hoạch lúc mới ra hoa vào các tháng 5, 8 hoặc 11. Phần thân và cành chứa lá của cây bạc hà sau khi đem về sẽ được rửa cho sạch đất cát. Sau đó cắt thành từng đoạn ngắn cỡ 2cm và để trong bóng râm cho đến khi khô hoàn toàn.
Bạc hà khô sẽ được cất trong bịch ni lông hoặc đựng trong hộp kín và để nơi khô ráo, thoáng mát dùng dần.
Các thành phần hóa học của Bạc hà
Khi đem phần trên mặt đất của bạc hà đi chiết xuất có thấy hàm lượng tinh dầu chiếm khoảng 1 – 3 %, trong đó chủ yếu là menthol, limonen, α, β, cimen, pulegon, methyl acetat, myrcen…
Ngoài ra còn có chứa các thành phần khác như: protein, 1,8-cineole, Beta-caryophyllene, Limonene, Beta-pinene, các vitamin A, B6, C, D và các khoáng chất như Na, Ca Co và Mg.
Công dụng của Bạc hà
Bạc hà được sử dụng rộng rãi với mục đích để cải thiện nhiều vấn đề về sức khỏe.
Tác dụng dược lý
Các thành phần hoạt chất trong bạc hà được chứng minh có tác dụng:
- Gây hưng phấn, kích thích trung khu thần kinh
- Tác nhân gây giãn mạch
- Thúc đẩy mồ hôi bài tiết, lợi tiểu và hạ thân nhiệt
- Có tác dụng ức chế nhiều chủng vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Bacillus subtilus, Pseudomonas aeruginosa, micrococcusglutamicus, Diplococcus pneumonie, Escherichia coli, Salmonella Typhy, Shigella flexneri… và một số vi nấm như: Aspergillus fumigatus, A niger, Cadida albicans.
- Chống ký sinh trùng
- Chống dị ứng và kháng viêm
- Hoạt tính chống oxy hóa
- Gây tê cục bộ và giảm đau
- Chống tan máu
- Liều lớn sẽ kích thích tủy sống, làm tê liệt phản xạ vận động
Công dụng theo Y học cổ truyền
Bạc hà có tính mát, vị cay, mùi thơm, có tác dụng hạ sốt, giúp ra mồ hôi, trừ phong giảm đau, chỉ ho, kiện vị, chỉ tả, tiêu sưng, giảm ngứa, tăng tiết mật, kích thích tiêu hóa, giải độc, thúc ban sởi mọc.
Ngoài ra, sử dụng tại chỗ tinh dầu bạc hà giúp sát trùng, gây tê nhẹ, giảm đau.
Người xưa thường dùng bạc hà để chữa cảm cúm, đau đầu, sổ mũi, sốt, viêm đau họng.
Lá Bạc hà trị ho; sởi giai đoạn đầu; khó tiêu, chướng hơi, đau bụng; ngứa ngáy, dị ứng; sưng đau ngoài da.
Vị thuốc Bạc hà trong y học cổ truyền
Liều lượng cách dùng Bạc hà
Tinh dầu bạc hà, menthol, cao Bạc hà được sử dụng nhiều trong các chế phẩm khác nhau, bao gồm:
- Gel, kem, cao, dầu xoa… dùng ngoài da giúp giảm sưng đau, giảm ngứa.
- Nước súc miệng, kem đánh răng, dầu gội, dung dịch vệ sinh, xịt chống côn trùng…
- Dung dịch xịt họng, viên ngậm giảm ho, đau rát họng…
- Chế phẩm uống lợi tiêu hóa
Liều khuyên dùng mỗi ngày là không quá 2-12g bạc hà.
Các bài thuốc từ cây Bạc hà
- Làm sạch xoang mũi
Nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc lá bạc hà tươi pha với nước sôi và xông hơi trực tiếp sẽ giúp làm sạch và thông xoang mũi.
Bạc hà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị hen suyễn và các chứng dị ứng do nhiễm trùng nấm.
- Trị cảm cúm, sổ mũi, đau viêm họng, ho
Nguyên liệu: Bạc hà 30g, lá tràm 50g, lá đại bi 20g, Kinh Giới 10g, Hương Nhu, hạt mùi, an tức hương.
Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu, phơi khô, ngâm với cồn 80 độ trong 15 ngày. Lọc lấy phần dịch cồn, dùng ½ thìa cà phê mỗi lần, pha vào nước sôi và xông hít.
Ngoài ra, cũng có thể dùng Bạc hà 5g, hạt Quan âm, Cúc Hoa vàng mỗi vị 10g, Kinh giới 7g, Kim Ngân Hoa 15g, sắc lấy nước để uống.
Nếu đau họng nhiều, có thể dùng Bạc hà 5g, Ngưu bàng, Huyền Sâm, Cát Cánh, Cam Thảo mỗi vị 10g, sắc uống tới khi khỏi.
- Trị ngứa da
Nguyên liệu: Bạc hà, thuyền thoái (đồng lượng).
Cách làm: Tán nhỏ nguyên liệu, pha với rượu nóng để uống, mỗi lần dùng 4g.
- Trị nôn, lợi tiêu hóa
Nguyên liệu: Thân, lá bạc hà 5g.
Cách làm: Pha với 200ml nước sôi, cứ 3 giờ uống một lần; có thể thay bằng rượu cồn, mỗi lần uống 5-10 giọt.
- Trị cảm mạo đau đầu
Nguyên liệu: Lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, Phòng Phong 5g, Bạch Chỉ 4g, hành hoa 6g.
Cách làm: Hãm với nước sôi trong 20 phút rồi uống lúc còn nóng.
- Trị chảy máu cam, ong đốt, mắt mờ
Nguyên liệu: Lá bạc hà tươi.
Chảy máu cam: Giã lấy nước nhỏ vào mũi hoặc thấm bằng bông chèn vào mũi.
Ong đốt: Giã nát đắp vào vết ong chích.
Mắt mờ: Ngâm với Gừng tươi sau một đêm, lấy nước để rửa mắt.
Kiêng kỵ
Những người khí hư huyết táo, can dương thịnh biểu hư, mồ hôi nhiều không nên dùng.
Không nên dùng bạc hà cho trẻ con dù bằng cách xông hơi hay uống.
Dược sĩ Thu Hà