Chỉ số huyết áp và các yếu tố ảnh hưởng

Chỉ số huyết áp cao hay thấp đều có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Biết chỉ số huyết áp thế nào là bình thường hay bất thường và các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa cũng như có biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.

1. Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp tính bằng cung lượng tim nhân với sức cản ngoại vi.

2. Thế nào là huyết áp bình thường?

Theo phân loại của Hội tim mạch và huyết áp Châu Âu (ESC/ESH) năm 2018:

Huyết áp bình thường được xác định khi:

  • Huyết áp tâm thu: Từ 90 mmHg đến 129 mmHg.
  • Huyết áp tâm trương: Từ 60 mmHg đến 84 mmHg.

3. Tình trạng huyết áp bất thường

Huyết áp thấp:

Huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu < 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHg.

Huyết áp thấp khiến lưu lượng máu tới các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các cơ quan ở xa, các cơ quan trên cao như não không được cung cấp máu đầy đủ.

Huyết áp cao:

Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… làm cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam.

Phân độ tăng huyết áp theo Hội tim mạch và huyết áp Châu Âu (ESC/ESH) năm 2018:

  • Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
  • Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg.
  • Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100-109 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.

Tuy nhiên, huyết áp có thể lên xuống không ổn định tùy vào những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy để xác định chắc chắn một người có bị bệnh lý huyết áp hay không cần đảm bảo phương pháp đo được chính xác, tiến hành đo nhiều lần trong ngày, thậm chí trong tháng. Người bệnh không được hút thuốc lá, không uống cà phê trước khi tiến hành đo từ 15-30 phút, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, hồi hộp.

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

Yếu tố bên trong cơ thể

  • Sức co bóp của tim: Sức co bóp của tim ảnh hưởng khá nhiều đến huyết áp. Tim co bóp càng mạnh, đập càng nhanh thì sẽ làm áp lực của máu lên thành động mạnh càng lớn hơn. Tim đập nhanh do vận động mạnh hoặc cảm xúc hồi hộp, hưng phấn sẽ làm huyết áp tăng cao hơn bình thường.
  • Sức cản của động mạch: Máu chảy trong các động mạch để đến nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể. Nếu sự lưu thông máu tốt, sức cản ít thì huyết áp sẽ ổn định. Trong trường hợp như xơ vữa động mạch, thành mạch đàn hồi kém thì máu sẽ khó khăn trong việc di chuyển. Sức cản của thành động mạch sẽ cao làm huyết áp tăng cao. Tình trạng xơ vữa động mạch gây ra bệnh cao huyết áp thường xuất hiện nhiều ở người cao tuổi.
  • Lượng máu: Khi lượng máu trong cơ thể thấp sẽ dẫn đến tình trạng huyết áp thấp. Điều này xảy ra do lượng máu không đủ nhiều để tạo áp lực lên thành động mạch. Khi con người bị mất máu quá nhiều, huyết áp sẽ giảm gây nguy hiểm đến tính mạng khi máu không đủ để đưa đi khắp cơ thể.

Yếu tố bên ngoài cơ thể

  • Tư thế ngồi: Tư thế đúng sẽ giúp cho máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể một cách dễ dàng. Từ đó huyết áp của bạn luôn ở mức ổn định. Tư thế ngồi đúng là thẳng lưng và vai đồng thời thư giãn bàn chân và đặt bàn chân chạm đất chứ không nên để chân lơ lửng.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Chế độ ăn chứa nhiều mỡ động vật, ăn mặn, dùng các chất kích thích như rượu bia, cafe… sẽ gây ra các bệnh như xơ cứng thành động mạch, hoặc máu nhiễm mỡ.

Chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học sẽ giúp phòng tránh các bệnh về huyết áp. Mỗi ngày nên vận động ít nhất 30 phút. Việc tập luyện giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.