Khi đo huyết áp, người ta dùng 2 số đo là huyết áp tâm thu (số đứng trước) và huyết áp tâm trương (số đứng sau) ví dụ như 120 trên 80 (viết là 120/80 mmHg). Tổ chức Tăng huyết áp Thế giới và Uỷ ban Quốc gia Cộng lực Hoa kỳ (1997) đều thống nhất một người lớn bị huyết áp thấp khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn hoặc bằng 90mmHg và hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 60mmHg (Lưu ý những trị số này chỉ áp dụng cho người chưa có tiền sử hoặc đang không sử dụng thuốc điều trị huyết áp)
I. Triệu chứng khi bị huyết áp thấp
Đối với một số người, huyết áp thấp có thể báo hiệu một vấn đề cơ bản, đặc biệt là khi nó giảm xuống đột ngột hoặc có kèm theo dấu hiệu và triệu chứng như:
– Hoa mắt chóng mặt, mờ mắt
– Thiếu tập trung, ngất xỉu
– Buồn nôn
– Da lạnh và nhợt nhạt
– Thở nhanh, nông, mệt mỏi
Còn trong nhiều trường hợp khác, huyết áp thấp cũng có thể không phải vấn đề nghiêm trọng. Huyết áp cần được theo dõi liên tục trước khi kết luận một người có bị huyết áp thấp hay không, vì có những người bẩm sinh huyết áp đã thấp hơn người khác nhưng người đó vẫn cảm thấy cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, huyết áp tự nhiên cũng sẽ thấp hơn vào ban đêm và tăng lên vào ban ngày, khi cơ thể có nhiều hoạt động hơn.
Hoa mắt chóng mặt thường xuyên là biểu hiện của huyết áp thấp
II. Nguyên nhân gây huyết áp thấp
1. Mang thai
Trong 24 tuần đầu của thai kỳ, huyết áp tâm thu thường giảm từ 5-10 mmHg và huyết áp tâm trương giảm 10-15 mmHg. Điều này là bình thường, và huyết áp thường trở lại mức trước thời kỳ mang thai sau khi sinh con.
Vấn đề về tim. Một số bệnh tim có thể dẫn tới huyết áp thấp, bao gồm tần số nhịp tim rất thấp (nhịp tim chậm), các vấn đề van tim, đau tim và suy tim. Các vấn đề này có thể gây hạ huyết áp.
2. Các vấn đề nội tiết
Suy giáp hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể gây hạ huyết áp. Ngoài ra, các vấn đề khác, chẳng hạn như suy thượng thận (bệnh Addison), đường huyết thấp (hạ đường huyết) và trong một số trường hợp, bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra huyết áp thấp.
3. Mất nước
Khi bị mất nước, thậm chí mất nước nhẹ có thể gây ra yếu, chóng mặt và mệt mỏi. Sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc lợi tiểu và tập luyện vất vả có thể dẫn đến mất nước.
4. Sốc giảm lưu lượng máu
Đây là một biến chứng đe dọa tính mạng, nó xảy ra khi lượng máu thấp gây ra giảm huyết áp đột ngột và giảm lượng ôxy đến các mô. Nếu không được điều trị, sốc nặng có thể gây tử vong trong vòng vài phút hoặc vài giờ. Nguyên nhân gây giảm lưu lượng máu có thể do:
– Mất máu: Mất rất nhiều máu từ một vết thương lớn hoặc chảy máu nội tạng làm giảm lượng máu trong cơ thể, dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng về huyết áp.
– Nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết): Nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra khi nhiễm trùng đi vào máu. Các vấn đề này có thể dẫn đến đe dọa mạng sống, huyết áp giảm được gọi là sốc nhiễm khuẩn.
– Sốc phản vệ: là phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Các chất thường gây nên phản ứng phản vệ bao gồm thực phẩm, thuốc, nọc độc của côn trùng… Sốc phản vệ có thể gây khó thở, nổi mề đay, ngứa, sưng phù cổ họng và hạ huyết áp.
5. Chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng
Thiếu vitamin B12 và folate (B9) có thể gây ra thiếu máu gây ra huyết áp thấp.
Chế độ ăn thiếu acid folic (vitamin B9) có thể gây huyết áp thấp
6. Thuốc có thể gây huyết áp thấp
Một số thuốc cũng có thể gây hạ huyết áp, bao gồm:
– Thuốc lợi tiểu.
– Thuốc chặn kênh alpha, beta
– Thuốc cho bệnh Parkinson
– Một số loại thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm ba vòng)
III. Phân loại huyết áp thấp
Trên lâm sàng, huyết áp thấp được phân thành 3 loại là huyết áp thấp nguyên phát, huyết áp thấp tư thế và huyết áp thấp thứ phát.
1. Huyết áp thấp nguyên phát
Thường gặp ở lứa tuổi 20 – 40, nữ giới cơ thể hư nhược, có thể không thấy biểu hiện triệu chứng hoặc thấy đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, hay quên, mệt mỏi, tức ngực; ngoài việc đo thấy huyết áp thấp ra thì không phát hiện các bệnh khác hoặc do ăn uống kém.
2. Huyết áp thấp do tư thế
Liên quan đến thay đổi tư thế đang nằm, ngồi đột ngột đứng lên hoặc do tư thế đứng kéo dài làm cho huyết áp tâm thu hạ hơn 20mmHg (2,67kPa), huyết áp tâm trương hạ hơn 10mmHg (1,33kPa).
3. Huyết áp thấp triệu chứng
Là triệu chứng giảm huyết áp của một số bệnh gây nên, thường gặp như bệnh tim mạch, bệnh nội tiết, bệnh mạn tính gây mất máu, mất nước và điện giải…
>> Xem thêm 10 Điều chưa biết về bệnh tim mạch
IV. Điều trị
Nếu không rõ nguyên nhân gây ra huyết áp thấp hoặc điều trị không đạt hiệu quả thì mục tiêu là nâng cao huyết áp và làm giảm các dấu hiệu cũng như triệu chứng của bệnh. Tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và các loại huyết áp thấp, có thể phối hợp các biện pháp:
1. Thay đổi chế độ ăn và lối sống
– Tăng lượng muối: Các chuyên gia thường khuyên nên hạn chế lượng muối trong chế độ ăn bởi vì muối gây tăng huyết áp, do vậy những người huyết áp thấp cũng có thể sử dụng ngược lại để có hiệu quả tương tự. Tuy nhiên vì natri dư thừa có thể dẫn đến suy tim, đặc biệt là ở người lớn tuổi, nên việc tăng lượng muối khi ăn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng.
– Uống nhiều nước hơn: Khi uống nhiều nước, khối lượng chất lỏng máu tăng và giúp ngăn ngừa mất nước, cả hai đều quan trọng trong điều trị hạ huyết áp
– Hạn chế uống rượu bia: Rượu bia làm mất nước và gây hạ huyết áp nếu sử dụng lâu dài, do vậy người bị huyết áp thấp cần hạn chế sử dụng đồ uống này
– Ăn bữa nhỏ, carbohydrate thấp để tránh áp lực máu giảm mạnh sau bữa ăn, ăn nhiều bữa nhỏ nhiều lần trong ngày và hạn chế các loại thực phẩm carbohydrate cao như khoai tây, mì ống, gạo và bánh mì.
– Uống trà hoặc cà phê có chứa cafein sau bữa ăn tạm thời có thể làm tăng huyết áp, nhưng vì cafein có thể gây ra các vấn đề khác, hãy kiểm tra với bác sĩ trước khi tăng lượng cà phê.
Café giúp người bị huyết áp thấp có thể tăng huyết áp tạm thời
– Từ từ thay đổi vị trí cơ thể. Có thể giảm chóng mặt và hoa mắt xảy ra khi huyết áp thấp tư thế đứng bằng cách chuyển vị trí đứng từ từ. Trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng, cần nằm yên trên giường vài phút và sau đó từ từ ngồi dậy, sau đó ngồi yên vài phút trước khi đứng dậy.
– Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya.
– Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Về phương pháp điều trị, hiện nay chưa có một loại thuốc Tây y nào có hiệu quả lâu dài đối với căn bệnh này mà tùy nguyên nhân cụ thể và hướng điều trị tạm thời bác sĩ sẽ kê một hoặc một vài loại thuốc phối hợp. Trong những trường hợp cấp thiết, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc có tác dụng nâng huyết áp tạm thời như heptaminol, metaraminol…