Đột quỵ hết sức nguy hiểm nếu không có biện pháp xử lý nhanh có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ thường gặp.
Tầm quan trọng của việc nhận biết dấu hiệu đột quỵ
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi lưu lượng máu tới não ngừng lại và các tế bào não trong khu vực này bắt đầu chết. Đột quỵ làm ảnh hưởng tới hoạt động của cả cơ thể.
Xử lý nhanh sau khi có dấu hiệu đột quỵ sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong điều trị. Theo nghiên cứu, được điều trị khẩn cấp trong vòng 1 giờ sau khi có dấu hiệu đột quỵ sẽ ngăn ngừa tàn tật hoặc tử vong cho người bệnh.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, những người được điều trị bằng thuốc làm tan cục máu đông trong vòng 4,5 giờ kể từ khi có triệu chứng sẽ có cơ hội phục hồi cao mà không gây biến chứng. Một số trường hợp đột quỵ có thể cần phẫu thuật để điều trị bệnh.
Khả năng nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ có thể thay đổi cuộc sống của một người, có thể ảnh hưởng tới sự sống và cái chết của họ.
Các dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ
Dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ xuất hiện ở cả nam và nữ như sau:
- Đột ngột cảm thấy yếu hoặc tê ở một bên mặt hoặc một cánh tay hoặc chân
- Giảm khả năng hoạt động, mất cảm giác hoặc không nói được hay không hiểu lời nói của người khác. Các triệu chứng này sẽ trở nên tệ hơn theo thời gian
- Mắt nhìn mờ đột ngột, đặc biệt chỉ ở một mắt
- Mất thăng bằng đột ngột kèm theo nôn, buồn nôn, sốt, nấc cụt hoặc khó nuốt
- Đau đầu nghiêm trọng không rõ nguyên nhân
- Ngất xỉu trong thời gian ngắn
- Chóng mặt hoặc ngã đột ngột mà không rõ nguyên nhân
>> Xem thêm Cách phân biệt dấu hiệu đột quỵ giữa phụ nữ và đàn ông
FAST – Cách nhận diện nhanh người bị đột quỵ
Các chuyên gia dùng từ viết tắt FAST để giúp mọi người dễ nhớ các dấu hiệu của đột quỵ cũng như cách xử trí.
Cụ thể FAST là viết tắt của:
- Face – Khuôn mặt: Hãy bảo người đó mỉm cười xem mặt của họ có bị xệ xuống hay không.
- Arm – Cánh tay: Yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên. Quan sát xem một trong hai cánh tay có bị yếu hoặc chảy xuống hay không.
- Speech – Nói: Yêu cầu người bệnh nói một cụm từ đơn giản. Hãy chú ý lắng nghe từ có bị lẩm bẩm hay có âm thanh lạ hay không.
- Time – Thời gian: Đối với người đột quỵ mỗi phút đều rất quý, hãy đưa người bệnh đi cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu trên.
Khi nào người bị đột quỵ cần đi khám?
Nếu bạn hay người thân bên cạnh xuất hiện triệu chứng đột quỵ thì ngay lập tức phải đi bệnh viện ngay. Không được chậm trễ một phút nào bởi điều trị nhanh chóng rất quan trọng giúp người bệnh sống và phục hồi sau đột quỵ.
Gọi cho bác sĩ khi: Triệu chứng đột quỵ thường diễn ra rất nhanh chóng, bạn có thể bị cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), tình trạng tắc nghẽn ngắn dòng máu lên não, hiện tượng thường xảy ra trước khi bị đột quỵ. Đừng bỏ qua dấu hiệu cảnh báo này.
Đến bệnh viện ngay lập tức: Một số phương pháp điều trị đột quỵ chỉ có tác dụng trong vòng vài giờ sau khi có triệu chứng đột quỵ. Điều trị sớm thường giúp ngăn ngừa tử vong và di chứng đột quỵ.
Phải làm gì sau khi đưa người bệnh đột quỵ đi cấp cứu?
Sau khi gọi cấp cứu, bạn nên lưu lại thời gian lần đầu tiên thấy các dấu hiệu đột quỵ. Bác sĩ có thể phải dựa vào các dữ liệu này để có phương pháp điều trị hữu ích nhất.
Một số loại thuốc cần dùng trong vòng 3-4,5 giờ sau khi có triệu chứng đột quỵ để ngăn ngừa tàn tật hoặc tử vong do đột quỵ.
Người trải qua triệu chứng đột quỵ có 24 giờ để điều trị bằng phương pháp loại bỏ cục máu đông cơ học. Phương pháp này gọi là cắt bỏ huyết khối cơ học.
Hãy lưu ý cần suy nghĩ nhanh chóng và hành động sớm để nhận trợ giúp y tế khi thấy bất kỳ dấu hiệu đột quỵ nào.
Đào Tâm