Giải thích lý do trời lạnh dễ bị đột quỵ và 5 cách phòng ngừa tốt nhất

Năm nào cũng thế, mỗi khi trời lạnh là số người nhập viện vì đột quỵ lại tăng cao. Trời lạnh dễ bị đột quỵ, do vậy, ai cũng nên biết cách phòng ngừa.

trời lạnh dễ bị đột quỵ
Trời lạnh dễ bị đột quỵ nên cần phải phòng ngừa cẩn thận

Tại sao trời lạnh dễ bị đột quỵ?

Đột quỵ được chia làm 2 loại: thiếu máu não và xuất huyết não. Trong đó, 85% là do thiếu máu cục bộ, nơi cục máu đông di chuyển đến não và làm ngưng trệ nguồn máu cung cấp cho não; 15% là do xuất huyết, do mạch máu bị vỡ trong não, gây chảy máu.

Trong các tháng mùa Đông lạnh giá, tỷ lệ người bị đột quỵ do thiếu máu não tăng cao hơn. Mới đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đã cảnh báo: Thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 30%. Nhiệt độ giảm đột ngột có thể làm tăng nguy cơ đông máu não gây tử vong.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nhiệt độ bên ngoài giảm 2,9 độ C (5,2 độ F) trong khoảng thời gian 24 giờ, số lượng người bị đột quỵ sẽ tăng 11%. Riêng những người có nguy cơ cao như bị cao huyết áp, thừa cân, béo phì và hút thuốc lá, thì mức tăng là 30%.

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm tăng khả năng đông máu, gây tắc nghẽn trong các động mạch nhỏ nuôi não. Trời lạnh cũng có thể làm cho các mạch máu co lại, làm tăng huyết áp. Khi máu phải đi qua một khe hẹp hơn, có nguy cơ tắc nghẽn có thể hình thành trong các mạch nhỏ xung quanh não.

trời lạnh dễ bị đột quỵ
Thời tiết lạnh làm gia tăng hình thành cục máu đông

Mặc dù chúng ta không thể làm gì để kiểm soát thời tiết, nhưng có rất nhiều cách để giảm nguy cơ đột quỵ.

Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?

Yếu tố nguy cơ

Để phòng ngừa đột quỵ, trước hết cần biết những yếu tố nguy cơ. Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ, tuy nhiên, những đối tượng sau có nguy cơ cao hơn:

  • Huyết áp cao
  • Lười vận động
  • Hút thuốc lá
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Cholesterol cao
  • Mắc bệnh rung tâm nhĩ
  • Mắc bệnh hồng cầu hình liềm
  • Sử dụng thuốc tránh thai
  • Thừa cân, béo phì
  • Mắc các bệnh tim mạch khác
  • Uống nhiều rượu bia
  • Sử dụng ma túy
  • Khó thở khi ngủ
  • Đau nửa đầu
  • Mắc một số bệnh nhiễm trùng
  • Mắc bệnh răng miệng

Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh

Để không còn sợ hãi trời lạnh dễ bị đột quỵ, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

1. Giữ ấm cơ thể

Mọi người nên tập thói quen kiểm tra thời tiết, xem nhiệt độ, độ ẩm, khả năng mưa trong ngày. Bạn có thể xem thời tiết qua tivi, báo, đài tiếng nói hoặc cài App theo dõi nhiệt độ trên điện thoại thông minh. Kiểm tra nhiệt độ mỗi ngày sẽ giúp bạn biết nên mặc quần áo như thế nào là phù hợp.

Ngoài quần áo, bạn cũng nên chú ý giữa ấm mũi, miệng, cổ, gáy, bàn tay và bàn chân. Nên đeo khẩu trang, quàng khăn, đeo găng tay, đi tất để giữ ấm. Phòng ở phải thông thoáng nhưng ấm, không có gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ phải có rèm hoặc kính che gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều.

Nếu trời quá lạnh, có thể dùng điều hòa chế độ ấm, máy sưởi… Tuyệt đối không nên đốt than giữ ấm bởi khí độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

2. Ăn đủ chất

Trời lạnh, cơ thể cần nhiều năng lượng để chống rét. Do vậy, bạn cần ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ chất bột đường, đạm, béo. Thức ăn nên nấu chín kỹ, mềm và dễ tiêu hóa. Buổi sáng và trưa nên ăn đầy đủ, bữa tối có thể ăn nhẹ nhàng. Tránh ăn quá no vào bữa tối vì dễ gây mất ngủ.

Khi chế biến món ăn, nên tránh cho nhiều muối, vì ăn nhiều muối gây tăng huyết áp và bệnh thận. Nên ăn nhiều rau củ quả để tăng lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ…

trời lạnh dễ bị đột quỵ
Ăn nhiều muối dễ gây bệnh tim mạch

Không nên uống rượu để giữ ấm cơ thể vì sẽ gây giãn mạch. Nếu muốn giữ ấm, hãy uống trà thảo mộc, trà gừng hoặc nước chanh mật ong ấm.

3. Chú ý khi tập thể dục

Để tránh bị đột quỵ vào sáng sớm, bạn không nên ra ngoài trời tập thể dục khi thời tiết lạnh. Buổi sáng, sau khi tỉnh dậy, nên ngồi nán lại vài phút trên giường rồi mới thả chân xuống đất. Làm như vậy để máu huyết lưu thông, không bị choáng, chóng mặt và cũng để cơ thể làm quen dần với nhiệt độ trong phòng.

Buổi sáng và buổi tối có thể tập thể dục trong nhà, ở chỗ kín gió, ấm áp. Chỉ nên tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức, không nên tập quá nhiều và quá lâu.

Tập thể dục đều đặn sẽ giúp khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, giúp hệ hô hấp, hệ tiêu mạch và sức khỏe tổng thể tốt hơn.

4. Điều trị các bệnh nền

Người bị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, máu nhiễm mỡ cần đi khám và điều trị bệnh. Bởi người bị những nhóm bệnh này có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn hẳn những người khác. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp của những bệnh tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim…

Mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần 1 năm để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ gây đột quỵ.

trời lạnh dễ bị đột quỵ
Đi khám bệnh định kỳ để ngăn chặn nguy cơ gây đột quỵ

5. Kiểm soát cảm xúc của bản thân

Có không ít người bị bực tức, xúc động quá mức dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Do vậy, mỗi người nên cố gắng học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, giữ tâm lý ổn định, tránh căng thẳng hoặc xúc động quá mức.

Có một vài cách giúp quản lý cảm xúc của bản thân, đó là: Vẽ tranh, đánh đàn, đọc sách, cắm hoa, nấu cơm, làm việc nhà, nghe nhạc… Bạn hãy làm bất kỳ việc gì mà bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn để không bùng nổ cảm xúc.

Vân Anh