Dấu hiệu sỏi thận, cách loại bỏ và phòng ngừa đơn giản nhất

Sỏi thận là một trong những căn bệnh thận tiết niệu phổ biến nhất, nhưng ít người để ý cho đến khi những viên sỏi gây ra cơn đau quặn thắt. Tìm hiểu cách loại bỏ và ngăn ngừa sỏi thận.

Dấu hiệu sỏi thận
Sỏi thận là một trong những căn bệnh thận tiết niệu phổ biến nhất

Tìm hiểu các loại sỏi thận

Sỏi thận là sỏi tiết niệu phổ biến nhất. Ngoài thận, sỏi còn có thể hình thành ở một số cơ quan khác như niệu quản, bàng quang, niệu đạo…

Sỏi thận là những khối rắn được tạo thành từ các tinh thể. Không phải tất cả sỏi thận đều được tạo thành từ các tinh thể giống nhau. Các loại sỏi thận phổ biến gồm:

Sỏi canxi

Sỏi canxi thường được tạo thành từ canxi oxalat, cả canxi photphat hoặc maleat. Ăn ít thực phẩm giàu oxalat hơn có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện loại sỏi này. Thực phẩm giàu oxalat bao gồm: khoai tây chiên, đậu phộng, socola, rau chân vịt.

Mặc dù một số viên sỏi thận được tạo thành từ canxi, nhưng việc bổ sung đủ canxi trong chế độ ăn uống lại có thể giúp ngăn ngừa hình thành sỏi.

Sỏi axit uric

Đây là loại sỏi thận phổ biến thứ hai. Chúng có thể xảy ra ở những người bị bệnh gút, tiểu đường, béo phì và các loại hội chứng chuyển hóa khác.

Loại sỏi này phát triển khi nước tiểu quá chua. Chế độ ăn giàu purine có thể làm tăng mức độ axit trong nước tiểu. Purine là một chất không màu trong protein động vật, chẳng hạn như cá, động vật có vỏ và thịt.

Sỏi struvite

Loại sỏi này chủ yếu được tìm thấy ở những người bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs). Những viên sỏi này có thể lớn và gây tắc nghẽn đường tiểu.

Sỏi struvite là hậu quả của nhiễm trùng thận. Điều trị nhiễm trùng có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của sỏi struvite.

Sỏi cystine

Khoảng 1 trong 7.000 người trên thế giới bị sỏi cystine. Chúng xảy ra do rối loạn di truyền cystin niệu. Với loại sỏi này, cystine – một loại axit tự nhiên trong cơ thể – bị rò rỉ từ thận vào nước tiểu.

Dấu hiệu sỏi thận
Các loại sỏi thận phổ biến nhất

Các triệu chứng và dấu hiệu sỏi thận

Các triệu chứng của sỏi thận có thể không xảy ra cho đến khi sỏi bắt đầu di chuyển xuống niệu quản, gây ra cơn đau dữ dội, quặn thắt ở một bên lưng hoặc bụng. Ở nam giới, cơn đau có thể lan đến vùng bẹn.

Các dấu hiệu sỏi thận gồm:

  • Tiểu ra máu (nước tiểu đỏ, hồng hoặc nâu)
  • Nước tiểu đổi màu hoặc có mùi hôi
  • Nôn mửa, buồn nôn
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Muốn đi tiểu thường xuyên
  • Đi tiểu chỉ một lượng ít ỏi

Nguyên nhân gây ra sỏi thận

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây sỏi thận:

  • Uống ít nước
  • Béo phì
  • Chế độ ăn uống có nhiều protein, muối hoặc glucose
  • Tình trạng cường tuyến cận giáp
  • Đã từng phẫu thuật dạ dày
  • Bệnh viêm ruột làm tăng hấp thu canxi
  • Dùng thuốc như thuốc lợi tiểu triamterene, thuốc chống co giật và thuốc kháng axit

Cách kiểm soát cơn đau do sỏi thận

Sỏi thận có thể gây đau đớn và khó chịu. Người bệnh nên dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen, để giúp giảm các triệu chứng.

Đối với những cơn đau dữ dội, bác sĩ cũng có thể tiêm thuốc chống viêm, chẳng hạn như ketorolac (Toradol).

Để giảm đau khi có dấu hiệu sỏi thận, cũng có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên khác là tắm nước nóng, hoặc chườm ấm lên vùng đang bị đau.

Dấu hiệu sỏi thận
Chườm ấm lên vùng lưng bị đau do sỏi thận giúp giảm đau

Các giai đoạn viên sỏi thận nhỏ tự di chuyển ra ngoài

Giai đoạn 1: Sau khi hình thành sỏi thận, người bệnh có thể bị đau khi thận cố gắng đẩy sỏi ra ngoài. Điều này có thể gây ra cơn đau dữ dội ở lưng hoặc bên hông, có thể đến và đi theo từng đợt.

Giai đoạn 2: Trong giai đoạn này, sỏi đi vào niệu quản, đây là ống nối thận với bàng quang. Tùy thuộc vào kích thước của sỏi, giai đoạn này cũng có thể gây ra cảm giác đau và áp lực dữ dội.

Giai đoạn 3: Khi sỏi đã đến bàng quang, hầu hết các cơn đau sẽ giảm dần. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy áp lực trong bàng quang tăng lên và phải đi tiểu thường xuyên hơn. Trong một số trường hợp, sỏi có thể tạm thời bị kẹt ở lỗ niệu đạo, có thể cản trở dòng chảy của nước tiểu.

Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối cùng xảy ra khi sỏi đã lọt vào niệu đạo. Trong giai đoạn này, người bệnh cần phải rặn mạnh để tống viên sỏi ra ngoài theo đường nước tiểu qua lỗ niệu đạo.

Mất bao lâu để hết sỏi thận?

Khoảng thời gian để tiêu sỏi thận có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước của sỏi. Nói chung, những viên sỏi nhỏ có thể đi qua nước tiểu trong vòng 1-2 tuần. Những viên sỏi lớn hơn có thể mất 2-3 tuần để di chuyển qua thận vào bàng quang.

Những viên sỏi không tự biến mất trong vòng 4 tuần thường cần được điều trị.

Làm thế nào để điều trị sỏi thận?

Phương pháp điều trị sỏi thận phụ thuộc vào loại sỏi.

Uống nhiều nước

Uống 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày khi có dấu hiệu sỏi thận làm tăng lượng nước tiểu, giúp hỗ trợ đào thải sỏi ra ngoài.

Thuốc

Nếu cơn đau quá trầm trọng có thể cần dùng thuốc giảm đau. Nếu nhiễm trùng gây sỏi thận thì cần phải dùng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, các loại thuốc khác có thể được chỉ định gồm:

  • Allopurinol (Zyloprim) để trị sỏi axit uric
  • Thuốc lợi tiểu thiazide để ngăn ngừa hình thành sỏi canxi.
  • Natri bicacbonat hoặc natri xitrat để làm cho nước tiểu ít có tính axit hơn.
  • Phospho để ngăn ngừa hình thành sỏi canxi.
  • Ibuprofen, Acetaminophen, Naproxen natri để giảm đau.

Tán sỏi

Tán sỏi bằng sóng xung kích từ bên ngoài cơ thể để phá vỡ những viên sỏi lớn để chúng có thể dễ dàng đi xuống niệu quản vào bàng quang.

Quy trình này có thể gây khó chịu, thậm chí có thể gây ra vết bầm tím trên bụng và lưng, chảy máu quanh thận và các cơ quan lân cận.

Dấu hiệu sỏi thận
Tán sỏi bằng sóng xung kích để phá vỡ những viên sỏi lớn

Phẫu thuật

Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ sỏi qua một vết rạch nhỏ ở lưng. Phẫu thuật được chỉ định khi:

  • Sỏi gây tắc nghẽn, nhiễm trùng hoặc làm hỏng thận
  • Viên sỏi quá lớn không thể tự di chuyển xuống
  • Đau dữ dội

Nội soi niệu quản

Khi một viên sỏi bị mắc kẹt trong niệu quản hoặc bàng quang, bác sĩ có thể sử dụng ống soi niệu quản để loại bỏ nó. Một sợi dây nhỏ có gắn camera được đưa vào niệu đạo và đi vào bàng quang. Sau đó, bác sĩ sử dụng một dụng cụ nhỏ để gắp sỏi và lấy nó ra.

Làm thế nào để ngăn ngừa sỏi thận?

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước là một biện pháp phòng ngừa chính. Bạn nên uống nhiều nước để thải ra ít nhất 2,5 lít nước tiểu mỗi ngày. Tăng lượng nước tiểu sẽ giúp thải độc thận.

Nếu sỏi liên quan đến nồng độ citrate thấp, nước ép citrate có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi.

Thay đổi chế độ ăn uống

Ăn thực phẩm giàu oxalat một cách điều độ và giảm lượng muối và protein động vật cũng có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi thận.

Dưới đây là một số loại thực phẩm cần hạn chế:

  • Thịt bò, thịt gà, thịt lợn, nội tạng động vật
  • Động vật có vỏ
  • Trứng
  • Sữa, phô mai, sữa chua
  • Thịt chế biến sẵn, thức ăn nhanh
  • Món ăn đông lạnh
  • Đồ ăn nhẹ quá mặn

Protein động vật như thịt, gia cầm, hải sản và các sản phẩm từ sữa có thể làm tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy, nên cố gắng hạn chế những thực phẩm này.

Vân Anh