Bạn vô tình phát hiện tình trạng có vi khuẩn trong nước tiểu (hay còn gọi là nhiễm khuẩn niệu) ở lần khám sức khỏe định kỳ mà bạn không hề có bất kỳ triệu chứng gì bất thường? Khoan hãy lo lắng! Có thể bạn không cần áp dụng bất kỳ biện pháp nào để điều trị tình trạng này.
Nhiễm khuẩn tiết niệu không triệu chứng là gì?
Nhiễm khuẩn tiết niệu không triệu chứng là tình trạng phân lập được vi khuẩn từ mẫu nước tiểu của người không hề có bất kỳ triệu chứng gì của viêm đường tiết niệu như: đau thắt lưng, tiểu buốt, tiểu khó, tiểu rắt, tiểu són… Tình trạng này khá phổ biến, nhưng hầu hết người bệnh đều không gặp biến chứng nguy hiểm gì. Chỉ một số trường hợp mới cần sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.
- Phụ nữ có thai
- Người bệnh sẽ trải qua phẫu thuật/ thủ thuật đường tiết niệu dự kiến làm tổn thương niêm mạc gây chảy máu
- Người bệnh ghép thận.
>> Xem thêm Đi tiểu nhiều lần trong ngày là mắc bệnh gì?
Ngưỡng giá trị về số lượng vi khuẩn
Để chẩn đoán nhiễm khuẩn niệu thì số lượng vi khuẩn trong nước tiểu cần đủ lớn (giá trị ngưỡng) để phân biệt vi khuẩn khu trú tại bàng quang hay chỉ là vi khuẩn quần cư tại niệu đạo (đường dẫn nước tiểu), âm đạo hoặc nhiễm từ phân. Tiêu chuẩn chẩn đoán có thể khác nhau tùy thuộc vào cách lấy mẫu nước tiểu.
- Lấy nước tiểu từ dòng tiểu tự nhiên: cần phân lập 1 loại vi khuẩn với số lượng ≥ 105 CFU/ml. Với nam giới, chỉ cần 1 lần xét nghiệm nước tiểu với kết quả như trên đã đủ tiêu chuẩn để đưa ra chẩn đoán. Tuy nhiên, đối với nữ giới, nên tiến hành thêm 1 lần xét nghiệm tương tự (trong vòng 2 tuần) để khẳng định sự phát triển ổn định của cùng một loại vi khuẩn, mà không phải là sự lây nhiễm tạm thời.
- Lấy nước tiểu qua catheter (ống thông tiểu): cần phân lập 1 loại vi khuẩn với số lượng ≥ 105 CFU/ml. Tuy ngưỡng xác định ở cách lấy mẫu này không khác với cách lấy mẫu từ dòng tiểu trực tiếp, tuy nhiên, biện pháp này có độ chính xác cao hơn và không cần lặp lại xét nghiệm để khẳng định.
Tại sao không cần điều trị nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng?
Theo khuyến cáo của Hiệp hội các bệnh nhiễm khuẩn Hoa Kỳ (IDSA) năm 2019, không sàng lọc để điều trị nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng, trừ một số trường hợp đặc biệt như: phụ nữ có thai, bệnh nhân có kế hoạch phẫu thuật/thủ thuật đường tiết niệu, bệnh nhân ghép thận. Khuyến cáo trên xuất phát từ 2 lý do chính như sau:
Tính chất nhẹ của bệnh:
Nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng nhìn chung không gây nên các tình trạng tiến triển nặng, không gây những biến cố bất lợi kéo dài như bệnh thận mạn. Một nghiên cứu thực hiện trên 600 phụ nữ mắc đái tháo đường, tình trạng có nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng không liên quan tới sự suy giảm chức năng thận và tăng huyết áp sau 6 năm theo dõi.
Thiếu lợi ích điều trị
Việc điều trị nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng hầu như không mang lại lợi ích, kể cả với những người có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như: người cao tuổi, người bệnh dự kiến phẫu thuật không liên quan đến hệ tiết niệu, người bệnh đái tháo đường, người bệnh có đặt thông tiểu, người bệnh chấn thương tủy sống.
Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng ở nhóm bệnh nhân này không làm giảm tần suất nhiễm khuẩn có triệu chứng cũng như trong việc phòng các biến cố bất lợi. Các nghiên cứu đã cho thấy, vi khuẩn niệu lại tái phát trở lại ở khoảng ½ số bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh. Bên cạnh đó, vi khuẩn niệu có thể tự giảm số lượng xuống dưới ngưỡng chẩn đoán ở nhóm không điều trị.
Ngay cả với những người suy giảm hệ miễn dịch (do bệnh lý hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch) cũng không có nguy cơ cao hơn gặp biến cố bất lợi khi không điều trị nhiễm trùng niệu không triệu chứng. Nghiên cứu tiến hành với 260 người bệnh có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, sau 12 tháng theo dõi, tỉ lệ xuất hiện nhiễm trùng đường niệu có triệu chứng không khác biệt có ý nghĩa thống kê ở nhóm điều trị so với nhóm không điều trị, không có trường hợp nào xuất hiện nhiễm khuẩn huyết hay viêm đài bể thận cần nhập viện điều trị.
Tài liệu tham khảo:
Uptodate: “Asymptomatic bacteriuria in adults”, last updated: Oct 10, 2019