Bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tổn thương thận, loét bàn chân và các bệnh về mắt như bệnh võng mạc, phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp… gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
Bệnh đái tháo đường có thể gây biến chứng trên mắt dẫn tới mù lòa
Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng tới mắt như thế nào?
Bệnh đái tháo đường làm tổn thương mắt nếu nồng độ đường trong máu ở mức cao. Khi nồng độ đường trong máu cao sẽ làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào các mô gây phù nề. Từ đó gây biểu hiện nhìn mờ. Tình trạng này chỉ là tạm thời và thị lực sẽ hồi phục khi đường huyết trở về mức bình thường.
Tuy nhiên, nếu tình trạng tăng đường huyết kéo dài theo thời gian, sẽ phá hủy những mao mạch nhỏ trong mắt. Sự phá hủy này có thể bắt đầu từ thời kỳ tiền đái tháo đường – khi đường huyết cao hơn ngưỡng bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán đái tháo đường.
Khi mạch máu bị phá hủy sẽ dẫn đến thoát mạch và sưng nề kéo dài, đồng thời, cơ thể sẽ hình thành cơ chế bù trừ bằng cách tăng tạo mạch máu mới. Tuy nhiên, những mạch máu này rất mảnh và yếu, dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết, tạo sẹo hoặc tạo áp lực cao bên trong mắt.
Các bệnh mắt do đái tháo đường có phổ biến không?
Bệnh võng mạc đái tháo đường
Trên 30% người bệnh đái tháo đường tuổi trên 40 có dấu hiệu của bệnh võng mạc. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất thị lực ở người bệnh đái tháo đường. Phát hiện và điều trị sớm bệnh võng mạc do đái tháo đường có thể giảm nguy cơ mù lòa tới 95%.
Tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể
Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể tăng cao gấp đôi so với những người bình thường.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh mắt do đái tháo đường?
Bất kỳ người bệnh đái tháo đường nào cũng đều có khả năng gặp các biến chứng trên mắt. Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh về mắt cao hơn nếu:
- Không kiểm soát tốt đường huyết;
- Không kiểm soát tốt huyết áp;
- Tăng cholesterol máu;
- Hút thuốc lá.
Nếu bạn mang thai khi đã bị đái tháo đường trước đó, bạn có thể sớm xuất hiện các tổn thương ở mắt. Nếu bạn đã bị bệnh võng mạc do đái tháo đường, tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn trong thai kỳ. Những thay đổi trong giai đoạn này sẽ làm tăng áp lực lên mạch máu tại mắt, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương. Bạn cần kiểm tra mắt thường xuyên để có hướng điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ bị đái tháo đường thai kỳ, tức là tình trạng tăng đường huyết chỉ xảy ra khi bạn mang thai thì hầu như không gây ra các biến chứng ở mắt.
Triệu chứng của bệnh mắt do đái tháo đường
Ở giai đoạn sớm của bệnh, bạn sẽ không có bất kỳ triệu chứng gì như đau hay nhìn mờ. Ở giai đoạn muộn, bạn có thể có các triệu chứng như:
- Nhìn mờ, nhìn gợn song;
- Thu hẹp tầm nhìn hoặc mất thị lực;
- Nhìn thấy đốm đen hoặc chuỗi đen (hay còn gọi là “thể nổi”);
- Hiện tượng chớp sáng ở mắt.
Cách phòng ngừa các bệnh mắt do đái tháo đường
Bạn có thể ngăn ngừa những biến chứng ở mắt hoặc làm chậm quá trình tổn thương bằng việc kiểm soát tốt tình trạng bệnh đái tháo đường. Cụ thể như sau:
- Kiểm soát đường máu, huyết áp và cholesterol máu;
- Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt;
- Kiểm tra mắt định kỳ hằng năm.
Những tổn thương mắt ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Việc kiểm tra mắt định kỳ tại cơ sở y tế sẽ giúp phát hiện và điều trị sớm những tổn thương này.
Tài liệu tham khảo
1. “Diabetic Eye Disease”, National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, accessed date: 20th Nov 2019
2. “Diabetes, Heart Disease, and Stroke”, National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, accessed date: 20th Nov 2019