Tiền tiểu đường – Nhận biết sớm để tránh nguy cơ tiểu đường tuýp 2

Tiền tiểu đường được cho là giai đoạn trước khi chuyển sang mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2. Dấu hiệu nhận biết tiền tiểu đường. Cách thay đổi lối sống và chế độ ăn để ngừa bệnh tiến triển.

Tiền tiểu đường
Tiền tiểu đường là giai đoạn trước khi bị mắc phải tiểu đường tuýp 2

Tiền tiểu đường là gì?

Tiền tiểu đường là khi lượng đường trong máu cao hơn ngưỡng bình thường nhưng chưa đủ cao để bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường. Bác sĩ có thể gọi tình trạng này là rối loạn đường huyết lúc đói hoặc rối loạn dung nạp glucose.

Người mắc tiểu đường tuýp 2 hầu hết sẽ có một giai đoạn tiền tiểu đường trước đó. Tuy nhiên, giai đoạn này thường không xuất hiện triệu chứng rõ rệt. Theo thống kê ở Hoa Kỳ, có tới 84 triệu người trên 20 tuổi bị tình trạng này mà 90% trong các trường hợp này không nhận thức được điều đó.

Điều trị tiền tiểu đường có mục tiêu là ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2, các vấn đề về tim, mạch máu, mắt và thận.

Một số triệu chứng của tiền tiểu đường

Dù hiếm xuất hiện triệu chứng nhưng người bị tiền tiểu đường có thể xuất hiện:

  • Khát nước hơn so với bình thường.
  • Đi tiểu nhiều hơn
  • Tầm nhìn bị mờ
  • Dễ bị mệt hơn thường ngày rất nhiều.

Nguyên nhân dẫn tới tiền tiểu đường và các yếu tố nguy cơ

Tiền tiểu đường
Phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ cần đề phòng nguy cơ tiền tiển đường

Bạn có nhiều khả năng bị bệnh nếu:

  • Lớn tuổi, đặc biệt với người trên 45 tuổi
  • Có vòng eo lớn hơn 100cm đối với nam giới và khoảng 85cm đối với nữ
  • Ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, uống đồ uống có đường và ăn ít trái cây, rau, quả, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Lười tập thể dục
  • Người từng bị tiểu đường thai kỳ hoặc sinh em bé nặng quá 4kg
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ, như ngưng thở khi ngủ

Khi đi xét nghiệm tiểu đường nếu như bạn có nguy cơ cao mắc bệnh hoặc bạn từng gặp phải:

  • Từng có kết quả đo lượng đường trong máu bất thường.
  • Bị bệnh tim
  • Có dấu hiệu kháng insulin, nghĩa là cơ thể bạn có tạo ra insulin nhưng không phản ứng với insulin như bình thường. Có một số dấu hiệu như xuất hiện vùng da tối màu, khó tập trung, mệt mỏi và đói hơn bình thường.

Xét nghiệm và chẩn đoán tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường
Xét nghiệm máu là cách chính xác nhận xác định bạn có bị tiền tiểu đường hay không?

Để kết luận chính xác bạn có bị bệnh không thì cần làm ít nhất một trong các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói

Bạn cần nhịn ăn trong vòng 8 giờ trước khi lấy máu, sau đó kỹ thuật viên sẽ lấy máu của bạn để kiểm tra lượng đường. Kết quả:

  • Bình thường, nếu lượng đường trong máu của bạn dưới 100mg mỗi decilit (mg/dL)
  • Tiền tiểu đường, nếu lượng đường trong máu của bạn từ 100 tới 125 mg/dL
  • Tiểu đường nếu lượng đường trong máu của bạn từ 126 mg/dL trở lên.

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống

Đầu tiên, bạn sẽ được kiểm tra đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn sẽ uống nước pha đường. Hai giờ sau đó, kỹ thuật viên sẽ lấy máu và xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán:

  • Bình thường, nếu lượng đường trong máu của bạn dưới 140 mg/dL sau lần kiểm tra thứ hai.
  • Tiền tiểu đường, nếu lượng đường trong máu của bạn từ 140 – 199 mg/dL sau lần kiểm tra thứ 2.
  • Bạn mắc tiểu đường tuýp 2, nếu lượng đường trong máu của bạn hơn 200 mg/dL.

Xét nghiệm Hemoglobin A1c

Xét nghiệm máu này cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong 2 – 3 tháng. Bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm này đối với người bị tiểu đường để xem rằng lượng đường trong máu của họ có được kiểm soát tốt hay không. Họ cũng có thể dùng xét nghiệm này để chẩn đoán bệnh.

Cách đọc kết quả như sau:

  • Bạn bình thường, nếu xét nghiệm là dưới 5,6%
  • Bị tiền tiểu đường, nếu kết quả từ 5,7 đến 6,4%
  • Mắc bệnh tiểu đường, nếu kết quả cao hơn 6,5%

Biến chứng tiền tiểu đường

Tuy đây là bệnh không cần phải yêu cầu dùng thuốc thường xuyên để kiểm soát lượng đường trong máu như tiểu đường tuýp 2, nhưng khi mắc phải bạn cũng đứng trước một số nguy cơ:

Tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2 – một bệnh mãn tính, cần phải sử dụng thuốc thường xuyên để kiểm soát lượng đường trong máu.

  • Bệnh thận
  • Nguy cơ mất thị lực
  • Huyết áp cao
  • Các vấn đề về thần kinh
  • Mất chi

Phương pháp điều trị để chữa khỏi tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường
Tập thể dục thường xuyên phần nào giúp đảo ngược lại tình trạng tiền tiểu đường

Khi phát hiện mình đang gặp tình trạng này, bạn hãy thực hiện ngay một số bước sau để đảo ngược kết quả:

  • Ăn chế độ ăn lành mạnh và giảm cân: Giảm từ 5 – 10% trọng lượng cơ thể là cách tạo ra sự khác biệt khá lớn.
  • Tập thể dục mỗi ngày: Hãy chọn một bộ môn thể thao bạn ưa thích, có thể là: đi bộ, đạp xe, tập aerobic… Cố gắng dành mỗi ngày 30 phút, 5 ngày mỗi tuần để luyện tập. Bạn có thể bắt đầu tập với thời lượng ít hơn và dần dần tăng thời gian tập mỗi ngày nếu cần.
  • Ngừng hút thuốc lá
  • Kiểm soát huyết áp và lượng cholesterol của mình
  • Sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết: như thuốc metformin (Glucophage) để giảm lượng đường trong máu nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Có chế độ ăn riêng cho người tiền tiểu đường không?

Tiền tiểu đường
Thay đổi chế độ ăn có ý nghĩa quan trọng đối với người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Người bị tiền tiểu đường thực tế là chưa mắc bệnh nên không có chế độ ăn kiêng dành riêng cho đối tượng này. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số cách lựa chọn thực phẩm để đảo ngược tình trạng này như sau:

  • Chọn ăn ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt thay vì các tinh bột tinh chế như bánh mì trắng, khoai tây và ngũ cốc ăn sáng.
  • Uống cà phê, nước và trà thay vì các loại đồ uống có đường.
  • Chọn chất béo tốt cho sức khỏe như dầu thực vật, dầu quả hạnh và hạt thay vì chất béo trong bơ thực vật, bánh nướng và các đồ ăn chiên rán.
  • Giảm ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn thay vào đó chọn ăn các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm và cá.

Phòng ngừa mắc phải tiền tiểu đường

Tập thể dục thường xuyên và ăn các loại thực phẩm ít carbohydrate, đường, chất béo và muối cũng sẽ giúp bạn ngừa tình trạng này. Một số mẹo khác bao gồm:

  • Không hút thuốc lá
  • Không uống quá 1 ly rượu mỗi ngày
  • Uống thuốc hạ đường huyết theo chỉ định của bác sĩ

Đào Tâm