Các dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim ở phụ nữ

Phụ nữ có tỷ lệ sống sót sau cơn đau tim thấp hơn nam giới. Ngoài ra cấu tạo sinh học của nữ giới cũng tạo ra các yếu tố nguy cơ khác biệt so với nam giới. Nhận biết các triệu chứng của cơn đau tim ở phụ nữ có thể giúp người bệnh được điều trị kịp thời.

Đau tim ở phụ nữ
Đau tim ở phụ nữ có tỷ lệ tử vong cao hơn nam giới

Các triệu chứng đau tim ở phụ nữ

Đau ngực

Nhiều người cho rằng một cơn đau tim sẽ diễn ra đột ngột. Nhưng các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có thể trải qua các triệu chứng trong vài tuần trước khi bị đau tim.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2003 thực hiện trên 515 phụ nữ từng trải qua cơn đau tim, báo cáo rằng 80% phụ nữ có ít nhất 1 triệu chứng trong vòng ít nhất 4 tuần trước khi bị đau tim.

Các triệu chứng có thể diễn ra liên tục hoặc đến rồi đi, và cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ.

Đau tim ở phụ nữ
Đau ngực là triệu chứng phổ biến nhất của cơn đau tim

Cơn đau ngực cảnh báo đau tim ở phụ nữ khác với nam giới ở chỗ cơn đau giống như bị ép chặt hoặc căng đầy, nhức nhối. Cơn đau có thể ở bất cứ đâu trong ngực, không chỉ ở bên trái.

Mệt mỏi quá độ hoặc bất thường

Tình trạng mệt mỏi thường xảy đến trước một vài tuần hoặc ngay trước cơn đau tim. Ngay cả những hoạt động đơn giản không cần gắng sức nhiều cũng có thể gây kiệt sức.

Sức yếu

Cảm thấy yếu sức hoặc run rẩy là một triệu chứng cấp tính phổ biến của cơn đau tim ở phụ nữ. Sự suy yếu và run rẩy này có thể kèm theo các triệu chứng: lo lắng, chóng mặt, ngất xỉu, cảm thấy lâng lâng.

Khó thở

Khó thở hoặc thở nặng nhọc ngay cả khi không gắng sức, đặc biệt khi khó thở kèm theo mệt mỏi hoặc đau ngực, cũng cảnh báo các vấn đề về tim. Một số phụ nữ có thể cảm thấy khó thở khi nằm, triệu chứng sẽ giảm bớt khi ngồi thẳng.

Đau tim ở phụ nữ
Khó thở có thể diễn ra khi nằm

Đổ mồ hôi

Đổ mồ hôi quá nhiều mà không có nguyên nhân là một dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim ở phụ nữ.

Đau phần trên cơ thể

Triệu chứng này thường không rõ ràng và khó nhận biết bộ phận nào trên cơ thể bị đau nhức. Các khu vực có thể bị ảnh hưởng bao gồm: cổ, quai hàm, lưng trên hặc cánh tay. Cơn đau có thể bắt đầu ở một vùng và dần dần lan sang những vùng khác, hoặc có thể đột ngột.

Rối loạn giấc ngủ

Khó ngủ và thức giấc bất thường có thể là những vấn đề trước cơn đau tim. Gần một nửa số phụ nữ trong nghiên cứu năm 2003 cho biết họ gặp vấn đề với giấc ngủ trong những tuần trước khi họ bị đau tim. Những xáo trộn về giấc ngủ này có biểu hiện như: khó ngủ, thức giấc bất thường suốt đêm, cảm thấy mệt mỏi mặc dù đã ngủ đủ giấc.

Các vấn đề về dạ dày

Một số phụ nữ có thể cảm thấy đau hoặc áp lực trong dạ dày trước khi lên cơn đau tim. Các triệu chứng tiêu hóa khác liên quan đến cơn đau tim có thể bao gồm: khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa.

Triệu chứng toàn thân sau mãn kinh

Nguy cơ đau tim tăng lên do lượng estrogen giảm sau khi mãn kinh. Các triệu chứng đau tim sau mãn kinh bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Đau ngực dữ dội
  • Đổ mồ hôi mà không hoạt động nhiều.

Các yếu tố nguy cơ gây cơn đau tim ở phụ nữ

  • Tuổi tác: Những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị đau tim cao hơn. Điều này có thể là do suy giảm hormone nội tiết tố nữ có ảnh hưởng đến tim mạch.
  • Tiền sử gia đình: Đau tim cũng có tính chất di truyền trong gia đình.
  • Có vấn đề về sức khỏe: Một số tình trạng như huyết áp cao và cholesterol cao làm tăng nguy cơ đau tim ở cả nam và nữ. Những người mắc các bệnh lý, bao gồm bệnh tiểu đường, béo phì và rối loạn tự miễn dịch có nhiều khả năng bị đau tim hơn. Các bệnh như lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang, hoặc tiền sử tiền sản giật khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ bị đau tim.
Đau tim ở phụ nữ
Phụ nữ bị buồng trứng đa nang có nguy cơ bị đau tim cao hơn
  • Lối sống: Sử dụng thuốc lá hoặc thuốc kích thích, chẳng hạn như cocaine hoặc amphetamine, lối sống ít vận động hoặc mức độ căng thẳng cao đều sẽ làm tăng nguy cơ đau tim.

Bị đau tim thế nào thì nên đi khám?

Đi khám sức khỏe định kỳ là việc nên thực hiện để xác định sớm các yếu tố nguy cơ để có thể điều trị. Can thiệp sớm làm giảm nguy cơ mắc phải các biến cố liên quan đến tim.

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy các dấu hiệu cảnh báo của cơn đau tim sau đây, hãy đi khám ngay lập tức:

  • Mệt mỏi bất thường
  • Hụt hơi
  • Đau phần trên cơ thể

Bác sĩ sẽ lưu ý các triệu chứng, kiểm tra huyết áp và nhịp tim, đồng thời có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc sử dụng điện tâm đồ (EKG) để kiểm tra hoạt động của tim.

DS Phan Thu Hiền