Cẩm nang bệnh nhồi máu não: Phát hiện, điều trị và phòng ngừa

Bệnh nhồi máu não là một tai biến vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vậy cần làm gì để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và ngăn ngừa tái phát?

bệnh nhồi máu não
Nhồi máu não nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong

Bệnh nhồi máu não là gì?

Hiện nay, số người bị nhồi máu não liên tục gia tăng, cứ mỗi 100.000 người sẽ có khoảng 130 người mắc nhồi máu não mỗi năm. Đây là bệnh lý xảy ra khi động mạch não bị hẹp, tắc nghẽn giảm cung cấp máu lên não. Nếu không được khắc phục kịp thời dẫn đến hoại tử não do thiếu oxy và glucose. Thời gian cấp cứu bệnh nhồi máu não càng chậm nguy cơ hoại tử càng cao. Phần não đã bị hoại tử rất khó hoặc không thể phục hồi gây ra các rối loạn chức năng hoặc tử vong.

Nhồi máu não và xuất huyết não là hai thể bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ) với những triệu chứng tương đối giống nhau. Nhưng khác với nhồi máu não, xuất huyết não là hiện tượng vỡ mạch máu gây chảy máu và tổn thương não, nhồi máu chiếm khoảng 80% các trường hợp tai biến. Nhìn chung, nhồi máu não rất nguy hiểm nhưng vẫn có khả năng chữa khỏi, trong khi xuất huyết não dễ dẫn đến tử vong hoặc tàn phế hơn.

Nguyên nhân gây nhồi máu não

Nhồi máu não có thể do huyết khối ở động mạch não hoặc do tắc mạch.

  • Huyết khối động mạch não: xuất phát từ tổn thương thành mạch tại chỗ, sau đó tổn thương lớn dần lên rồi gây hẹp hoặc tắc động mạch não.
  • Tắc mạch: cục tắc bắt nguồn từ hệ thống tim mạch từ tim hay mảng xơ vữa, hoặc ngoài tim như bóng khí, tổ chức dập nát phần mềm của cơ thể, theo hệ thống tuần hoàn lên não, đến nơi động mạch hẹp hơn kích thước của nó sẽ mắc lại và gây tắc nghẽn.
bệnh nhồi máu não
Nhồi máu não do tắc mạch máu não

Triệu chứng bệnh nhồi máu não

Triệu chứng của nhồi máu não khá đa dạng và có thể khác nhau tùy vào vùng bị tắc nghẽn, nhưng đa số bệnh nhân có thể có những biểu hiện điển hình, người nhà cần để ý để đưa người bệnh đi cấp cứu ngay. Các biểu hiện này được tóm gọn dễ nhớ trong chữ “FAST”:

  • Face (mặt): bệnh nhân cười hoặc nhe răng, một bên không cử động.

Thường bệnh nhân liệt nửa dưới một bên mặt, miệng và nhân trung bị lệch, méo sang một bên, miệng không thể khép chặt làm giọng nói hơi khó nghe, khi ăn uống thức ăn có thể chảy sang bên liệt. Liệt mặt toàn bộ một bên với biểu hiện mắt nhắm không kín có thể là biểu hiện của liệt Bell do viêm dây thần kinh sọ số 7, cần phân biệt trong đột quỵ.

  • Arm (tay): cánh tay một bên yếu hơn bên kia khi đồng thời giơ cả hai tay lên.

Mức độ liệt nửa người từ mức nhẹ với biểu hiện giảm khả năng vận động tay chân, không giữ thẳng được tay khi đưa ra phía trước, đến mức nặng hơn liệt hoàn toàn không cử động được.

  • Speech (lời nói): nói líu lưỡi, dùng từ không thích hợp hoặc không thể nói.
  • Time (thời gian): nếu bệnh nhân có các triệu chứng trên thì cần đưa tới bệnh viện ngay, càng sớm càng tốt và ghi nhớ thời gian khởi phát triệu chứng.
bệnh nhồi máu não
Chữ FAST – các biểu hiện nhồi máu não

Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể kèm theo một số biểu hiện khác như:

  • Nuốt khó
  • Chóng mặt, buồn nôn, nôn
  • Giảm thị lực
  • Đau đầu
  • Co giật, hôn mê
  • Rối loạn ý thức

Chẩn đoán nhồi máu não

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán nhồi máu não dựa trên cả triệu chứng lâm sàng kết hợp kết quả từ các xét nghiệm hỗ trợ. Các xét nghiệm cần thiết có thể được yêu cầu gồm:

  • CT scan não: được chỉ định đầu tiên để loại trừ nguyên nhân xuất huyết não và các hình ảnh tắc mạch máu.
  • Chụp cộng hưởng từ não (MRI): thường tiến hành sau CT do mất thời gian, có thể làm chậm thời gian vàng điều trị nhưng sẽ giúp chẩn đoán rõ ràng hơn.

Đối tượng có nguy cơ bị nhồi máu não

Những đối tượng sau có nguy cơ bị nhồi máu não cao hơn so với những người khác:

  • Người bị tăng huyết áp
  • Người bị đái tháo đường
  • Người bị bệnh mạch máu não
  • Người bị rối loạn đông máu
  • Người bị rối loạn lipid máu

Các bệnh lý này làm gia tăng hình thành huyết khối hoặc có tổn thương động mạch não.

Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, béo phì, ít vận động, căng thẳng, lo lắng cũng là những yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não ngay cả với người trẻ tuổi.

Nhồi máu não để lại những di chứng gì?

Nếu không được điều trị kịp thời, vùng não hoại tử mất chức năng sẽ để lại nhiều di chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Di chứng liệt vận động

Sau nhồi máu não, bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng liệt chân tay hoặc nửa người gây hạn chế vận động, cản trở các sinh hoạt thường ngày, không thể tự chủ cuộc sống.

Nếu nằm lâu có thể có những biến chứng khác bao gồm: viêm đường tiết niệu, loét do nằm nhiều, nhiễm trùng da.

bệnh nhồi máu não
Nhồi máu não có thể để lại di chứng liệt vận động

Rối loạn ngôn ngữ

Người bệnh có thể nói ngọng thậm chí không nói được, nói giọng mũi, nói được rất ít từ do tổn thương vùng não đảm nhiệm chức năng ngôn ngữ.

Suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ cũng là di chứng thường gặp của nhồi máu não. Người bệnh có thể mất rất nhiều thời gian để phục hồi nhưng rất khó để có thể quay lại trạng thái trí tuệ minh mẫn như cũ.

Suy giảm thị lực

Rối loạn thị giác sau tai biến có thể xảy ra với biểu hiện nhìn mờ một bên hoặc cả hai mắt.

Rối loạn đại tiểu tiện

Người bệnh có thể đại tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ do rối loạn chức năng cơ tròn. Nếu không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khiến cơ thể thường xuyên mắc viêm nhiễm đường tiết niệu.

Điều trị nhồi máu não bằng cách nào?

Nguyên tắc là điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế hoại tử tế bào não. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có chiến lược điều trị bằng thuốc khác nhau với các thuốc như aspirin và thuốc chống kết tập tiểu cầu, heparin và các loại thuốc chống đông, điều trị tăng huyết áp bằng thuốc hạ áp, điều trị đái tháo đường ở bệnh nhân tiểu đường, thuốc tiêu huyết khối…

Tùy theo mức độ bệnh, thời gian cấp cứu mà khả năng hồi phục của mỗi người bệnh sẽ khác nhau. Với những bệnh nhân trẻ, sức khỏe còn tốt, tình trạng nhẹ có thể có khả năng hồi phục đến khoảng 90%. Nhưng ở những bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân đã có biểu hiện liệt toàn thân hoặc cấp cứu chậm trễ, bỏ qua khoảng “thời gian vàng” điều trị thì khả năng hồi phục kém hơn rất nhiều, để lại nhiều di chứng.

Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não

Nhồi máu não tùy mức độ tổn thương mà có thể cần rất nhiều thời gian để hồi phục, thậm chí trong nhiều trường hợp các chức năng không thể quay lại như trước do vậy người nhà cần có cách chăm sóc phù hợp:

  • Vệ sinh cá nhân cho người bệnh sạch sẽ: đánh răng, rửa mặt, lau người, thay quần áo, vệ sinh sau đại tiểu tiện…
  • Phòng ngừa loét da do tì đè nằm lâu đặc biệt ở các vị trí như: vùng lưng, mông, gót chân, bả vai…. Nên cho bệnh nhân nằm đệm hơi, đệm nước để giảm áp lực; thường xuyên nghiêng trở người bệnh mỗi 2 giờ kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng những vùng bị tì đè để lưu thông máu tốt, hạn chế viêm loét.
  • Người bệnh ít vận động, nằm lâu có thể dễ dàng ứ đọng đờm dãi, dễ gặp các vấn đề đường hô hấp, nên cho bệnh nhân ngồi dậy mỗi ngày, xoa vỗ lưng để dễ khạc tống đờm ra ngoài.
bệnh nhồi máu não
Di chứng nhồi máu não có thể không hồi phục khiến người bệnh không tự chủ cuộc sống

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân nhồi máu não

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học có thể giúp người bệnh nhồi máu não phục hồi nhanh chóng hơn và ngăn ngừa các đợt đột quỵ tái phát.

  • Hàm lượng calo cần thiết trong một ngày nên đảm bảo từ 1.000-1.500; chia nhỏ bữa ăn, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, nên ăn các món ăn dễ tiêu như cháo, súp.
  • Ăn nhiều trái cây chứa vitamin C và kali (bưởi, cam, quýt, chuối) giúp phòng ngừa sự hình thành huyết khối, giảm nguy cơ tái nhồi máu não.
  • Ăn nhiều loại rau màu xanh đậm, chứa nhiều chất xơ giúp giảm lượng cholesterol, hạn chế các bệnh rối loạn lipid máu, hạn chế nguy cơ phát triển các mảng xơ vữa, tốt cho sức khỏe hệ tim mạch nói chung.
  • Nên sử dụng các loại dầu thực vật tốt cho hệ tim mạch, hạn chế mỡ động vật hoặc đồ ăn chiên xào nhiều mỡ.
  • Hạn chế ăn mặn vì có nguy cơ gây tăng huyết áp. Tăng huyết áp là một trong các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Thay đổi lối sống phòng ngừa bệnh nhồi máu não

Xây dựng lối sống lành mạnh là biện pháp hàng đầu để phòng ngừa đột quỵ nhồi máu não:

  • Không hút thuốc lá, tránh các chất kích thích, hạn chế rượu bia
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Điều trị các bệnh lý là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu…
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời.

DS. Thanh Loan