Tai biến mạch máu não là tình trạng rất nguy hiểm bởi có tỷ lệ tử vong cao cũng như di chứng để lại hết sức nặng nề. Tìm hiểu các dấu hiệu và cách phòng ngừa tai biến sớm.
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ là tình trạng xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bộ bị gián đoạn hoặc giảm, ngăn cản mô não nhận đủ oxy và dưỡng chất. Tế bào não sẽ bắt đầu bị chết đi trong một vài phút.
Tai biến là một trường hợp cấp cứu ý tế khẩn cấp và việc được điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Phát hiện sớm sẽ giúp giảm tổn thương não cũng như ngăn ngừa di chứng về sau.
Dấu hiệu sớm nhận biết người bị tai biến
Nếu như bạn hoặc ai đó ở bên cạnh bạn có khả năng gặp phải tai biến, nên chú ý đến thời gian bắt đầu triệu chứng. Một số phương pháp điều trị tai biến chỉ có hiệu quả khi được áp dụng ngay từ sớm.
Một số dấu hiệu tai biến sớm gồm:
- Khó nói chuyện cũng như hiểu được những gì người khác nói: Bị nhầm lẫn, nói ngọng hoặc khó hiểu được lời của người khác.
- Tê hoặc cứng mặt, cánh tay hoặc chân: Có thể bị tê cứng đột ngột, yếu hoặc liệt ở mặt, cánh tay hoặc chân. Tình trạng này chỉ ảnh hưởng tới một bên của cơ thể. Hãy thử nâng cả hai tay lên qua đầu. Nếu một cánh tay bị rơi xuống thì có thể bị đột quỵ. Ngoài ra, một bên miệng của người tai biến có thể bị xệ xuống khi cố gắng cười.
- Các vấn đề về tầm nhìn ở một hoặc hai mắt: Người bệnh có thể đột nhiên bị mờ hoặc thâm đen ở một hoặc cả hai mắt. Hoặc có thể bị hoa mắt, gặp phải tình trạng tầm nhìn đôi.
- Đau đầu: Đau đầu đột ngột, dữ dội, có thể kèm theo nôn mửa, chóng mặt hoặc thay đổi ý thức, có thể cảnh báo tai biến.
- Đi lại khó khăn: Người bệnh dễ bị vấp ngã hoặc mất thăng bằng. Ngoài ra, cũng rất dễ bị chóng mặt đột ngột hoặc mất khả năng phối hợp.
Nguyên nhân dẫn tới tai biến
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tai biến mạch máu não bao gồm: động mạch bị tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu. Một số người có thể bị gián đoạn tạm thời lưu lượng máu lên não, được gọi là cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA), không gây ra triệu chứng lâu dài. Cụ thể:
Tai biến do thiếu máu não cục bộ
Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất. Tình trạng tai biến do thiếu máu não cục bộ là do mạch máu não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, làm giảm lưu lượng máu nghiêm trọng (thiếu máu cục bộ). Các mạch máu bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp là do chất béo tích tụ trong mạch máu hoặc do cục máu đông hoặc các mảnh vụn khác di chuyển qua mạch máu, thông thường là từ tim và đọng lại trong các mạch máu não.
Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy người nhiễm Covid-19 có thể có nguy cơ cao bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhưng điều này vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Tai biến do xuất huyết não
Đột quỵ do xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc vỡ ra. Xuất huyết não có thể do nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến mạch máu. Các yếu tố liên quan đến đột quỵ xuất huyết bao gồm:
- Huyết áp cao không kiểm soát được
- Điều trị quá mức bằng thuốc làm loãng máu
- Phình tại các điểm yếu trong mạch máu
- Chấn thương
- Protein lắng đọng trong mạch máu dẫn đến thành mạch bị suy yếu
- Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ dẫn dến xuất huyết
Một nguyên nhân ít phổ biến hơn dẫn tới chảy máu não là do vỡ đám rối bất thường của mạch máu có thành mỏng (dị dạng động mạch).
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua là một giai đoạn tạm thời có các triệu chứng tương tự như trong một cơn tai biến. TIA là do giảm cung cấp máu tạm thời cho một phần não bộ, có thể kéo dài ít nhất năm phút.
Cũng như đột quỵ do thiếu máu cục bộ, TIA xảy ra khi một cục máu đông hoặc mảnh vỡ làm giảm hoặc chặn dòng máu đến một phần của hệ thần kinh.
Cần cấp cứu ngay khi bạn nghĩ rằng mình đang gặp phải TIA dù triệu chứng đã cải thiện hơn. Bởi rất khó có thể tự phân biệt được triệu chứng của tai biến hay cơn thiếu máu não cục bộ thoáng quá.
Nhận biết ngay các di ứng của tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não có thể gây tàn tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào thời gian não bị thiếu máu cũng như bộ phận bị tác động tới. Một số biến chứng của tai biến bao gồm:
- Tê liệt hoặc mất khả năng vận động cơ: Tai biến rất dễ gây liệt một bên cơ thể hoặc mất kiểm soát một số cơ, chẳng hạn như một bên mặt hoặc một bên cánh tay.
- Khó nói hoặc nuốt: Tai biến mạch máu não có thể ảnh hưởng tới việc kiểm soát các cơ trong miệng và cổ họng, khiến người bệnh khó nói chuyện rõ ràng, nuốt hoặc ăn. Người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn trong sử dụng ngôn ngữ, gồm nói hoặc hiểu người khác nói gì, đọc hoặc viết.
- Mất trí nhớ hoặc khó tư duy bình thường: Nhiều người bị tai biến bị mất trí nhớ. Một số trường hợp thì gặp nhiều khó khăn trong việc tư duy, lập luận, đưa ra phán đoán.
- Gặp vấn đề về kiểm soát cảm xúc: Người bệnh từng bị tai biến rất khó kiểm soát cảm xúc, và rất dễ bị trầm cảm.
- Đau đớn: Đau, tê hoặc có cảm giác bất thường xảy ra ở các bộ phận của cơ thể bị ảnh hưởng bởi đột quỵ. Ví dụ nếu tai biến gây ra mất cảm giác ở cánh tay trái thì người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran khó chịu ở đó.
- Thay đổi hành vi và khả năng tự chăm sóc: Những người đã từng bị tai biến có thể trở nên tự ti, khép kín hơn. Họ sẽ cần phải có người hỗ trợ trong khi thực hiện các hoạt động thường ngày.
Biện pháp phòng ngừa tai biến hiệu quả
Biết được đâu là các yếu tố nguy cơ tai biến, tuân theo các khuyến nghị của bác sĩ cũng như áp dụng lối sống lành mạnh là các bước tốt nhất có thể làm để ngăn ngừa tai biến.
Đối với người bệnh từng bị đột quỵ hoặc đã gặp cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua thì áp dụng biện pháp này để ngừa tái phát tai biến. Nên theo dõi tình hình bệnh theo lời khuyên của bác sĩ để giảm nguy cơ tai biến hiệu quả nhất.
Dưới đây là một số khuyến nghị để phòng ngừa tai biến:
- Kiểm soát tăng huyết áp: Đây là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ tai biến. Đối với người từng bị đột quỵ, giữ huyết áp ổn định sẽ giúp ngăn ngừa TIA hoặc tai biến tái phát. Thực hiện lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc điều trị huyết áp cao.
- Giảm lượng cholesterol và chất béo bão hòa trong chế độ ăn hàng ngày: Ăn ít cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất bẽo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có thể làm giảm sự tích tụ trong động mạch. Nếu bạn không kiểm soát được lượng cholesterol trong cơ thể chỉ thông qua chế độ ăn uống thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm cholesterol.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ cho những người hút thuốc và người tiếp xúc với khói thuốc. Bỏ thuốc sẽ giúp giảm nguy cơ tai biến hiệu quả.
- Quản lý đường huyết: Ăn kiêng, tập thể dục và giảm cân có thể giúp giữ được lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Nếu các yếu tố lối sống dường như không đủ để kiểm soát bệnh tiểu đường, bạn sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị tiểu đường.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân rất dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ khác, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim mạch và tiểu đường. Do vậy, nên có biện pháp để duy trì cân nặng ở mức hợp lý như chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục nhịp điệu làm giảm nguy cơ đột quỵ theo nhiều cách. Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp, tăng mức cholesterol tốt và cải thiện sức khỏe tổng thể của mạch máu và tim. Tập luyện cũng giúp giảm cân, kiểm soát đường huyết và giảm căng thẳng. Nên dành ít nhất mỗi ngày 30 phút để hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp,…
- Uống rượu ở mức độ vừa phải: Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ huyết áp cao, tai biến do thiếu máu não cục bộ và xuất huyết não. Rượu cũng có thể tương tác với một số loại thuốc đang sử dụng. Tuy nhiên, nếu uống một lượng rượu nhỏ đến vừa như mỗi ngày một chén thì lại có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu cục bộ gây tai biến và giảm nguy cơ đông máu.
Sử dụng thuốc phòng ngừa tai biến đối với người có bệnh tim mạch
Đối với những người đã gặp phải tai biến do thiếu máu cục bộ hoặc TIA, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ khác. Bao gồm:
- Thuốc chống tiểu cầu: Tiểu cầu là những tế bào trong máu hình thành cục máu đông. Thuốc chống tiểu cầu làm cho các tế bào này ít dính hơn và ít có khả năng đông máu hơn. Thuốc chống tiểu cầu được sử dụng phổ biến nhất là aspirin. Bác sĩ có thể xác định liều lượng aspirin phù hợp cho bệnh nhân.
- Thuốc chống đông máu: Những loại thuốc này làm giảm quá trình đông máu. Heparin có tác dụng nhanh và có thể được sử dụng trong thời gian ngắn tại bệnh viện.
Warfarin có tác dụng chậm hơn có thể được sử dụng lâu dài hơn. Warfarin là một loại thuốc làm loãng máu mạnh, vì vậy người bệnh sẽ cần dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn để phòng ngừa tai biến và đề phòng các tác dụng phụ. Người bệnh cũng cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
Đào Tâm