Ăn uống thất thường dịp lễ Tết dẫn tới táo bón phải làm sao?

Ngày lễ Tết, thay đổi thói quen ăn uống dễ dẫn tới tình trạng táo bón ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tìm hiểu các giải pháp giúp giải quyết tình trạng táo bón khó chịu.

táo bón phải làm sao
Táo bón dịp lễ Tết khiến cho nhiều người ấm ách khó chịu

Táo bón là gì?

Theo các chuyên gia thì việc đi ngoài ít hơn ba lần mỗi tuần gọi là táo bón. Tuy nhiên, tần suất đi tiêu ở mỗi người không giống nhau. Có những người đi tiêu nhiều lần mỗi ngày trong khi có những người bình thường cũng chỉ đi ngoài hai lần mỗi tuần. Bất kỳ thói quen đi ngoài của bạn như thế nào thì quan trọng nhất là bạn không bị khó chịu, tức bụng nếu lâu ngày không đi ngoài.

Chính vì thế, sẽ có một số yếu tố khác để xác định tình trạng táo bón gồm:

  • Phân khô và cứng.
  • Đi tiêu gây đau và khó có thể đưa phân ra ngoài.
  • Đã đi ngoài nhưng vẫn chưa có cảm giác làm trống hoàn toàn ruột già.

Vì sao táo bón lại phổ biến hơn trong dịp lễ Tết?

táo bón phải làm sao
Mâm cỗ ngày Tết nhiều mỡ, đạm sẽ dễ dẫn tới táo bón

Táo bón là tình trạng rất nhiều người gặp phải kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Một số đối tượng được cho là có khả năng dễ bị táo bón hơn gồm:

  • Người cao tuổi: Do tuổi tác tăng lên, người cao tuổi ít hoạt động hơn, trao đổi chất chậm hơn, sức co cơ dọc theo đường tiêu hóa kém hơn so với khi còn trẻ.
  • Phụ nữ mang thai và sau sinh: Do sự thay đổi nội tiết trong các giai đoạn này khiến cho các mẹ dễ bị táo bón hơn. Ngoài ra, khi phụ nữ mang thai ở cuối thai kỳ, em bé lớn lên làm chèn ép phần ruột khiến quá trình tiêu hóa cũng chậm chạp khó khăn hơn.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ là gây ra táo bón khi sử dụng kéo dài.

Còn đối với những người bị táo bón trong dịp Tết phần lớn là do không ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ. Bữa ăn ngày Tết thường có nhiều đồ nếp, đồ nhiều đạm, nhiều dầu mỡ mà ít chú ý tới rau xanh hay hoa quả. Vì vậy, nghỉ Tết hàng tuần sẽ làm ảnh hưởng lớn tới tình trạng tiêu hóa của chúng ta, dễ dẫn tới táo bón kèm theo cảm giác ấm ách khó chịu vì bị khó tiêu.

Một số nguyên nhân khác được cho là dễ dẫn tới táo bón trong dịp Tết này gồm:

  • Không uống đủ nước
  • Không tập thể dục, ít vận động
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt khác với ngày bình thường
  • Không đi tiêu khi cảm thấy muốn đi

Táo bón xảy ra như thế nào?

Táo bón xảy ra khi mà đại tràng hấp thu quá nhiều nước từ chất thải, làm khô phân khiến cho chất thải trở nên cứng rắn và khó có thể đẩy ra khỏi cơ thể.

Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thụ ở ruột non và ruột già. Thức ăn được tiêu hóa một phần còn sót lại di chuyển từ ruột non đến ruột già, còn được gọi là ruột kết. Đại tràng hấp thụ nước từ chất thải này, tạo ra chất rắn gọi là phân. Nếu bạn bị táo bón, thức ăn có thể di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa. Điều này sẽ giúp cho đại tràng có thêm thời gian – để hấp thụ nước từ chất thải. Phân trở nên khô cứng, khó đẩy ra ngoài – là tình trạng táo bón.

Hệ quả táo bón với các vấn đề sức khỏe khác

Táo bón kéo dài có thể gây bệnh trĩ
Táo bón kéo dài có thể gây bệnh trĩ

Nếu bạn bị táo bón kéo dài, có thể xuất hiện một số hệ quả đối với sức khỏe bao gồm:

  • Sưng, viêm tĩnh mạch trong trực tràng – bệnh trĩ
  • Rách niêm mạc hậu môn do phân quá cứng và bạn cố gắng rặn khi đi tiêu
  • Nhiễm trùng trong niêm mạc ruột kết do phân bị mắc kẹt
  • Quá nhiều phân tích ở trong trực tràng và hậu môn

Có một số ý kiến cho rằng, không đi tiêu đều đặn có khả năng khiến chất độc tích tụ trong cơ thể và gây bệnh. Nhưng các chuyên gia cho rằng điều này không có khả năng xảy ra. Bởi dù đại tràng giữ phân lâu hơn khi bị táo bón và có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu một chút nhưng đây là nơi có thể mở rộng để chứa chất thải. Nên dù cho bạn có bị táo bón thì không có khả năng bị tích tụ chất độc như lo ngại ở trên.

Tự khắc phục tình trạng táo bón tại nhà như thế nào?

Hầu hết các trường hợp táo bón từ nhẹ tới trung bình đều có thể tự kiểm soát tại nhà. Bạn hãy tự điều chỉnh thói quen của mình bằng cách xem xét lại chế độ ăn uống, sinh hoạt để thay đổi.

Một số lời khuyên giúp giảm táo bón bao gồm:

  • Uống thêm 2 – 4 ly nước mỗi ngày. Tránh đồ uống có chứa caffein, rượu bởi đây là những thức uống dễ gây mất nước.
  • Thêm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu chất xơ khác vào chế độ ăn uống mỗi ngày. Ăn ít thực phẩm giàu chất béo như thịt, trứng và pho mát.
  • Ăn ngũ cốc nguyên cám.
  • Ghi lại nhật ký thực phẩm và loại bỏ các đồ ăn có khả năng gây táo bón.
  • Hãy chịu khó vận động và tập thể dục mỗi ngày.
  • Kiểm tra lại cách mà bạn ngồi ở nhà vệ sinh, nên chọn tư thế nâng cao chân, ngả người ra sau hoặc ngồi xổm để có thể giúp cho việc đi tiêu trở nên dễ dàng hơn.
  • Có thể bổ sung thêm chất xơ, nếu cần thiết thì uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân để đi tiêu dễ dàng hơn.
  • Khi đi vệ sinh, hãy tránh đọc, dùng điện thoại hoặc dùng các thiết bị khác để không bị mất tập trung.

Biện pháp ngăn ngừa táo bón

Ăn nhiều hoa quả giàu chất xơ sẽ giúp phòng ngừa táo bón hiệu quả
Ăn nhiều hoa quả giàu chất xơ sẽ giúp phòng ngừa táo bón hiệu quả

Khi tình trạng táo bón đã được cải thiện, bạn nên duy trì các thói quen sau để phòng ngừa táo bón và ngăn chúng phát triển thành bệnh mãn tính. Cụ thể:

  • Ăn chế độ ăn có nhiều chất xơ: Các nguồn chất xơ tốt là trái cây, rau xanh, các loại đậu, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt. Chất xơ và nước giúp đại tràng tống phân ra ngoài dễ dàng hơn. Hầu hết chất xơ trong trái cây được tìm thấy trong vỏ như vỏ táo. Một số loại trái cây có hạt bạn có thể ăn được như dâu tây có nhiều chất xơ nhất. Ngoài ra, bạn có thể ăn thêm ngũ cốc nguyên cám hoặc thêm ngũ cốc nguyên cám vào các loại thức ăn khác như súp và sữa chua.
  • Uống 8 ly nước 250ml mỗi ngày: Chỉ nên uống nước lọc tránh các loại nước có caffein như cà phê và nước ngọt, bởi những loại thức uống này có thể gây mất nước. Bạn có thể phải ngừng uống những sản phẩm này cho tới khi thói quen đi ngoài trở lại bình thường.
  • Tập thể dục thường xuyên: Giúp tăng nhu động ruột, đi tiêu dễ dàng hơn.
  • Sử dụng sản phẩm chứa magie: Giúp điều trị táo bón nhẹ.

Đào Tâm