Hội chứng ruột kích thích và các biện pháp điều trị không dùng thuốc

Người mắc hội chứng ruột kích thích thường rất khó chịu bởi các triệu chứng như đau bụng, thay đổi thói quen đi đại tiện ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống. Không cần dùng thuốc, vẫn có cách để kiểm soát hội chứng ruột kích thích!

hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, gây nhiều bất tiện

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS) là tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và rối loạn nhu động ruột. Những triệu chứng và mức độ biểu hiện của hội chứng này khác nhau ở từng người. Một số triệu chứng thường gặp là:

  • Rối loạn bài tiết phân: tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ cả 2 tình trạng này. Người bị hội chứng ruột kích thích thường muốn đi đại tiện sau khi ăn.
  • Đau bụng: thường đau bụng dưới, đau âm ỉ thường xuyên, thỉnh thoảng đau quặn bụng dữ dội. Khi ăn có thể khởi phát cơn đau, đi ngoài giúp giảm bớt đau nhưng không hết hẳn.
  • Chướng bụng: thường xuyên có cảm giác đầy hơi, chướng bụng.
  • Một số triệu chứng khác: khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn, rối loạn chức năng tình dục…

Hội chứng ruột kích thích mặc dù không nguy hiểm nhưng các triệu chứng khó chịu lại gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày và suy giảm chất lượng cuộc sống.

hội chứng ruột kích thích
Người bị hội chứng ruột kích thích thường bị đau bụng, chướng bụng

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được hiểu rõ, do vậy, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Ngoài việc dùng thuốc, người bị mắc hội chứng ruột kích thích nên thay đổi chế độ ăn, kiểm soát căng thẳng… để ngăn ngừa hội chứng này.

Những cách điều trị hội chứng ruột kích thích không dùng thuốc

1. Thay đổi chế độ ăn

Nguyên tắc cơ bản để kiểm soát hội chứng ruột kích thích là cần duy trì các bữa ăn hàng ngày, tránh những đồ uống chứa cafein, cồn và đồ uống có ga.

Nếu như đã thực hiện biện pháp này trong một thời gian dài nhưng triệu chứng vẫn không cải thiện, bạn có thể áp dụng chế độ ăn đặc biệt hơn, ví dụ như chế độ ăn ít FODMAP, tránh đồ ăn chứa lactose và lúa mì.

Chế độ ăn ít FODMAP: FODMAP là ký kiệu viết tắt của Fermentable Oligosaccharides (đường đa), Disaccharides (đường đôi), Monosaccharides (đường đơn), và Polyols (phân tử nhiều nhóm -OH trong cấu trúc). Đây là các nhóm carbohydrate có đặc điểm kém hấp thu và dễ lên men bởi vi khuẩn đường ruột. Khi vi khuẩn tiêu hóa những chất này, chúng sẽ sản sinh ra khí, từ đó gây hiện tượng đầy hơi, chướng và đau bụng ở những người bị hội chứng ruột kích thích. Vậy những thức ăn nào chứa nhiều FODMAP hoặc ít FODMAP?

Thực phẩm nhiều FODMAPThực phẩm ít FODMAP
Súp lơ trắngSúp lơ xanh
Củ cải đỏCà tím
Ngô ngọtRau cải xoăn
Măng tâyCà rốt
Đậu Hà LanCà chua
HànhRau mùi tây
NấmRau diếp
Táo, lêChuối
Đào, mận, mơQuả nho
Quả xoàiQuả cam
Quả cherry, nho đenDâu tây
Các sản phẩm từ lúa mìMì gạo
Hạnh nhân, hạt điềuĐậu phộng, hạt óc chó

Cắt giảm thực phẩm chứa carbohydrate sẽ giúp giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu của hội chứng ruột kích thích. Bên cạnh đó, khi dùng những thực phẩm ít FODMAP, bạn có thể phát hiện ra loại thực phẩm nào gây khởi phát hoặc trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, từ đó có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

hội chứng ruột kích thích
Những thực phẩm ít FODMAP tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích

2. Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng được xem là yếu tố nguy cơ gây khởi phát và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, các phương pháp trị liệu hành vi tâm lý, tập luyện yoga, tập thể dục đem lại hiệu quả tương tự như chế độ ăn ít FODMAP cho người bị hội chứng ruột kích thích.

Tập thể dục không chỉ giúp tăng cường thể lực mà còn có lợi cho nhu động ruột, từ đó giảm bớt tình trạng táo bón ở người bị hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn thường xuyên bị tiêu chảy, hãy lựa chọn và thực hiện các bài tập nhẹ nhàng.

3. Dùng tinh dầu

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn và kiểm soát căng thẳng, hội chứng ruột kích thích còn có thể được cải thiện rõ rệt bằng cách sử dụng tinh dầu, như tinh dầu bạc hà. Có 4 nghiên cứu đã được tiến hành, so sánh tinh dầu bạc hà với giả dược trên tổng số 392 người bị hội chứng ruột kích thích.

Kết quả cho thấy, xét trên toàn bộ triệu chứng của hội chứng ruột kích thích nói chung và đau bụng nói riêng, những người dùng tinh dầu bạc hà đã giảm các triệu chứng so với nhóm dùng giả dược.

hội chứng ruột kích thích
Dùng tinh dầu bạc hà giúp giảm đau bụng, giảm hội chứng ruột kích thích

4. Bổ sung men vi sinh

Men vi sinh là sản phẩm chứa một lượng lớn vi khuẩn có lợi hoặc bào tử vi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và từ đó giảm nhẹ các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

hội chứng ruột kích thích
Bổ sung men vi sinh giúp tiêu hóa tốt hơn, giảm hội chứng ruột kích thích

Tuy nhiên, do tính chất không nhất quán của hội chứng này cũng như sự đáp ứng khác nhau ở mỗi người, nên việc bổ sung men vi sinh không phải là biện pháp tối ưu cho mọi trường hợp. Vì vậy, cần theo dõi đáp ứng của cơ thể, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đạt hiệu quả điều trị tối đa.

Tài liệu tham khảo:

1. Abi Millar (2018) “How to treat IBS without medication”, Patient Published on Jan 15th 2018 on Patient.info

2. Sarah Jarvis MBE (2017) “Fibre, low FODMAP diet and gut bacteria” Published on Oct 11th 2017

3. Alexander C Ford et al (2008) “Effect of fibre, antispasmodics, and peppermint oil in the treatment of irritable bowel syndrome: systematic review and meta-analysis”, BMJ. 2008; 337: a2313

4. Cong Dai et al (2013), “Probiotics and irritable bowel syndrome”, World J Gastroenterol. 2013 Sep 28; 19(36): 5973–5980