Tiêu chảy là vấn đề tiêu hóa phổ biến, nhưng một số trường hợp tiêu chảy gây mất nước, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Tìm hiểu các biện pháp điều trị tiêu chảy nhanh chóng, hiệu quả.
Thế nào là tiêu chảy?
Tiêu chảy là tình trạng phân lỏng hoặc đi ngoài trên 3 lần một ngày. Tiêu chảy thường khỏi sau vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, điển hình là:
- Nhiễm vi sinh vật gây bệnh đường ruột: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm
- Vệ sinh kém: làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi trùng
- Rối loạn hệ vi sinh đường ruột: do chế độ ăn uống, dùng thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh
- Hội chứng ruột kích thích: khiến đường rột bị co thắt quá mức làm phân di chuyển nhanh hơn
- Viêm đại tràng: niêm mạc đại tràng bị viêm, làm thay đổi tình trạng phân
Điều trị tiêu chảy bằng cách nào?
Phương pháp điều trị tiêu chảy phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Một số phương pháp có thể áp dụng ngay để kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng mà tiêu chảy gây ra.
1. Bổ sung chất lỏng
Biện pháp đầu tiên để đối phó với tiêu chảy là uống thêm nước, đặc biệt là nước điện giải. Vì tiêu chảy gây mất nước, mất điện giải khiến cơ thể mệt mỏi, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Người bệnh nên uống từng ngụm nước nhỏ, uống nhiều lần trong ngày. Nên uống oresol được pha đúng tỷ lệ. Ngoài ra, có thể uống nước canh, đồ uống thể thao, soda không chứa caffeine (vì caffeine gây mất nước). Không nên uống nước ép trái cây hoặc nước ngọt vì chúng có thể làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Nếu có dấu hiệu bị mất nước, nên đi khám ngay để được điều trị phù hợp. Những dấu hiệu mất nước gồm:
- Luôn khát nước
- Nước tiểu màu vàng đậm
- Đau đầu
- Khô miệng, có cảm giác dính miệng
- Co rút cơ
- Chóng mặt
- Lú lẫn, lơ mơ
- Tim đập loạn nhịp
2. Thuốc chống tiêu chảy
Một số loại thuốc chống tiêu chảy có thể mua được ở nhà thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn.
Nhóm thuốc này giúp giảm viêm, cân bằng chuyển động của chất lỏng trong ruột, ngăn virus, vi khuẩn có thể phát triển trong đường ruột. Có thuốc còn làm chậm tốc độ thức ăn di chuyển qua ruột, giúp chất lỏng được hấp thụ vào cơ thể, để phân thành khuôn. Qua đó sẽ giúp giảm số lần tiêu chảy.
Cần lưu ý, không dùng thuốc chống tiêu chảy nếu nguyên nhân là do ký sinh trùng, vi khuẩn gây ra. Trong trường hợp này, cơ thể cần tự loại bỏ ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây tiêu chảy. Dùng thuốc chống tiêu chảy có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
3. Dùng thuốc kháng sinh
Không nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị tiêu chảy trừ khi nguyên nhân là do vi khuẩn gây ra. Bởi thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, trong khi đa số nguyên nhân gây tiêu chảy là do virus.
Do vậy, người bị tiêu chảy chỉ nên dùng thuốc kháng sinh với nguyên nhân là do nhiễm khuẩn và được bác sĩ chỉ định.
4. Men vi sinh
Tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa khá phổ biến. Trong các trường hợp này, giải pháp phù hợp là dùng men vi sinh.
Men vi sinh bổ sung vi khuẩn có ích, ức chế vi khuẩn có hại, giúp lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa, hỗ trợ giảm các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, ăn chậm tiêu, phân sống do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Ngoài ra, người bị tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh cũng nên bổ sung men vi sinh. Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể mà còn tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi. Do đó, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến tiêu chảy.
5. Những thực phẩm nên ăn
Để không tăng thêm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, người bị tiêu chảy nên thay đổi chế độ ăn uống. Người bị tiêu chảy nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa chính. Một số người khuyên nên ăn theo chế độ ăn BRAT trong khi bị tiêu chảy.
BRAT gồm:
B – Banana: chuối
R – Rice: cơm
A – Applesauce: sốt táo
T – Toast: bánh mì nướng
Chế độ ăn này giúp tạo phân cứng, ngăn ngừa đi tiêu lỏng. Chuối có chứa kali giúp bổ sung kali mà cơ thể bị mất khi tiêu chảy. Các món bánh mì, cơm cũng không gây kích ứng dạ dày.
Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng chế độ ăn này khi đang bị tiêu chảy kèm theo đau bụng. Thông thường, thời gian áp dụng khoảng 1-2 ngày. Sau đó, cần trở về chế độ ăn bình thường để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.
6. Những thực phẩm nên tránh
Một số thực phẩm có thể khiến tình trạng tiêu chảy thêm trầm trọng nên cần hạn chế.
- Thực phẩm có nhiều đường
- Sữa và các sản phẩm từ sữa (trừ sữa chua)
- Thực phẩm có nhiều chất béo
7. Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Tiêu chảy có thể là triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng. Do đó, muốn giảm tiêu chảy, cần điều trị các tình trạng này.
Với bệnh viêm đại tràng, cần dùng thuốc điều trị bệnh đại tràng. Với hội chứng ruột kích thích, nên thay đổi chế độ ăn uống để giảm co thắt ruột.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Thông thường, tiêu chảy có thể điều trị tại nhà, không cần đến bệnh viện. Tuy nhiên, bạn nên đi khám ngay nếu có các triệu chứng tiêu chảy gây mất nước sau:
- Tiêu chảy kèm sốt cao trên 38,5 độ C
- Có dấu hiệu mất nước
- Thời gian bị tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày
- Đau bụng dữ dội
- Phân có màu đen
- Phân có máu, có nhầy (giống mủ)
Vân Anh