Nổi mẩn ngứa toàn thân có thể là triệu chứng gan bị tổn thương từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, không phải ai bị bệnh gan cũng nổi mẩn ngứa. Tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này và giải pháp.
Nổi mẩn ngứa trên da do loại bệnh gan nào?
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể chúng ta. Gan có khả năng phân hủy chất béo, giải độc cơ thể để tạo ra cholesterol và protein đồng thời giúp dự trữ vitamin.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thì ở đất nước này có tới 4,5 triệu người trưởng thành được chẩn đoán mắc bệnh gan. Đây là một con số tương đối cao.
Một số loại bệnh gan có thể gây ra nổi mẩn ngứa toàn thân như:
- Xơ gan mật nguyên phát (PBC)
- Ứ mật trong gan thai kỳ
- Viêm gan B và C mãn tính
- Ứ mật trong gan
- Hội chứng Alagille
- Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (PSC)
- Ung thư đầu tụy
- Bệnh tắc mật
Nổi mẩn ngứa cũng là triệu chứng thường gặp đối với người bị bệnh gan tự miễn như PBC và PSC, và cũng phổ biến hơn với tình trạng có tổn thương cấu trúc gan.
Triệu chứng mẩn ngứa thường sẽ hiếm gặp hơn với các trường hợp bệnh gan do bia rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.
Nguyên nhân nào dẫn tới nổi mẩn ngứa toàn thân do bệnh gan?
Chưa có nghiên cứu nào xác định được chính xác tại sao người bị bệnh gan lại ngứa. Các nhà khoa học đưa ra một số giả thuyết như sau:
Muối mật
Tác giả một nghiên cứu khoa học năm 2015 cho rằng bệnh gan có thể làm tăng nồng độ muối mật, sau đó chúng tích tụ dưới da gây nổi mẩn ngứa. Cơ thể chúng ta tạo ra muối mật từ axit mật.
Tuy nhiên, nổi mẩn ngứa lại không phải xuất hiện ở tất cả người bệnh gan có hàm lượng muối mật cao. Chính vì vậy mà các nhà khoa học không thể khẳng định được mối liên quan giữa tình trạng nổi mẩn ngứa và nồng độ muối mật.
Một nghiên cứu khác cho rằng nồng độ bilirubin bất thường làm kích thích các tế bào thần kinh cảm giác ngứa ngoại biên. Bilirubin là một sắc tố của mật. Người mắc bệnh gan thường có lượng bilirubin cao hơn ngưỡng bình thường.
Do các hóa chất sinh ra trong cơ thể
Một số chất được tạo ra từ bên trong cơ thể có thể gây ra nổi phát ban mẩn ngứa theo một số nghiên cứu.
Chúng bao gồm:
- Histamine
- Opioids
- Serotonin
- Hormone sinh dục nữ
Người bệnh bị ngứa do ứ mật thường có nồng độ histamine cao hơn bình thường. Dù vậy tình trạng ngứa thường không nghiêm trọng hơn những người có nồng độ histamine cao hơn.
Một số nhà khoa học lại cho rằng serotonin có thể gây cảm giác ngứa nhiều hơn. Sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có thể kiểm soát mẩn ngứa. Một số người bệnh được đề xuất dùng thuốc kháng opioids cũng giúp cải thiện ngứa ngáy khó chịu.
Tế bào nhạy cảm
Vào năm 2021, một số nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho rằng có sự liên quan giữa mẩn ngứa da do bệnh gan PBC và phản ứng thần kinh ở tế bào sừng, là tế bào ở lớp ngoài của da.
Những người bệnh xơ gan mật nguyên phát (PBC) có lượng lipid cao – được biết tới là chỉ số lysophosphatidylcholine (LPC) trong máu. Khi các nhà khoa học tiêm chất này vào da chuột thử nghiệm, họ nhận thấy hiện tượng ngứa ngáy tăng lên.
Do vậy, nhà khoa học kết luận khi LPC được vận chuyển tới da khi tuần hoàn máu thì có thể gây ra phản ứng ngứa.
Một số nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ngứa da
Ngoài bệnh gan, còn có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác cũng gây ra phản ứng mẩn ngứa trên da, như:
- Bệnh chàm da
- Vẩy nến
- Phản ứng dị ứng
- Phát ban trên da
- Khô da
- Nhiễm nấm như tưa lưỡi, nấm ngoài da
- Nhiễm ký sinh trùng như ghẻ và chấy
- Thay đổi nội tiết tố như phụ nữ mang thai hay trong thời kỳ mãn kinh
- Một số tình trạng sức khỏe khác như bệnh tuyến giáp hoặc bệnh thận.
Phản ứng ngứa và sự tiến triển của bệnh gan
Các nhà khoa học không biết tại sao người bệnh gan lại bị nổi mẩn ngứa. Họ cho rằng có thể một số loại hóa chất trong cơ thể sẽ có vai trò nào đó, tuy nhiên không có mối liên hệ rõ ràng giữa nồng độ các loại hóa chất này với mức độ ngứa ngáy trên da.
Chính vì thế mà bác sĩ cho rằng việc bị ngứa không phải là dấu hiệu cho thấy bệnh gan đang trở nên xấu đi, ít nhất đối với một số bệnh lý gan.
Một số lý thuyết giải thích rằng sự ngứa ngáy có liên quan đến các dây thần kinh gây ra và đón nhận cảm giác ngứa.
Điều trị ngứa do bệnh gan
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu các phương pháp điều trị chứng ngứa ngáy do bệnh gan. Tuy nhiên, không có cách điều trị nhất định bởi các bác sĩ vẫn chưa biết nguyên do nào gây ra tình trạng này.
Sử dụng thuốc theo toa có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bao gồm:
- Thuốc chứa chất cô lập axit mật, như cholestyramine
- Loại axit mật có thể giúp cơ thể loại bỏ các axit mật khác, như axit ursodeoxycholic
- Kháng sinh rifampicin (Ridafin)
- Chất ức chế opioid, như naloxone và naltrexone
- Một chất đối kháng thụ thể serotonin gọi là sertrainline
Tuy nhiên, các phương pháp điều trị kể trên nếu sử dụng kéo dài đều có thể tiềm ẩn tác dụng phụ. Chính vì thế, các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm các loại thuốc khác để sử dụng cho các trường hợp ngứa do bệnh gan.
Một số biện pháp khắc phục mẩn ngứa da tại nhà
Hãy áp dụng một số mẹo khác để giảm mẩn ngứa, dị ứng:
- Thoa kem dưỡng ẩm trên da
- Tránh sử dụng các chất kích thích, như dùng mỹ phẩm và dưỡng da có mùi
- Tắm nước mát
- Chườm khăn mát lên vùng da bị ngứa
- Tránh ở nơi nào quá nóng
- Chọn quần áo làm bằng chất liệu vải thoáng mát
- Tránh bị trầy xước da hết mức có thể
- Sử dụng kem chứa bạc hà có thể giúp làm dịu và mát làn da đang bị ngứa
Nổi mẩn ngứa có nguy hiểm không?
Thông thường, tình trạng mẩn đỏ ngứa ngáy trên da là vô hại và không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. Nhưng đôi khi đây chính là dấu hiệu của tổn thương gan.
Thông thường bệnh gan cũng sẽ không có nhiều triệu chứng rõ ràng nếu ở giai đoạn sớm.
Tuy nhiên, bạn nên khám bác sĩ nếu như xuất hiện đồng thời các triệu chứng sau:
- Lòng trắng mắt bị vàng, một dấu hiệu bệnh vàng da
- Mệt mỏi và suy nhược
- Chán ăn dẫn tới sụt cân
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
Người bị nổi mẩn ngứa do bệnh gan tiến triển nặng cần phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị gan càng sớm càng tốt.
Đào Tâm