Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm phía trước cổ, dưới yết hầu, có vai trò quan trọng đối với hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Phụ nữ bị bệnh tuyến giáp nhiều hơn nam giới khoảng 7-8 lần.
Hiện nay, các bệnh lý về tuyến giáp xuất hiện ngày càng nhiều, thường gặp là suy giáp, cường giáp và ung thư tuyến giáp. Tỉ lệ phụ nữ mắc cường giáp nhiều hơn gấp 7 lần, bị suy giáp gấp 8 lần so với nam giới.
Vai trò của tuyến giáp với cơ thể
Tuyến giáp có hình dạng giống như một con bướm nằm ở trước cổ, ngang hàng với các đốt xương sống C5 – T1, cấu tạo gồm 2 thùy (thùy trái và thùy phải) được nối với nhau qua một eo tuyến, nằm áp vào mặt trước bên của sụn giáp và phần trên khí quản.
Vị trí giải phẫu của tuyến giáp
Đây là bộ phận giữ chức năng bài tiết, dự trữ và giải phóng hai hormone T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine), điều hành quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể. Khi bộ phận này hoạt động bình thường, việc trao đổi chất trong cơ thể luôn duy trì ổn định, không quá nhanh, cũng không quá chậm. Ngược lại, sự bất thường trong hoạt động của tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh, đồng thời cũng là biểu hiện của một số bệnh lý liên quan.
Vai trò của hormone tuyến giáp với phát triển cơ thể:
- Tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích sinh trưởng phát dục
- Kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp
- Tác động chức năng hoạt động tuyến sinh dục và tuyến sữa
- Điều hòa quá trình tạo nhiệt, làm tăng đường huyết
- Kích thích sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh ngay từ khi còn trong bào thai.
Nguyên nhân phụ nữ bị bệnh tuyến giáp nhiều hơn nam giới
Nguyên nhân đến từ sự khác biệt trong cấu tạo giải phẫu cơ thể cũng như các nhiệm vụ sinh lý của nữ giới. Hơn nữa, trong suốt vòng đời của mình, cơ thể nữ giới phải trải qua nhiều biến động về nội tiết tố hơn nam giới. Các giai đoạn biến động nội tiết ở nữ giới có thể kể ra là quá trình dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai, giai đoạn sau sinh và cho con bú, thời kỳ mãn kinh. Sự biến đổi hormone trong các thời kỳ này đều có liên quan mật thiết đến hormone tuyến giáp.
Tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt:
Cơ thể đang dậy thì có nhu cầu hormone tuyến giáp rất lớn để đảm bảo sự phát triển. Lẽ dĩ nhiên là tuyến giáp tăng kích thước để giữ lấy nhiều iod để sản sinh nhiều hormone hơn. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ iod cho tuyến giáp thì nó sẽ phình to ra tạo nên bướu giáp.
Tuyến giáp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ nên nếu hormone tuyến giáp được tiết ra quá nhiều hoặc quá ít đều có thể dẫn đến những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ từ nhẹ đến nặng, rối loạn kinh nguyệt hoặc các biểu hiện bất thường liên quan:
- Nếu thiếu hormone tuyến giáp phụ nữ có thể bị rong kinh, đa kinh.
- Ngược lại, nếu thừa hormone tuyến giáp lại gây tình trạng ít kinh, vô kinh.
Rối loạn hormone tuyến giáp có thể gây rối loạn kinh nguyệt
Phụ nữ thời kỳ mang thai, sinh con và cho con bú:
Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ sinh ra 2 hormone chính: βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hormone TSH (hormone kích thích giáp trạng), lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen (hormone sinh dục nữ) sẽ làm tăng hormone tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hormone tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Như vậy chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nếu TSH, FT3 và FT4 bình thường. Tuyến giáp có thể tăng kích thước khoảng 10-15% trong quá trình mang thai, gọi là bướu cổ. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ sống ở vùng núi – nơi thiếu hụt iod.
Các hormone tuyến giáp có tác dụng kích thích sinh trưởng và phát dục. Do đó các bệnh lý tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới. Bệnh lý tuyến giáp có thể rối loạn chu kỳ kinh nguyệt từ đó ảnh hưởng đến việc thụ thai.
Trong quá trình mang thai, phụ nữ mắc các bệnh lý tuyến giáp có thể tiềm ẩn nguy cơ tiền sản, sinh non hoặc suy tim,… Trong 10-12 tuần đầu của thai kỳ, đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của người mẹ. Hết 3 tháng đầu, cơ thể của bé sẽ tự sản xuất ra hormone tuyến giáp. Mặc dù vậy, bé vẫn phải phụ thuộc chính vào lượng iod bà mẹ ăn vào.
Phụ nữ thời kỳ mãn kinh:
Nồng độ estrogen giảm đáng kể trong thời kỳ mãn kinh. Điều này gây ra nhiều triệu chứng liên quan đến mãn kinh. Nồng độ estrogen cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Suy giáp và mãn kinh cũng có nhiều triệu chứng chồng chéo nhau. Nếu có cả hai bệnh lý này thì có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng chồng chéo nhau.
Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp ở phụ nữ
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ đó là kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu phát hiện thấy những bất thường ở cổ, hoặc có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, cùng các triệu chứng được nêu ở trên, bạn nên gặp bác sĩ ngay. Việc phát hiện và có biện pháp chữa trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.
Ngoài ra chúng ta cũng có thể phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp bằng cách:
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả giúp cân bằng hormone tuyến giáp. Bổ sung đầy đủ Iod vào chế độ ăn để giúp tuyến giáp có đủ nguyên liệu sản sinh hormone và phòng bệnh tuyến giáp. Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai cần chú ý bổ sung đầy đủ Iod để phòng ngừa nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, đồng thời giúp thai nhi phát triển trí tuệ.
Bổ sung đầy đủ I-ốt vào chế độ ăn để phòng bệnh tuyến giáp
- Tập thể dục thường xuyên để giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng giúp hạn chế bệnh tật.
- Thực hiện lối sống khoa học, ngủ sớm, đúng giờ, không thức khuya. Không sử dụng rượu bia, các chất kích thích hay ăn loại đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ.
DS Phan Hiền