Cường giáp là khi tuyến giáp sản xuất hormone quá mức gây ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất trong cơ thể. Tìm hiểu dấu hiệu nhận biết bệnh cường giáp và cách điều trị.
Tìm hiểu về chức năng của tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình bướm ở cổ dưới phần cổ họng. Tuyến giáp có ảnh hưởng vô cùng lớn tới sức khỏe. Mọi hoạt động trao đổi chất của cơ thể đều được điều chỉnh bởi các hormone tuyến giáp.
Có hai hormone chính ảnh hưởng đến cách hoạt động của cơ thể được tạo ra trong tuyến giáp. Chúng được gọi là thyroxine (T-4) và triiodothyronine (T-3).
Tuyến giáp giúp kiểm soát tim đập nhanh và tốc độ đốt cháy calo. Do tuyến giáp tiết ra hormone để kiểm soát hoạt động trao đổi chất trong cơ thể (tất cả các hoạt động của cơ thể để biến thức ăn thành năng lượng và giúp cơ thể hoạt động bình thường).
Một hormone quan trọng khác mà tuyến giáp tạo ra là hormone tuyến cận giáp. Đây là loại hormone giúp duy trì lượng canxi ở mức phù hợp trong máu.
Cường giáp hay còn được gọi là tuyến giáp hoạt động quá mức, có thể làm tăng cường tốc độ trao đổi chất và gây các triệu chứng khó chịu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh cường giáp
Khi bị cường giáp, người bệnh có thể gặp phải một số dấu hiệu dễ nhận thấy dưới đây:
- Mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể
- Thường xuyên lo lắng hoặc cáu kính
- Giảm cân không rõ nguyên nhân, ngay cả khi vẫn có cảm giác thèm ăn và đảm bảo đủ khẩu phần ăn
- Nhịp tim nhanh – thường hơn 100 nhịp/phút
- Run – thường run nhẹ ở bàn tay và ngón tay
- Đổ mồ hôi
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt đối với nữ giới
- Tăng nhạy cảm với nhiệt
- Thay đổi thói quen đi ngoài, có thể đi vệ sinh nhiều hơn
- Có hiện tượng bướu cổ do tuyến giáp bị sưng to
- Da mỏng đi
- Tóc mỏng và dễ gãy rụng
Đối với người cao tuổi, thì có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng tương tự như nhịp tim nhanh hoặc nhạy cảm với nhiệt độ hơn, hoặc có thể cảm thấy mệt mỏi hơn vào cuối ngày.
Với những người mới bị cường giáp, có thể cảm thấy nhiều năng lượng hơn bình thường. Đây là hệ quả của việc quá trình trao đổi chất trong cơ thể được đẩy nhanh. Tuy nhiên, theo thời gian sự gia tăng quá trình trao đổi chất có thể khiến cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
Cường giáp là bệnh có tiến triện khá chậm. Tuy nhiên với người trẻ tuổi bị mắc bệnh thì các triệu chứng lại có thể xuất hiện khá đột ngột.
Nguyên nhân gây ra cường giáp
Một số vấn đề được cho là nguyên nhân gây ra cường giáp bao gồm:
Bệnh Graves
Bệnh rối loạn hệ miễn dịch này là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp (hơn 70% trường hợp). Thông thường, các kháng thể trong máu đi theo vi khuẩn, nhưng nếu bị mắc bệnh Graves các kháng thể này sẽ kích hoạt tuyến giáp thay thế. Điều này dẫn tới tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp T-4 và T-3. Tuy nguyên nhân của bệnh chưa được làm rõ nhưng thường bệnh có xu hướng lây trong gia đình.
Tăng chức năng tuyến giáp (U tuyến độc, bướu cổ đa nhân độc hoặc bệnh Plummer)
Dạng cường giáp này xảy ra khi một hoặc nhiều u tuyến giáp sản xuất quá nhiều T-4. U tuyến là một phần của tuyến đã tự tách khỏi phần còn lại của tuyến giáp, tạo thành các cục u nhưng không phải ung thư (u lành tính) gây ra tuyến giáp mở rộng.
Viêm tuyến giáp
Bị nhiễm trùng hoặc hệ miễn dịch gặp vấn đề có thể khiến tuyến giáp bị viêm và rò rỉ hormone vào máu. Đối với tình trạng này, tuyến giáp bị sưng mà không có lý do rõ ràng. Điều này thường xảy ra và sau đó là suy giáp, trong đó tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Những vấn đề này thường là tạm thời. Viêm tuyến giáp có thể xảy ra trong trường hợp:
- Sau khi mang thai
- Nhiễm vi rút hoặc gặp vấn đề với hệ miễn dịch
- Dùng quá nhiều thuốc tuyến giáp
Bạn cũng có khả năng bị cường giáp nếu bổ sung quá nhiều i-ốt trong chế độ ăn uống hoặc do dùng quá nhiều hormone tuyến giáp.
Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?
Người bị bệnh cường giáp không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến các cơ quan khác như:
Vấn đề tim mạch: Biến chứng nghiêm trọng nhất của cường giáp liên quan đến tim như: nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim gọi là rung nhĩ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim sung huyết – tình trạng tim không thể lưu thông đủ máu để đáp ứng nhu cầu cơ thể.
Loãng xương: Không điều trị kịp thời cường giáp cũng có thể khiến xương yếu và giòn. Do sức mạnh của xương phụ thuộc một phần vào lượng canxi và các khoáng chất khác trong đó. Việc tạo quá nhiều hormone tuyến giáp gây cản trở khả năng hấp thu canxi vào xương.
Gặp vấn đề về mắt: Cường giáp do bệnh Graves phát triển các vấn đề về mắt như mắt lồi, đỏ hoặc sưng, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt,… Các vấn đề này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới mất thị lực.
Da đỏ, sưng tấy: Trường hợp hiếm người bị cường giáp do bệnh Graves có thể mắc bệnh da gây sưng đỏ, thường gặp ở ống chân và bàn chân.
Khủng hoảng nhiễm độc tuyến giáp: Cường giáp cũng làm tăng nguy cơ bị khủng hoảng nhiễm độc giáp – sự tăng cường đột ngột các triệu chứng, dẫn đến sốt, mạch đập nhanh. Nếu tình trạng này xảy ra thì cần phải đưa người bệnh đi cấp cứu ngay tức thì.
Điều trị bệnh cường giáp như thế nào?
Việc điều trị bệnh cường giáp sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số cách điều trị được áp dụng gồm:
Thuốc kháng giáp
Thuốc Methimazole (Tapazole) và propylthiouracil (PTU) giúp ngăn chặn tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone. Những loại thuốc này có thể giúp làm dịu các triệu chứng trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, mặc dù có thể cần duy trì thuốc tới 18 tháng để phòng nguy cơ tái phát.
Thuốc Methimazole có ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn vì thế thường được kê đơn hơn. Tác dụng phụ thường thấy gồm phát ban hoặc ngứa. Có khoảng 3% người dùng thuốc kháng giáp có phản ứng dị ứng.
Tuy nhiên, hiếm khi các loại thuốc kháng giáp có thể khiến cơ thể tạo ra ít tế bào bạch cầu hơn, gây ra tình trạng mất bạch cầu hạt khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn.
Thuốc kháng giáp cũng hiếm khi gây hại tới gan người sử dụng. Vì thế nếu uống thuốc mà gặp phải tình trạng vàng da hoặc mắt, mệt mỏi, sốt cao, đau họng hoặc đau bụng thì cần gọi hỏi ý kiến bác sĩ ngay.
Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta có tác dụng điều trị nồng độ hormone tuyến giáp nhưng lại có thể giúp giảm các triệu chứng như lo lắng, run hoặc tim đập nhanh.
Thuốc chẹn beta ảnh hưởng đến các hormone tuyến giáp hoạt động trên cơ thể người bệnh. Chúng thường dùng để trị huyết áp cao.
Tác dụng phụ khi dùng thuốc gồm đau đầu, chóng mặt, gặp vấn đề về tiêu hóa…
Phóng xạ I – ốt
Người bệnh cần nuốt một lượng nhỏ I – ốt phóng xạ. Các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ hấp thu nó và tiêu diệt chúng. Hệ quả là tuyến giáp co lại và mức độ hormone tuyến giáp sẽ giảm xuống. Có thể cần phải điều trị nhiều lần.
Vì thuốc này giúp tuyến giáp hoạt động chậm lại nên cũng có thể gây ra suy giáp. Hiện tượng này dễ điều trị hơn cường giáp, chỉ cần uống bổ sung hormone mỗi ngày một lần. Thường mất từ 3 – 6 tháng để phương pháp trị cường giáp này có tác dụng.
Bác sĩ đã sử dụng I – ốt phóng xạ để điều trị cường giáp từ hơn 60 năm này trên toàn thế giới. Vì thế giải pháp này được coi là an toàn và được áp dụng điều trị trên 70% trường hợp bị cường giáp.
Phẫu thuật
Nếu sử dụng thuốc không có tác dụng điều trị, bác sĩ có thể loại bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp của người bệnh. Đây gọi là phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng giáp trước khi phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể bị suy giáp và cần bổ sung hormone. Nếu như các tuyến cận giáp cũng bị cắt bỏ thì có thể cần dùng thuốc để duy trì mức canxi trong máu ở mức an toàn.
Phẫu thuật tuyến giáp cũng tiềm ẩn một số rủi ro như làm hỏng dây thanh quản và tuyến cận giáp của người bệnh.
Đào Tâm
(Theo Webmd, Mayoclinic)