Tại sao cần cảnh giác với tình trạng tim đập nhanh?

Nhịp tim bình thường khoảng 60 – 100 nhịp, cao hơn 100 nhịp là nhịp tim nhanh. Tình trạng tim đập nhanh hơn bình thường có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

tình trạng tim đập nhanh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tim đập nhanh

Để tìm hiểu xem tim đập nhanh có nguy hiểm không, cần xác định nguyên nhân nào gây ra tình trạng này.

Phản ứng với những cảm xúc căng thẳng

Những cảm xúc căng thẳng chẳng hạn như lo lắng, tức giận và sợ hãi, có thể khiến nhịp tim tăng lên. Khi cơ thể gặp căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ tiết ra epinephrine hay còn gọi là adrenaline. Epinephrine có thể khiến một người bị:

  • Tăng nhịp tim
  • Tăng huyết áp
  • Đồng tử mở rộng
  • Đánh trống ngực, trong đó nhịp tim có thể tăng, giảm hoặc có cảm giác như bị lệch nhịp
  • Đổ mồ hôi
  • Cảm giác lo lắng

Một người thường xuyên trải qua những cảm xúc căng thẳng có thể có nguy cơ mắc một số bệnh. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) lưu ý rằng căng thẳng mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, chẳng hạn như huyết áp cao, đau tim hoặc đột quỵ. Sau đây là một số biện pháp hữu ích để kiểm soát căng thẳng:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tham gia vào các hoạt động thư giãn, chẳng hạn như thiền hoặc mát xa
  • Học cách thiết lập mục tiêu và xác định những ưu tiên trong công việc, cuộc sống
  • Nói chuyện với bạn bè và gia đình để được hỗ trợ hoặc giúp đỡ về mặt tinh thần
  • Nói chuyện với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu bạn cảm thấy lo ngại về bất kỳ vấn đề tinh thần nào.
tình trạng tim đập nhanh
Tập thể dục thường xuyên giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả

Phản ứng với một số chất hóa học

Các chất có thể khiến nhịp tim của một người tăng nhanh bao gồm:

Caffeine

Caffeine là một chất kích thích được tìm thấy trong nhiều loại đồ uống, chẳng hạn như cà phê, trà, một số loại nước ngọt và nước tăng lực. Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm (FDA) cho rằng một người trưởng thành có thể sử dụng tới 400 miligam (mg) caffeine mỗi ngày tương đương với khoảng 4 hoặc 5 tách cà phê. Tuy nhiên, lượng caffein một người có thể tiêu thụ mà không có tác dụng phụ phụ thuộc vào độ nhạy cảm với caffein của họ. Một người sử dụng quá nhiều caffeine có thể gặp phải các triệu chứng:

  • Mất ngủ
  • Cảm thấy bồn chồn, lo lắng
  • Nhịp tim nhanh
  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Đau đầu
tình trạng tim đập nhanh
Tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể khiến tim đập nhanh hơn

Rượu

Một nghiên cứu từ năm 2014 cho thấy chỉ một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ ở một người. Rung tâm nhĩ là một tình trạng khiến tim của một người đập không đều và đôi khi nhanh bất thường.

Một nghiên cứu sâu hơn từ năm 2017 đã kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở cho thấy mối tương quan tỷ lệ thuận giữa nồng độ cồn và nhịp tim.

Nicotine

Nicotine là một chất hóa học có tính gây nghiện cao được tìm thấy trong thuốc lá. Nicotine cũng có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim.

Nghiên cứu năm 2016 ghi nhận thấy nicotine có thể làm tăng nhịp tim của một người lên 10⁠ – ⁠15 nhịp mỗi phút. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhịp tim và huyết áp của một người tăng lên bất kể nicotine được hút, hít vào hay ăn vào.

Chất kích thích bất hợp pháp

Các chất kích thích bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine và amphetamine, có thể khiến nhịp tim tăng cao. Nghiên cứu từ năm 2014 cho thấy những người sử dụng cocaine có nhiều khả năng bị nhịp tim không đều hoặc tăng.

Các bác sĩ đôi khi sử dụng amphetamine để điều trị cho những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc chứng ngủ rũ. Tuy nhiên, amphetamine có thể gây ra một loạt tác dụng phụ, bao gồm: huyết áp cao, nhịp tim tăng cao, đau đầu, khô miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ớn lạnh hoặc sốt, chóng mặt, bồn chồn…

Phản ứng với một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim như:

  • Thuốc hít
  • Thuốc tăng huyết áp
  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc trị nấm
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc kháng sinh

Sự thay đổi nội tiết tố

Sự gia tăng nhịp tim có thể xảy ra khi mang thai, nguyên nhân là do tim phải bơm máu đến nhau thai và xung quanh cơ thể. Một nghiên cứu từ 2019 cho thấy trung bình, nhịp tim của một người mang thai tăng 7 – ⁠8 nhịp mỗi phút.

tình trạng tim đập nhanh
Tim phải làm việc nhiều hơn khi mang thai

Ngoài ra, phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, sau mãn kinh sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Tổ chức Tim mạch Anh lưu ý rằng một người trong giai đoạn sau mãn kinh của cuộc đời có thể cảm thấy tim đập loạn nhịp.

Mất cân bằng điện giải

Chất điện giải là khoáng chất và muối tồn tại ở trong máu, giúp dẫn truyền các xung điện xung quanh cơ thể của một người. Một người bị mất cân bằng điện giải có thể bị tăng nhịp tim.

Triệu chứng của các bệnh lý

Cường giáp là tình trạng các hormon tuyến giáp được tạo ra quá nhiều. Trong khi các hormone này có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của tim và mạch máu ngoại biên, nhịp tim nhanh dạng nhịp nhanh xoang là tình trạng phổ biến trên lâm sàng. Nếu không được điều trị bệnh nhân cường giáp có nguy cơ bị những cơn loạn nhịp nguy hiểm, dễ trụy tuần hoàn.

Tình trạng tim đập nhanh cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như rối loạn nhịp, rung nhĩ. Nếu bạn nhận thấy tình trạng nhịp tim nhanh xảy ra thường xuyên, loại trừ các nguyên nhân thông thường như do cảm xúc hay sử dụng chất kích thích, cần đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và được điều trị kịp thời.

DS Phan Hiền