Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức, có thể gây ra một loạt các vấn đề. Biến chứng bệnh cường giáp ảnh hưởng đến nhiều chức năng quan trọng khác của cơ thể.
Cường giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình bướm nằm ở dưới cổ. Tuyến giáp tuy nhỏ nhưng có tác động đáng kinh ngạc đối với sức khỏe. Hormone tuyến giáp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, từ việc sử dụng chất dinh dưỡng, kiểm soát nhiệt độ cơ thể đến nhịp tim.
Có hai loại hormone chính mà tuyến giáp sản xuất là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Cả hai loại hormone này ảnh hưởng đến mọi tế bào trong cơ thể.
Triệu chứng bệnh cường giáp
Tuyến giáp sản xuất và giải phóng nhiều hormone hơn nhu cầu của cơ thể sẽ gây ra một số triệu chứng:
- Mắt sưng lên
- Giảm cân không rõ lý do
- Nhịp tim nhanh thường là hơn 100 nhịp mỗi phút
- Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim)
- Hay thèm ăn
- Thường xuyên lo lắng và khó chịu
- Run – thường là run nhẹ ở tay và ngón tay
- Đổ mồ hôi
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- Tăng nhạy cảm với nhiệt độ
- Đi đại tiện nhiều hơn
- Tuyến giáp phì đại (bướu cổ)
- Mệt mỏi và yếu cơ
- Khó ngủ
- Da mỏng, tóc mỏng và dễ gãy
Các biến chứng bệnh cường giáp
Nếu không được điều trị, bệnh cường giáp có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến tim, xương, cơ, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản.
Cường giáp khiến cơ thể luôn trong tình trạng hoạt động quá sức, gây ảnh hưởng đến tim. Một số biến chứng bệnh cường giáp liên quan đến tim có thể xảy ra gồm:
- Tăng huyết áp
- Loạn nhịp tim
- Tăng kích thước của các khoang tim, mỏng cơ tim
- Suy tim sung huyết
- Ngừng tim đột ngột
Bệnh cường giáp cũng làm tăng nguy cơ gây loãng xương do cường giáp làm mất mật độ khoáng của xương.
Phụ nữ mang thai bị bệnh cường giáp nhưng không điều trị có thể dẫn đến sinh non.
Nguyên nhân dẫn đến cường giáp
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến cường giáp là rối loạn tự miễn dịch. Ước tính có khoảng 85% bệnh nhân cường giáp bị rối loạn tự miễn. Cơ thể tạo ra một kháng thể (một loại protein do cơ thể sản xuất để bảo vệ chống lại vi rút hoặc vi khuẩn) được gọi là globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI) khiến tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp.
Một nguyên nhân khác khiến tuyến giáp hoạt động quá mức là các nốt tuyến giáp, những khối u (có thể không phải ung thư) trong tuyến giáp gây ra tình trạng sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.
Viêm tuyến giáp là một nguyên nhân khác có thể gây cường giáp. Viêm tuyến giáp thường là kết quả của nhiễm trùng hoặc trục trặc hệ thống miễn dịch khiến tuyến giáp tiết ra lượng hormone dư thừa. Nó cũng có thể xảy ra sau khi sinh con (được gọi là viêm tuyến giáp sau sinh) hoặc do dùng thuốc interferon và amiodarone.
Một nguyên nhân tiềm ẩn khác là dùng quá nhiều iốt, điển hình là từ các chất bổ sung hoặc từ các loại thuốc có chứa iốt, dẫn đến bướu cổ và làm trầm trọng thêm các vấn đề về tuyến giáp.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác cũng gây cường giáp là:
- Hội chứng rò rỉ ruột
- Nhiễm độc
- Mất cân bằng nội tiết tố
- Dị ứng thực phẩm
Chẩn đoán cường giáp bằng cách nào?
Cường giáp có nhiều triệu chứng tương đồng với các vấn đề sức khỏe khác. Để chẩn đoán, bác sĩ thường đề nghị xét nghiệm máu để xác định mức độ hormone bao gồm cả hormone kích thích tuyến giáp (hoặc TSH). Nồng độ TSH cường giáp thường thấp hơn bình thường, trong khi nồng độ hormone tuyến giáp T3 và T4 cao hơn bình thường.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu siêu âm, chụp tuyến giáp để xem xét hình dạng và kiểm tra xem có khối u hay không.
Phương pháp điều trị bệnh cường giáp
1. Dùng thuốc Tây y
Thuốc điều trị cường giáp
Nhóm thuốc này còn gọi là thuốc kháng giáp như methimazole (Tapazole) hoặc propylthioracil (PTU), giúp ngăn chặn tuyến giáp sản xuất hormone.
Iốt phóng xạ dạng uống
Các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ hấp thụ iốt phóng xạ, làm tổn thương và thu nhỏ các tế bào, dẫn đến nồng độ hormone giảm xuống. Hình thức điều trị này thường phá hủy vĩnh viễn tuyến giáp, đòi hỏi bệnh nhân phải dùng thuốc nội tiết tố tuyến giáp trong suốt quãng đời còn lại.
Thuốc chẹn beta
Đây là loại thuốc ngăn chặn hoạt động của hormone tuyến giáp. Thuốc chẹn beta sẽ không làm thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp, nhưng giúp kiểm soát các triệu chứng tuyến giáp hoạt động quá mức như nhịp tim nhanh, hồi hộp và run chân tay.
2. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp
Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải dùng thuốc bổ sung tuyến giáp để giữ mức hormone bình thường.
3. Các phương pháp hỗ trợ điều trị
Thay đổi chế độ ăn
Tăng cường rau củ quả, đặc biệt là các loại rau giàu dưỡng chất như cải xoăn, rau bina và tảo xoắn.
Người bệnh cũng nên bổ sung các loại thảo mộc có tính chống viêm và cải thiện chức năng tuyến giáp như húng quế, hương thảo và kinh giới cay.
Người bệnh nên tránh các loại thực phẩm giàu iốt như tảo bẹ, một số loại rong biển, muối bổ sung iốt, hải sản, vitamin tổng hợp có chứa iốt…
Sữa có chứa casein A1 – loại protein này có liên quan đến việc gia tăng tình trạng viêm ở tuyến giáp và đường tiêu hóa. Do vậy, người bệnh cường giáp cũng nên tránh.
Gluten là một loại protein có trong hầu hết các loại ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen) cũng gây ảnh hưởng đến bệnh cường giáp.
Đường gây ức chế chức năng miễn dịch và góp phần gây ra các bệnh tự miễn dịch.
Thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn có liên quan đến việc tăng tính thấm của ruột (ruột bị rò rỉ) và rối loạn tự miễn dẫn đến cường giáp. Do vậy, đây cũng là những thực phẩm mà người bệnh tuyến giáp nên tránh hoặc hạn chế.
Tập thể dục và giảm căng thẳng
Căng thẳng có thể góp phần gây ra các vấn đề về tuyến giáp, vì vậy nên thực hành các biện pháp giúp thư giãn như tập thể dục, ngồi thiền, đọc sách, nghe nhạc…
Tập thể dục hàng ngày không chỉ giúp giảm căng thẳng, mà còn làm giảm cảm giác thèm ăn quá mức và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Bổ sung L-carnitine
Nghiên cứu cho thấy L-carnitine là một dẫn xuất của axit amin lysine giúp giảm hoạt động của tuyến giáp, do đó giúp ích cho bệnh nhân cường giáp.
Vân Anh