Khi nghe nói đến “ung thư” hầu như ai cũng sợ hãi và lo lắng. Bệnh ung thư tuyến giáp phát triển khá chậm và có tỷ lệ chữa khỏi cao. Do vậy, bệnh nhân và người nhà nên bình tĩnh tìm hiểu, không nên quá….
Bệnh ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp là tình trạng các tế bào tuyến giáp phát triển bất thường. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở phía trước khí quản cổ, gồm 2 thùy trái và phải, nối với nhau bởi một eo giáp.
Bệnh ung thư tuyến giáp là bệnh có tiên lượng tốt có nghĩa là khả năng chữa khỏi và phục hồi tốt, nếu phát hiện sớm. Do vậy, việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh là điều vô cùng quan trọng.
Tại sao bệnh ung thư tuyến giáp ngày càng gia tăng?
Trên toàn cầu, hầu hết các loại ung thư đều có xu hướng gia tăng. Nguyên do là ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống, nhiễm vi sinh vật…
Với bệnh ung thư tuyến giáp, theo TS.BS Ngô Xuân Quý – Trường khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K: Do trình độ nhận thức của người dân tăng cao, người dân chủ động đi khám khi có triệu chứng bất thường, cộng với việc ứng dụng các phương tiện chẩn đoán u tuyến giáp (đặc biệt là siêu âm) tại các bệnh viện nên ngày càng nhiều ca bệnh ung thư tuyến giáp được phát hiện.
Dấu hiệu, triệu chứng ung thư tuyến giáp
Giống như các loại ung thư khác, bệnh ung thư tuyến giáp không có dấu hiệu đặc trưng khi mới khởi phát. Do vậy, nhiều người chỉ tình cờ phát hiện ra bệnh khi đi khám sức khỏe.
Tuy vậy, vẫn có thể xuất hiện một số biểu hiện cảnh báo u tuyến giáp như dưới đây:
- Tuyến giáp nổi u: Có thể nhìn thấy khối u bằng mắt thường, cứng, di chuyển lên xuống theo nhịp nuốt.
- Hạch cổ bất thường: Xuất hiện hạch nhỏ, mềm, di động, nằm ở cùng bên với khối u.
Khi ung thư tuyến giáp đã tiến triển sang giai đoạn muộn, người bệnh sẽ có những dấu hiệu sau:
- Giảm cân bất thường
- Khối u phát triển to lên, di chuyển lên xuống theo nhịp nuốt
- Khàn tiếng do khối u chèn ép vào thanh quản
- Nuốt vướng do khối u chèn ép vào thực quản
- Khó thở do khối u chèn ép vào khí quản
- Sờ thấy hạch ở cổ
- Đau xương do ung thư di căn xương
Khi nhận thấy những triệu chứng này, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
>> Xem thêm Dấu hiệu cảnh báo ung thư ai cũng nên biết!
Phân loại ung thư tuyến giáp
Thông thường, có những loại ung thư tuyến giáp sau đây:
- Ung thư tuyến giáp thể nhú: Loại này chiếm từ 70-80% các ca ung thư tuyến giáp. Thể này tiến triển chậm nhưng lại dễ di căn hạch cổ. Tuy vậy, tỷ lệ chữa khỏi bệnh vẫn cao.
- Ung thư tuyến giáp thể nang: Loại này chiếm từ 10-15% các ca ung thư tuyến giáp. Thể này cũng di căn hạch cổ, tốc độ tiến triển nhanh và có thể di căn vào phổi, xương.
- Ung thư tuyến giáp thể tuỷ: Loại này chiếm từ 5-10%, thường liên quan đến nội tiết trong cơ thể và di truyền trong gia đình.
- Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Loại này chiếm dưới 2%, là thể ác tính nhất, khó khăn trong việc điều trị.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp
Trong số các nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp, có thể phân loại ra yếu tố có thể phòng ngừa và yếu tố không thể phòng ngừa.
Yếu tố không thể phòng ngừa
- Di truyền: Khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân ruột thịt trong nhà đã hoặc đang mắc bệnh.
- Tuổi tác: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt và thời kỳ mang thai đã kích thích hình thành u và hạch tuyến giáp.
- Nhiễm phóng xạ: Không may bị nhiễm phóng xạ qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa cũng gây ảnh hưởng đến tuyến giáp.
Yếu tố có thể phòng ngừa
- Rối loạn miễn dịch: Hệ miễn dịch bị rối loạn sẽ tạo cơ hội cho virut, vi khuẩn tấn công làm hại cơ thể, trong đó có tuyến giáp. Do vậy, khi bị rối loạn miễn dịch hoặc suy giảm hệ miễn dịch, cần tìm biện pháp chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ điều trị, tránh để tình trạng này tiến triển gây thêm nhiều bệnh.
- Mắc bệnh tuyến giáp: Với những người đã bị bệnh tuyến giáp như bướu giáp, bệnh basedow, suy giáp, viêm tuyến giáp… thì nguy cơ tiến triển thành ung thư tuyến giáp sẽ tăng cao hơn so với những người khác. Do vậy, khi mới mắc bệnh này, cần được điều trị triệt để, tránh để lâu ngày.
- Ăn uống và sinh hoạt hàng ngày: Thiếu hoặc thừa I ốt, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá… làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Điều trị bệnh ung thư tuyến giáp như thế nào?
Phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và thể trạng người bệnh. Thông thường, các biện pháp điều trị gồm:
Phẫu thuật
Có thể là cắt thùy giáp trạng, cắt tuyến giáp toàn phần, cắt tuyến giáp bán phần… Phẫu thuật có vai trò quan trọng nhất có tính chất quyết định đến kết quả điều trị.
Điều trị hormone
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng liệu pháp hormone tuyến giáp trọn đời. Thuốc hormone vừa giúp đảm bảo các hoạt động nội tiết bình thường trong cơ thể vừa giúp kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư còn sót lại sau khi tuyến giáp được cắt bỏ.
Điều trị phóng xạ I ốt
Phương pháp phóng xạ I ốt (dạng lỏng hoặc viên nén) có thể tìm và phá hủy các tế bào tuyến giáp mà không cần phẫu thuật. Biện pháp này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể nhú, u nang, ung thư tuyến giáp biệt hóa đã di căn.
Phương pháp hóa trị
Dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau.
Phương pháp xạ trị
Sử dụng tia X có mức năng lượng cao chiếu vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này chỉ được áp dụng với ung thư giai đoạn cuối đã di căn đến các bộ phận khác.
Mắc bệnh ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?
Câu trả lời phụ thuộc vào giai đoạn và thể trạng của người bệnh. Ung thư tuyến giáp thể nhú nếu phát hiện sớm và được điều trị phù hợp thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Sau khi điều trị, người bệnh có thể kéo dài tuổi thọ đến 20 năm, thậm chí có thể sống thọ như những người bình thường khác.
Chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư tuyến giáp
Thực phẩm người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn
- Rau củ: Rau cải bó xôi, rau diếp, rau mồng tơi, nấm…
- Các loại hạt: Hạt điều, hạnh nhân, hạt bí, đậu Hà Lan, mầm lúa mì…
- Hải sản: Tôm, cua, cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá bơn…
- Thực phẩm giàu I ốt: Tảo biển, rong biển, muối I ốt (tuy nhiên không nên ăn quá nhiều I ốt kẻo các triệu chứng tồi tệ hơn)…
Thực phẩm người bệnh ung thư tuyến giáp nên tránh:
- Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành chưa lên men (đậu phụ, sữa đậu nành)
- Rau họ cải: Cải xoăn, bắp cải, củ cải…
- Thức ăn chế biến sẵn: Xúc xích, thịt nguội…
- Nội tạng động vật: Tim, gan, lòng…
- Đường: Tránh cho thêm đường vào đồ ăn, thức uống, hạn chế ăn bánh kẹo ngọt.
- Tránh uống cà phê, sữa cùng thời điểm uống thuốc tuyến giáp vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
Vân Anh