Bệnh tự miễn có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu!

Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động không đúng cách, quay lại tấn công chính cơ thể. Bệnh tự miễn không thể điều trị khỏi hoàn toàn và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn không thể điều trị khỏi hoàn toàn

Bệnh tự miễn là gì?

Bệnh tự miễn là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công vào cơ thể. Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể bảo vệ cơ thể, chống lại các tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, và thậm chí là nấm.

bệnh tự miễn
Hệ miễn dịch giúp chống lại các mầm bệnh từ môi trường sống

Trong bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch mất khả năng phân biệt tự kháng nguyên và kháng nguyên, từ đó giải phóng các protein được gọi là tự kháng thể tấn công vào các tế bào khỏe mạnh. Một số bệnh tự miễn chỉ nhắm vào một cơ quan, ví dụ bệnh tiểu đường loại 1 làm tổn thương tuyến tụy. Trong khi các bệnh khác, như lupus ban đỏ hệ thống (SLE), ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Tại sao hệ miễn dịch lại tấn công vào chính cơ thể?

Các nhà nghiên cứu không biết chính xác nguyên nhân gây ra hoạt động sai lệch trong hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, một số người có nhiều nguy cơ mắc bệnh tự miễn dịch hơn những người khác:

  • Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tự miễn hơn nam giới: Theo một nghiên cứu năm 2014, phụ nữ mắc các bệnh tự miễn với tỷ lệ cao hơn so với nam giới (khoảng 6,4% phụ nữ so với 2,7% nam giới). Thường bệnh bắt đầu trong độ tuổi sinh nở của phụ nữ (từ 15 đến 44 tuổi).
Bệnh tự miễn
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao hơn nam giới
  • Một số bệnh tự miễn phổ biến hơn ở một số nhóm dân tộc nhất định. Ví dụ, bệnh lupus ảnh hưởng đến nhiều người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha hơn người da trắng.
  • Một số bệnh tự miễn dịch, như bệnh đa xơ cứng và bệnh lupus, có tính chất gia đình. Không phải mọi thành viên trong gia đình đều sẽ mắc bệnh giống nhau, nhưng họ có tính nhạy cảm với tình trạng tự miễn dịch.

Do tỷ lệ mắc các bệnh tự miễn đang tăng lên, các nhà nghiên cứu nghi ngờ các yếu tố môi trường như nhiễm trùng và tiếp xúc với hóa chất hoặc dung môi cũng có thể liên quan đến bệnh tự miễn. Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn được cho là có liên quan đến chứng viêm, có thể gây ra phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, điều này chưa được chứng minh.

Các bệnh tự miễn thường gặp

Có hơn 80 bệnh tự miễn dịch khác nhau. Dưới đây là một số bệnh tự miễn phổ biến nhất:

Bệnh tiểu đường loại 1

Tuyến tụy sản xuất hormone insulin, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Trong bệnh tiểu đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Kết quả là lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến tổn thương mạch máu, cũng như các cơ quan như tim, thận, mắt và dây thần kinh.

Bệnh tự miễn
Tuyến tụy tiết ra Insulin để điều hòa đường huyết

Viêm khớp dạng thấp (RA)

Trong bệnh viêm khớp dạng thấp (RA), hệ thống miễn dịch tấn công các khớp gây đỏ, nóng, đau và cứng khớp. Không giống như viêm xương khớp thường ảnh hưởng đến người già, viêm khớp dạng thấp có thể bắt đầu sớm hơn (ở độ tuổi 30 hoặc sớm hơn nữa).

Bệnh vẩy nến/ viêm khớp vẩy nến

Tế bào da thường phát triển và sau đó chết đi khi không còn cần thiết nữa. Bệnh vẩy nến khiến các tế bào da nhân lên quá nhanh. Các tế bào thừa tích tụ và tạo thành các mảng đỏ bị viêm, thường là các mảng bám vảy trắng bạc trên da.

Có đến 30% người bị bệnh vẩy nến cũng bị sưng, cứng và đau ở các khớp của họ. Dạng bệnh này được gọi là bệnh viêm khớp vảy nến.

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE)

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một bệnh lý viêm tự miễn mạn tính có biểu hiện bệnh ở nhiều hệ cơ quan, xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trẻ tuổi. Các biểu hiện thông thường có thể bao gồm đau khớp, hội chứng Raynaud, ban gò má và các ban khác, viêm màng phổi và viêm màng ngoài tim, tổn thương thận hoặc thần kinh trung ương, giảm các dòng tế bào máu.Bệnh tự miễn

Bệnh lupus ban đỏ có thể gây tổn thương nhiều cơ quan

Bệnh Basedow

Bệnh Basedow tấn công tuyến giáp ở cổ, khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Tăng sản xuất quá mức các hormone tuyến giáp gây ra các triệu chứng: ăn nhiều, tinh thần bất ổn, nhịp tim nhanh hơn 90 lần/phút, tiếng tim đập mạnh, huyết áp tăng, xuất hiện bướu cổ lan, run đầu chi, gầy sút cân mặc dù ăn bình thường hoặc ăn nhiều, tính tình thất thường hay cáu gắt hoặc trầm cảm, rối loạn điều hòa thân nhiệt với biểu hiện da nóng ẩm, có tăng nhẹ nhiệt độ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn sinh dục biểu hiện bằng suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt…

Một triệu chứng tiềm ẩn của bệnh này là mắt lồi, xảy ra ở khoảng 30% những người mắc bệnh Basedow.

Phan Hiền