Bệnh bướu cổ (hay còn gọi là bệnh Basedow) là một bệnh nội tiết phổ biến, chiếm khoảng 10-30% các bệnh lý tuyến giáp. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam (80%), đặc biệt là phụ nữ trẻ từ 21 – 30 tuổi.
Bệnh bướu cổ (bệnh basedow) là gì?
Bệnh bướu cổ là một rối loạn hệ thống miễn dịch dẫn đến sản xuất quá mức các hormone tuyến giáp (cường giáp). Bệnh có nhiều tên gọi khác như bệnh Grave, bệnh Parry, bệnh cường giáp tự miễn…
Triệu chứng của bệnh bướu cổ basedow
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh bướu cổ bao gồm:
- Lo lắng và cáu kỉnh
- Run nhẹ bàn tay hoặc ngón tay
- Nhạy cảm với nhiệt và tăng tiết mồ hôi hoặc da ẩm, ấm
- Giảm cân, ngay cả khi ăn uống bình thường
- Bướu giáp lớn, mềm, đàn hồi hoặc hơi cứng. Nếu bướu lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận. Một vài bệnh nhân có thể không có bướu giáp lớn.
- Vùng cổ đỏ, nóng.
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
- Rối loạn cương dương hoặc giảm ham muốn tình dục
- Đi tiểu thường xuyên
- Mắt lồi (biến chứng mắt của Basedow)
- Mệt mỏi
- Da dày, đỏ thường ở ống chân hoặc mặt trên của bàn chân (biến chứng da của Basedow)
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều (đánh trống ngực)
- Rối loạn giấc ngủ
Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ basedow
Bệnh bướu cổ là bệnh tự miễn chưa rõ nguyên nhân. Hệ thống miễn dịch thường tạo ra các kháng thể được thiết kế để nhắm vào một loại virus, vi khuẩn cụ thể hoặc các chất lạ khác. Trong bệnh bướu cổ basedow, hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đối với một phần của các tế bào trong tuyến sản xuất hormone ở cổ (tuyến giáp).
Thông thường, chức năng tuyến giáp được điều chỉnh bởi một loại hormone được tiết ra bởi một tuyến nhỏ ở đáy não (tuyến yên). Kháng thể liên quan đến bệnh bướu cổ basedow – kháng thể thụ thể thyrotropin (TRAb) – hoạt động giống như hormone điều hòa tuyến yên. TRAb gắn vào receptor của hormone TSH tại màng tế bào tuyến giáp, kích thích tế bào tuyến giáp phát triển về mặt số lượng, tăng cường hoạt động chức năng, tổng hợp và giải phóng nhiều hormone tuyến giáp vào trong máu, gây nên các biểu hiện nhiễm độc giáp và các biểu hiện tự miễn trên lâm sàng.
Các yếu tố nguy cơ
- Tiền sử gia đình: Có một hoặc nhiều loại gen gây ra bướu cổ
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh basedow hơn nam giới.
- Tuổi tác: Bệnh bướu cổ basedow thường xuất hiện trước độ tuổi 40.
- Các rối loạn tự miễn dịch khác: Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc viêm khớp dạng thấp, có nguy cơ mắc bướu cổ cao hơn những người khác.
- Căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất: Các biến cố căng thẳng trong cuộc sống hoặc bệnh tật có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khởi phát của bệnh basedow ở những người có gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Mang thai: Mang thai hoặc sinh con gần đây có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn này, đặc biệt ở những phụ nữ có gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh basedow. Những người hút thuốc bị bệnh bướu cổ cũng có nhiều nguy cơ bị biến chứng ở mắt.
Điều trị bệnh bướu cổ basedow như thế nào?
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh bướu cổ basedow. Mục tiêu điều trị chính là giảm lượng hormone tuyến giáp mà cơ thể sản xuất và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, kinh nghiệm của bác sĩ và mức độ tuân thủ của bệnh nhân mà sẽ có các phương án điều trị khác nhau được cân nhắc phù hợp.
- Điều trị nội khoa (dùng thuốc): Đây là phương án bảo tồn, tương đối tốn kém và đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối của bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân đều đáp ứng với phương pháp này. Tuy nhiên, khi ngưng thuốc thì bệnh rất dễ tái lại.
- Điều trị bằng iod phóng xạ: Dùng iod 131 tập trung tại tuyến giáp để phá hủy nhu mô tuyến giáp tại chỗ. Đây là phương pháp điều trị được chọn lựa do hiệu quả cao, kinh tế và không có phản ứng phụ nghiêm trọng.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp gần toàn phần: Phẫu thuật được tiến hành trong các trường hợp: bệnh tái phát sau nhiều lần điều trị, tuyến giáp quá lớn hoặc cường giáp ở phụ nữ có thai đáp ứng kém với điều trị bằng thuốc.
DS Phan Thu Hiền