Helicobacter Pylori (Hp) là một loại vi khuẩn có thể làm hỏng lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày. Nếu như không được điều trị kịp thời, nhiễm vi khuẩn Hp có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Vi khuẩn Hp là gì?
Hp là một loại vi khuẩn thường sống trong đường tiêu hóa của chúng ta, chúng thường tấn công niêm mạc dạ dày. Theo thống kê năm 2018, trên thế giời có tới 44% người dân từng bị nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày.
Phần lớn các trường hợp nhiễm vi khuẩn Hp đều vô hại, nhưng chúng là nguyên nhân gây ra hầu hết vết loét ở dạ dày và ruột non.
Loại vi khuẩn này có khả năng thích nghi cao nên chúng sống được trong môi trường khắc nghiệt và giàu tính axit của dạ dày. Trong tên của chúng, chữ H là viết tắt của Helocobacter, mà “Helio” nghĩa là hình xoắn ốc, chỉ hình dạng của loại vi khuẩn.
Vi khuẩn Hp có thể thay đổi môi trường xung quanh và giảm độ axit để có thể tồn tại dễ hơn. Hình dạng xoắn ốc của Hp cho phép nó xâm nhập sâu vào niêm mạc dạ dày – nơi được bảo vệ bởi chất nhầy. Đây là nơi mà các tế bào miễn dịch của cơ thể không tiếp cận được. Chính vì thế nhiễm Hp dễ dẫn tới nhiều bệnh dạ dày.
Hp thường xâm nhập dạ dày của một người ngay trong thời thơ ấu. Dù ban đầu nhiễm Hp không có triệu chứng, nhưng trong thời gian dài cũng lại có thể gây bệnh ở một số đối tượng. Một số loại bệnh bao gồm: loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày,…
Phân biệt triệu chứng nhiễm vi khuẩn Hp
Hầu hết người nhiễm khuẩn Hp đều không có dấu hiệu khác biệt. Theo thời gian, ở một số đối tượng vi khuẩn làm hỏng lớp lót bảo vệ trong dạ dày và gây ra loét dạ dày tá tràng.
Một số triệu chứng loét dạ dày do Hp bao gồm:
- Đau bụng âm ỉ hoặc nóng rát vùng bụng
- Đầy bụng
- Buồn nôn
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Nôn mửa
- Ợ hơi
- Chán ăn
Cho dù hiếm gặp nhưng người nhiễm Hp cũng đối mặt với nguy cơ ung thư dạ dày. Vì thế người bị nhiễm Hp nên để ý xem mình có mắc một trong các triệu chứng ung thư dạ dày sau hay không:
- Chán ăn
- Sụt cân không chủ định
- Buồn nôn
- Nhanh no trong bữa ăn
- Đau bụng
- Khó chịu hoặc sưng to ở bụng
- Mệt mỏi và suy nhược
Cần chú ý đi khám bệnh ngay tức thì khi gặp các triệu chứng sau:
- Khó nuốt
- Thiếu máu
- Có máu trong phân
- Phân hoặc chất nôn ra có màu đen
Vi khuẩn Hp lây lan như thế nào?
Các nhà khoa học chưa nhận định được chính xác con đường lây lan của Hp. Vi khuẩn này đã tồn tại với con người trong nhiều ngàn năm nay. Một số bệnh nhiễm trùng được cho là lây từ miệng người này sang người khác, thông qua hôn hoặc ăn uống cùng mâm cơm.
Vi khuẩn cũng lây truyền nếu như tiếp xúc với chất nôn hoặc phân người bệnh. Hoặc cũng do không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Vi khuẩn Hp cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.
Phương pháp chẩn đoán người bệnh nhiễm Hp
Nếu bạn có một số triệu chứng của bệnh tiêu hóa, bạn sẽ cần phải xét nghiệm Hp. Có một số phương pháp nhanh chóng để chẩn đoán bạn có nhiễm Hp hay không, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ cánh tay của người bệnh. Mẫu máu sẽ được kiểm tra kháng thể đối với Hp.
- Xét nghiệm phân: Đối với xét nghiệm này, bạn sẽ lấy mẫu phân của mình để gửi tới phòng xét nghiệm. Mẫu này sẽ cần đưa vào xét nghiệm kháng nguyên phân hoặc xét nghiệm nuôi cấy phân.
Trong phần lớn các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi nếu như kết quả các xét nghiệm chưa rõ ràng. Đây là một thủ thuật mà bác sĩ sẽ đưa một ống dài và mỏng vào miệng và đi xuống dạ dày tá tràng của người bệnh. Camera đính kèm sẽ gửi lại các hình ảnh bên trong thực quản, dạ dày và một phần ruột non cho bác sĩ kiểm tra.
Các biến chứng khi nhiễm vi khuẩn H.pylori
Nhiễm trùng H.pylori có thể dẫn tới loét dạ dày, nhưng nhiễm trùng hoặc vết loét có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn. Đó là:
- Chảy máu trong: hiện tượng xảy ra khi các vết loét dạ dày phá vỡ mạch máu và liên quan tới thiếu máu do thiếu sắt.
- Tắc nghẽn: xảy ra hiện tượng có thứ gì đó như khối u chặn thức ăn rời khỏi dạ dày.
- Thủng dạ dày: xảy ra khi vết loét xuyên qua thành dạ dày.
- Viêm phúc mạc: Tình trạng nhiễm trùng phúc mạc – là niêm mạc của khoang bụng.
H.pylori cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến dạ dày – một loại ung thư dạ dày.
Điều trị nhiễm khuẩn H.p
Nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn Hp nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào khó chịu và bạn cũng không có nguy cơ mắc ung thư dạ dày, thì việc điều trị ở đây là không cần thiết.
Ung thư dạ dày cùng với loét dạ dày tá tràng liên quan tới nhiễm vi khuẩn Hp. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị ung thư dạ dày hoặc từng bị loét dạ dày tá tràng thì bác sĩ có thể khuyên nên điều trị dứt điểm Hp.
Điều trị giúp chữa lành vết loét và giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.
Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị nhiễm khuẩn Hp thường bao gồm sự kết hợp giữa thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (loại thuốc làm giảm axit dạ dày) trong tối thiểu 14 ngày.
Một số loại thuốc được dùng để điều trị nhiễm Hp bao gồm:
- Clarithromycin
- Thuốc ức chế bơm proton như lansoprazole, esomeprazole, pantoprazole hoặc rabeprazole
- Metronidazol
- Amoxicillin
Điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào tiền sử bệnh và tình trạng dị ứng thuốc ở mỗi người.
Sau khi điều trị, người bệnh có thể cần xét nghiệm lại Hp để theo dõi. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần dùng một đợt kháng sinh là có thể loại bỏ nhiễm trùng. Nếu như dùng thuốc này không hiệu quả thì bạn có thể cần dùng các loại thuốc khác.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn Hp
Không có loại vắc xin nào có thể bảo vệ khỏi vi khuẩn H.p nhưng duy trì được thói quen và vệ sinh lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả. Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm H.p bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Uống nước đun sôi để nguội.
- Tránh các loại thực phẩm chưa được làm sạch đúng cách hoặc đồ ăn chưa nấu chín.
Đào Tâm