Bụng bầu 6 tháng và những thay đổi của bé yêu trong bụng mẹ

Sang tháng thứ 6, thai nhi đã phát triển gần như đầy đủ và bắt đầu có những cử động trong bụng mẹ. Đây là giai đoạn mà bé yêu của bạn có thể cảm nhận và kết nối mạnh mẽ với thế giới bên ngoài.

Hình ảnh bụng bầu 6 tháng

Kích thước và hình dáng bụng bầu 6 tháng 

Sang tháng thứ 6, bụng bầu của mẹ sẽ to lên gấp đôi so với kích thước bụng tháng trước đó, do sự phát triển nhanh chóng của thai nhi trong giai đoạn này.

Vào tuần thứ 24 của thai kỳ, kích thước của thai nhi đã đạt khoảng 30cm, tương đương với quả dưa gang nhỏ.

Những thay đổi diễn ra khi mang thai tháng thứ 6

Tháng thứ 6 là khởi đầu của tam cá nguyệt thứ 3, thời gian mà thai nhi sẽ hoàn thiện nốt những sự phát triển cuối cùng trong bụng mẹ để sẵn sàng cho sự chào đời. Sự kết nối giữa người mẹ và bé yêu cũng trở nên rõ nét và sâu sắc hơn.

Bụng mẹ thay đổi rõ rệt hơn vào tháng thứ 6

Sự thay đổi ở mẹ 

So với đầu thai kỳ, lúc này mẹ đã tăng khoảng 5-7kg, bụng đã nhô lên rất rõ. Điều này làm cho cơ thể mẹ trở nên nặng nề, mệt mỏi hơn. Ngoài ra, tăng cân nhanh chóng cùng với sự biến động của nồng độ hormon trong thai kỳ tạo ra nhiều sự thay đổi đối với mẹ bầu:

  • Thay đổi ở da 

Sự phát triển của thai nhi khiến bụng mẹ tăng kích thước nhanh hơn, dẫn tới tình trạng phần bụng xuất hiện các vết rạn lớn xung quanh.

Không chỉ bụng, ngực và đùi cũng có tình trạng tương tự. Thêm vào đó, những đường nâu xuất hiện ở giữa bụng và có thể trở nên rõ nét hơn trong tháng này.

Để chuẩn bị cho việc bài tiết sữa, bầu ngực và núm vú cũng trở nên to hơn, thâm sạm chứ không còn hồng hào như trước đó.

  • Chuột rút, sưng phù chân tay

Do sự tăng cường lưu thông máu và áp lực từ tử cung, nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng sưng phù và chuột rút chân và tay. Chuột rút thường xuất hiện và cuối ngày, trong khi đi ngủ gây đau đớn và khiến mẹ không thể ngủ ngon cả đêm.

  • Đau lưng

Trọng lượng của thai nhi và bụng lớn lên làm tăng áp lực cơ thể lên cột sống, gây đau rút lưng và căng thẳng cơ thể.

  • Tăng cân nhanh chóng

Nếu trước đó, cân nặng của mẹ tăng khá chậm mặc dù bụng đã thấy rõ thì kể từ tháng thứ 6 tới cuối thai kỳ, mẹ có thể sẽ tăng lên số cân đáng kể so với trước đó.

Điều này là do thai nhi phát triển mạnh và tăng kích thước nhanh chóng trong giai đoạn cuối.

Trọng lượng tăng lên của mẹ lúc này không chỉ đến từ thai nhi mà còn từ nước ối, nhau thai và lượng máu tăng thêm trong cơ thể mẹ.

  • Hệ tiêu hóa thay đổi

Thai nhi lớn lên tạo áp lực lên dạ dày và ruột, khiến mẹ bầu dễ gặp phải các triệu chứng như ợ nóng, khó tiêu và táo bón.

Đây là những triệu chứng thường gặp do thay đổi nội tiết tố và vị trí của các cơ quan trong cơ thể mẹ.

  • Sự xuất hiện của những cơn gò Braxton-Hicks

Kể từ tháng thứ 6 trở đi, mẹ có thể gặp phải những cơn co thắt Braxton-Hicks rất dễ nhầm tưởng là chuyển dạ. Những cơn co thắt này không gây đau đớn nhưng có thể khiến cho bụng mẹ gò cứng.

Tuy nhiên, nhờ vào những cơn co thắt này, tử cung của mẹ sẽ có sự chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ thật, từ đó giúp mẹ sinh bé dễ dàng hơn.

Sự thay đổi thai nhi trong tháng thứ 6

Đây là thời điểm vô cùng quan trọng, thai nhi đã có hình dáng hoàn thiện của trẻ sơ sinh và đang bước vào những sự phát triển cuối cùng khi ở trong bụng mẹ.

  • Chiều dài và cân nặng thai nhi

Ở tháng thứ 6, thai nhi đạt chiều dài khoảng 30cm từ đầu đến gót chân và nặng từ 500 đến 900 gram.

Cơ thể trẻ đã phát triển đầy đủ về mặt hình dạng cũng như hình thành một số chức năng cơ bản nhất.

  • Sự phát triển của các giác quan

Đây là thời điểm mà các giác quan của trẻ sẽ phát triển rõ rệt, bắt đầu có thể nhận biết và đáp lại các tương tác từ bên ngoài như: Mắt bắt đầu mở ra và phản ứng với ánh sáng từ bên ngoài bụng mẹ, bé có thể nghe được âm thanh từ bên ngoài như giọng nói hay nhịp tim của mẹ.

Mẹ có thể dễ dàng nhận biết phản ứng của bé thông qua những cú đạp xuất hiện với tần suất tăng dần.

  • Phát triển hệ thống thần kinh và não bộ

Đây là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển và hoàn thiện của hệ thần kinh cũng như não bộ của trẻ.

Sư hình thành các kết nối thần kinh quan trọng cùng với việc não bộ phát triển nhanh chóng, trẻ bắt đầu có khả năng tự điều khiển nhiều hoạt động của cơ thể, bao gồm các cử động cơ bản.

  • Sự hoàn thiện của phổi và hệ tiêu hóa

Phổi đang dần hoàn thiện về cả cấu trúc cũng như chức năng, mặc dù chưa thể tự hoạt động độc lập, nhưng đã bắt đầu sản sinh surfactant. Điều này đảm bảo cho việc trẻ có thể tự hô hấp bình thường sau khi chào đời.

Bên cạnh đó, các cơ quan trong hệ tiêu hóa cũng đang hoàn thiện những sự phát triển cuối cùng, sẵn sàng cho việc hấp thụ dinh dưỡng sau sinh.

  • Cử động của thai nhi

Ở tháng thứ 6, những cử động của thai nhi trong bụng mẹ trở nên đều đặn và rõ nét hơn nhờ vào sự phát triển của hệ thống thần kinh và cơ xương.

Mẹ có thể cảm nhận bé đá, xoay người và đôi khi là những cú đạp nhẹ vào bụng.

  • Hệ thống xương phát triển

Khung xương và các chi tiết trên cơ thể của trẻ gần như đã được hoàn thiện. Xương cũng trở nên chắc khỏe hơn nhờ sự lắng đọng của canxi.

Mẹ có thể thấy qua siêu âm những cử động khác nhau của trẻ, ví dụ như mút ngón tay, cử động tay chân linh hoạt và bắt đầu có các động tác phản xạ cơ bản.

Bổ sung đầy đủ canxi trong 3 tháng cuối thai kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe răng và xương, chiều cao cũng như phòng ngừa trẻ bị loãng xương sớm.

Những lưu ý quan trọng mà các mẹ cần nhớ khi bụng bầu 6 tháng

Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ và thai nhi tháng thứ 6 đều tăng cao. Tại thời điểm này mẹ cần đảm bảo một chế độ ăn khoa học để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển mạnh mẽ của thai nhi:

  • Bổ sung các thực phẩm giàu tinh bột nhưng có chỉ số đường huyết thấp để cung cấp năng lượng như gạo lứt, bún, miến, khoai lang…
  • Ưu tiên sử dụng các loại thịt nạc, cá màu trắng, trứng, ức gà… trong khẩu phần ăn hàng ngày để cung cấp protein lành mạnh cho cơ thể.
  • Tăng cường bổ sung các loại rau củ và trái cây tốt cho bà bầu để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết, cải thiện tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, và hạn chế nguy cơ táo bón hay trĩ trong thai kỳ.
  • Bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều canxi cũng như kali (chuối, bưởi, cam…) để ngăn ngừa chuột rút và giúp xương trẻ cứng cáp hơn.
  • Chất béo lành mạnh từ cá hồi, bơ, dầu oliu có thể ngăn ngừa tình trạng tăng lipid máu và tiểu đường thai kỳ. 

Ngoài ra, vào thời điểm này, mẹ nên ăn thêm những loại thực phẩm giàu axit folic như hạt lanh, hạnh nhân, bí ngô, hạt vừng, hạt hướng dương… Dưỡng chất này rất cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào mới và phát triển trí não ở thai nhi.

Chăm sóc giấc ngủ

Chuột rút, đau lưng, cảm giác nặng nề ở bụng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng tới giấc ngủ mỗi ngày của mẹ.

Nghỉ ngơi và giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Sử dụng gối ôm sẽ có tác dụng hỗ trợ tốt hơn cho vùng bụng và lưng, giảm áp lực lên cột sống và giúp mẹ dễ ngủ hơn.
  • Ngủ nghiêng về bên trái: Tư thế này giúp tối ưu hóa lượng máu và chất dinh dưỡng cung cấp đến thai nhi, đồng thời giảm áp lực lên cột sống của mẹ và giảm tình trạng sưng phù.
  • Tạo không gian nghỉ ngơi thoải mái: mẹ nên lựa chọn nghỉ ngơi và ngủ tại những khu vực đảm bảo đủ tối, yên tĩnh, thoáng mát và hạn chế ánh sáng chiếu vào để có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. 

Giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái

Việc sắp sửa chào đón một thành viên mới chào đời có thể khiến tâm trạng mẹ trở nên hồi hộp, bồn chồn, vừa mong đợi vừa lo lắng.

Thêm vào đó, ảnh hưởng của các hormon trong cơ thể cũng tác động đáng kể tới tâm lý và tinh thần của mẹ.

Vào thời điểm này, sự kết nối giữa mẹ và bé trở nên rõ rệt và rất mạnh mẽ. Mọi sự thay đổi tâm trạng dù là nhỏ nhất của bạn cũng có thể ảnh hưởng tới thai nhi trong bụng.

Điều quan trọng lúc này là mẹ cần điều chỉnh và biết cách giải tỏa để luôn giữ được sự lạc quan, thoải mái, hạn chế việc cáu giận, căng thẳng hay stress. Mẹ có thể thử áp dụng một trong số những cách thư giãn như:

Thực hiện các hoạt động thư giãn: thực hành bài tập thiền, nghe nhạc nhẹ hoặc đọc sách, massage để giúp giải tỏa căng thẳng cơ bắp và giúp mẹ cảm thấy nhẹ nhõm, tâm trạng tốt hơn.

Chia sẻ với người thân

Trong giai đoạn này, sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ từ gia đình và bạn bè là điều đặc biệt quan trọng, giúp mẹ cảm thấy an tâm và thoải mái tinh thần hơn.

Việc có người ở cạnh trong những tháng cuối có thể giúp mẹ trải qua quá trình sinh thuận lợi hơn, giảm tỷ lệ sinh non, sản giật hay băng huyết sau sinh.

Ngoài ra, mẹ cũng hoàn toàn có thể giao tiếp với bé yêu của mình, thông qua việc đọc sách, kể chuyện cho con hoặc cho bé nghe nhạc.

Những đứa trẻ được cha mẹ trò chuyện, giáo dục ngay từ khi còn trong bụng mẹ thường thông minh và nhận thức tốt hơn đáng kể.

Thăm khám định kỳ với bác sĩ theo lịch

Vào những tháng cuối, bác sĩ có thể yêu cầu những cuộc hẹn khám thai thường xuyên hơn để theo dõi tình trạng thai nhi cũng như lượng nước ối còn lại.

Mẹ cần ghi nhớ và đến khám đầy đủ theo đúng lịch đã được hẹn trước, để tránh trường hợp cạn ối hay bất thường có thể gây khó sinh.

Dược sĩ Thu Hà